Giá đền bù chỉ bằng 1/10 giá thị trường
Trong báo cáo của mình, ông Lê Trọng Sang - Chủ tịch UBND quận 9 cho biết: tính đến 15-7, quận 9 có 186 dự án đầu tư được cấp thẩm quyền giao đất, cho thuê đất với diện tích 2.344 ha, trong đó chỉ riêng dự án Khu công nghệ cao đã chiếm đến 913 ha. Cũng chính vì vậy, dự án này là nơi tập trung nhiều nhất hồ sơ khiếu kiện với 751 hồ sơ và theo đánh giá của ông Sang thì "tốc độ khiếu nại tại dự án này tăng theo cấp số nhân". Lý do cơ bản theo như lời của ông Nguyễn Văn Quên - Chủ tịch UBND phường Tân Phú, một phường có hơn 1.000 hộ dân (dự án này có khoảng hơn 3.000 hộ thuộc các phường Tăng Nhơn Phú A, Tân Phú, Tăng Nhơn Phú B, Long Thạnh Mỹ, Phước Long) bị giải tỏa tại dự án Khu công nghệ cao, là do "giá đền bù chỉ bằng 1/10 giá thị trường". Bảng giá đền bù của dự án quy định đất nông nghiệp được đền bù chỉ có 150 nghìn đồng/m2, trong khi đó giá đất thị trường có nơi lên đến 1,5 triệu đồng/m2.
Ngoài ra, tại dự án này còn có những lý do khác khiến cho người dân bức xúc. Chẳng hạn đơn khiếu nại của gần 100 hộ dân thuộc khu phố 4 và 5 phường Tăng Nhơn Phú A ghi rõ: "Chúng tôi ủng hộ các dự án phát triển kinh tế của TP nhưng trong việc thu hồi đất có rất nhiều chuyện nhập nhằng như tháng 5-2002, Chính phủ cho phép TP Hồ Chí Minh căn cứ Quyết định 989 để thu hồi 804 ha và sau đó UBND TP ký Quyết định 2666 thu hồi đúng diện tích nói trên. Tuy nhiên, đến ngày 18-7-2003, TP lại ra tiếp QĐ 2717 thu hồi 7 ha, ngày 19-5-2004 lại ký tiếp QĐ 2193 thu hồi tiếp 102 ha. Cả ba lần UBND TP đã ký QĐ thu hồi 913 ha vào nhiều thời điểm khác nhau khiến cho người dân chúng tôi đã được làm thủ tục cấp giấy chủ quyền, nhà cửa đã xây dựng xong lại phải đón nhận quyết định giải tỏa".
Đơn khiếu nại của người dân cũng nêu thắc mắc tại sao Chính phủ chỉ duyệt 804 ha mà TP lại thu hồi đến 913 ha? Vấn đề bà con đặc biệt bức xúc nữa là tại sao dự án lại chọn địa điểm thu hồi đất tại khu dân cư đông đúc (hơn 3.000 hộ dân với hơn 20.000 người phải thay đổi hoàn toàn chỗ ở, tập quán sinh hoạt, chuyện học hành của con em) mà không chọn những khu vực đất trống, đất nông nghiệp nhiều để thực hiện dự án... gây xáo trộn và ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân? Nhiều người dân cũng không đồng tình với cách hành xử của một số cán bộ địa phương trong việc cưỡng chế người dân di dời, không có một lời giải thích những thắc mắc khi đến đo vẽ kiểm kê đất của dân, giao quyết định cưỡng chế chỉ cho người dân 3 ngày là phải di dời mà chẳng cần biết dân phải di dời đi đâu...
Phần lớn khiếu nại bức xúc của người dân tập trung vào dự án Khu công nghệ cao.
"Không cấp giấy chủ quyền cho hộ KT3 là làm sai luật"
Trưởng đoàn Kiểm tra, ông Nguyễn Khải đã khẳng định như vậy khi nghe ông Lê Trọng Sang - Chủ tịch UBND quận 9 báo cáo là vẫn còn khoảng 15.000 trường hợp chưa được cấp giấy chủ quyền trong đó vướng mắc thuộc diện KT3 là 6.500 hộ. Ông Khải nhấn mạnh: "Pháp luật không quy định không có hộ khẩu thường trú là không cấp giấy chủ quyền. Tôi xin thưa rằng nếu các anh không cấp giấy thì người ta vẫn ở, anh không cấm người ta được. Anh không cấp giấy cho người dân diện KT3 là mặc nhiên anh công nhận một bộ phận dân cư sống ngoài vòng pháp luật. Sắp tới, kết thúc đợt kiểm tra ở các quận huyện, khi làm việc với UBND TP tôi sẽ trao đổi về vấn đề này". Ông Trần Thế Ngọc - Giám đốc Sở TNMT TP liền đứng lên cho biết: "Vừa rồi, Sở cũng đã có kiến nghị với UBND TP về vấn đề cấp giấy chủ quyền cho diện KT3, lãnh đạo TP đang nghiên cứu và chắc chắn sẽ sớm có quyết định". Ông Sang cho biết nếu giải quyết được vấn đề này sẽ tháo gỡ rất nhiều khó khăn cho người dân, bởi trên địa bàn quận 9 có nhiều phường người dân thuộc diện KT3 lên đến 50%.
Ông Nguyễn Văn Quên - Chủ tịch UBND phường Tân Phú cũng báo cáo: "Phường Tân Phú có 15.657 người dân thì trong đó nhập cư chiếm đến 7.125 người và trong số 2.895 hộ dân thì có đến 2.047 hộ bị ảnh hưởng do bị giải tỏa tại các dự án". Chính vì vậy, vấn đề tái định cư cho người dân bị giải tỏa được đoàn kiểm tra đặt ra rất nhiều lần. Ông Nguyễn Khải nhấn mạnh: "Không lý gì người dân giao đất cho Nhà nước làm dự án mà lại không được bố trí tái định cư, trong đó có nhiều trường hợp tôi thấy là người dân bị giải tỏa lâu rồi mà vẫn chưa có chỗ ở mới, người dân bức xúc là phải".
Bình Định: Từ sáng sớm ngày 24-8 đã có khoảng 50 người dân đã kéo đến xin gặp đoàn kiểm tra. Ngày 25-8, đoàn kiểm tra sẽ chia thành hai nhóm: Nhóm một làm việc tại huyện An Nhơn và tiếp xúc với dân tại xã Nhơn Lộc; nhóm hai làm việc tại TP Quy Nhơn và tiếp xúc với dân tại phường Nguyễn Văn Cừ. Chiều 26-8, đoàn kiểm tra sẽ tiếp tục tiếp dân tại trụ sở Sở TN-MT. Cần Thơ: Làm việc với UBND quận Bình Thủy (TP Cần Thơ), ông Trần Hùng Phi, Trưởng đoàn Kiểm tra số 10 đã lưu ý quận không để xảy ra tình trạng "một dự án mà có đến hai phương thức bồi thường, đó là vừa bồi thường theo khung giá nhà nước lại vừa cho phép bồi thường theo thỏa thuận". Điều này sẽ làm phức tạp thêm công tác quản lý đồng thời cũng dễ dẫn đến những khiếu kiện kéo dài.
|
|