10 giờ ngày 24-8, một tổ công tác gồm lực lượng của C15 và PC15 đã có biện pháp nghiệp vụ để "giữ chân" một số cá nhân có liên quan đến vụ này tại trụ sở Công ty Điện lực TPHồ Chí Minh để chờ tiến hành các thủ tục tố tụng theo luật định. Các ông Lê Văn Tinh (Trưởng phòng Vật tư), Thiều Túc (Phó giám đốc Trung tâm Thí nghiệm điện), Nguyễn Văn Hiệp (Trưởng phòng Kỹ thuật), Lê Ngô Hữu Thiện Tâm (nguyên Trưởng phòng Hợp tác quốc tế) và Huỳnh Ngọc Thành (Phó phòng Kinh doanh) được đưa vào phòng họp riêng để nghe công bố các quyết định khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam để điều tra về tội "cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".
Ông Lê Văn Tinh đang được dẫn ra xe.
Cùng thời điểm, tại trụ sở Công ty Linkton Vina (KCN Cát Lái, quận 2), một tổ công tác khác của C15 cũng tống đạt quyết định khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt tạm giam đối với ông Trần Công Điền, Phó tổng giám đốc Công ty Linkton Vina (nguyên Phó giám đốc phụ trách kỹ thuật Công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh) để điều tra về tội "sản xuất hàng giả".
Đồng phạm với ông Điền, ông Justin Kaleung Wong (quốc tịch Mỹ), Tổng giám đốc Công ty Linkton Vina cũng bị khởi tố và có lệnh bắt giam nhưng đã bỏ trốn khỏi Việt Nam từ trước đây hai tháng.
Riêng ông Lê Văn Hoành, nguyên Phó giám đốc phụ trách kinh doanh Công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh (bị đình chỉ công tác từ tháng 7-2005), cơ quan công an phải mất thời gian lâu hơn. Buổi sáng cùng ngày, ông Hoành vào cơ quan một lát thì... mệt và ngất xỉu. Bộ phận y tế đã sơ cứu tạm thời, sau đó ông Hoành được đưa về nhà. Đầu giờ chiều, ông Hoành đã vào Bệnh viện Chợ Rẫy do bị mệt và cao huyết áp. Nhận thấy lý do nhập viện của ông Hoành là không hợp lý, cơ quan công an yêu cầu ông Hoành làm thủ tục xuất viện và phải trở về Công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh. Lúc 18 giờ 30, ông Hoành đã được dẫn giải về cơ quan, nghe công bố quyết định khởi tố bị can và chịu thi hành lệnh bắt tạm giam về hành vi "cố ý làm trái...". Sau đó, ông Hoành được áp giải lên xe để đưa về khám xét tại nhà riêng số RR1 Ter đường Hồng Lĩnh, phường 15, quận 10.
Tối cùng ngày, có năm bị can được đưa thẳng về trụ sở Tổng cục Cảnh sát, hai bị can được đưa về nhà giam của Cơ quan An ninh điều tra Công an TP Hồ Chí Minh. Riêng nguyên Giám đốc Công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh Lê Minh Hoàng, cơ quan điều tra sẽ tiếp tục xem xét sau khi thu thập đủ tài liệu liên quan.
Ông Thiều Túc bị bắt đưa ra xe công an.
Hành trình gian dối của chiếc điện kế điện tử
Theo cơ quan điều tra, ngày 21-8-2003, Công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh có tờ trình gửi Tổng công ty Điện lực Việt Nam (EVN) trình kế hoạch đấu thầu mua sắm vật tư thiết bị cho công trình sửa chữa lớn, vận hành và sửa chữa thường xuyên lưới điện TP Hồ Chí Minh năm 2004. Ngày 1-10-2003, EVN có công văn phê duyệt kế hoạch của Công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh, trong đó nêu rõ: hình thức lựa chọn nhà thầu (đấu thầu quốc tế các gói thầu từ số 43 đến số 74); phương thức đấu thầu (đấu thầu một giai đoạn, một túi hồ sơ); loại hợp đồng (hợp đồng trọn gói và không điều chỉnh giá)...
Kèm theo quyết định này là phụ lục số 2 (phần đấu thầu quốc tế ghi rõ gói thầu số 44 là điện kế điện tử (ĐKĐT) kỹ thuật số 1 pha, số lượng 400.000 chiếc, đơn giá 340.000 đồng/chiếc). Sau khi có phê duyệt của EVN, ngày17-11-2003, Phòng Hành chính quản trị Công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh lập kế hoạch đấu thầu mua ĐKĐT và được Giám đốc công ty phê duyệt với số lượng 10.000 chiếc, giá 580.000 đồng/chiếc. Việc lập kế hoạch đấu thầu này không đúng phê duyệt và không báo cáo EVN có sự thay đổi số lượng, giá cả, vi phạm văn bản hướng dẫn của EVN và nghị định của Chính phủ về quy chế đấu thầu.
Ngày 2-12-2003, Giám đốc Công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh ra quyết định thành lập tổ chuyên gia xét thầu do ông Lê Văn Hoành (nguyên Phó giám đốc) làm tổ trưởng. Tổ chuyên gia này bao gồm hai nhóm. Nhóm kỹ thuật do Huỳnh Ngọc Thành (Phó phòng Kinh doanh) phụ trách, gồm Nguyễn Văn Hiệp (Trưởng phòng Kỹ thuật), Lê Văn Tinh (Trưởng phòng Vật tư) và Thiều Túc (Phó giám đốc Trung tâm Thí nghiệm điện). Nhóm thứ hai là nhóm tài chính - thương mại do Ngô Hữu Thiện Tâm (Trưởng phòng Hợp tác quốc tế) phụ trách, gồm Phạm Kim Hưng (Trưởng phòng Hành chính) và Hồ Thị Kim Trâm (Phó phòng Kế hoạch). Cùng ngày, ông Hoành có tờ trình về tiêu chuẩn xét thầu nhưng trong đó không đưa ra năng lực và kinh nghiệm nhà thầu (vi phạm điều 29 Nghị định 88 của Chính phủ).
Ngày 10-12-2003, khi tiến hành mở thầu, gói thầu số 2 (ĐKĐT) có ba nhà thầu tham gia, trong đó nhà thầu Linkton Singapore bỏ thầu thấp nhất. Mặc dù biết mẫu ĐKĐT không đúng với tiêu chuẩn xét thầu nhưng tổ chuyên gia vẫn xác định nhà thầu Linkton Singapore trúng lô thầu ĐKĐT mã hiệu LTE 66 220V-10 (40) A của Hãng EDMI (Asia) sản xuất tại Singapore. Tiếp theo, tại văn bản ngày 12-1-2004, với tư cách Tổ trưởng Tổ chuyên gia xét thầu, ông Hoành ký trình Giám đốc Công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh phê duyệt kết quả xét thầu cũng xác nhận nhà thầu Linkton Singapore chưa đủ điều kiện về pháp lý (giấy chứng chỉ sản xuất ISO đã hết hạn tháng 10-2003) và về kỹ thuật (hiệu chỉnh sai số chưa đạt như hồ sơ mời thầu và màn hình hiển thị các ký tự không dùng).
Nhưng ngày 14-1-2004, Giám đốc Lê Minh Hoàng đã phê duyệt kết quả xét thầu này và đến ngày 31-1-2004 đã ký hợp đồng số 03-04 với Công ty Linkton Singapore trên cơ sở đấu thầu 10.000 ĐKĐT và phụ kiện trị giá 6,3 tỷ đồng (trong đó xác định hàng sản xuất tại Singapore, có chứng chỉ xuất xứ hàng hóa C/O, không được ủy quyền cho người khác thực hiện hợp đồng). Từ tháng 1 đến tháng 12-2004, Công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh ký tiếp 13 hợp đồng mua ĐKĐT của Linkton Singapore, mua tổng số 312.000 ĐKĐT mà không tổ chức đấu thầu và đã thanh toán 183 tỷ đồng vào tài khoản của Công ty Linkton Vina.
Theo tài liệu hồ sơ đấu thầu và hợp đồng, Công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh mua ĐKĐT của Công ty Linkton Singapore là điện kế tại Singapore nhưng thực tế lại được sản xuất tại 43 Hồ Văn Huê (TP Hồ Chí Minh) và do Công ty Linkton Vina đảm nhận! Đáng nói hơn, số ĐKĐT đã đưa vào sử dụng lại do Trung tâm Thí nghiệm điện của Công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh kiểm định, ghi sản xuất tại Singapore, mác gắn trên ĐKĐT cũng là "Linkton Singapore".
Đến đây, cơ quan điều tra đã có đủ căn cứ xác định, việc tổ chức đấu thầu của Công ty Điện lực TPHồ Chí Minh về lô hàng ĐKĐT đã vi phạm quy định tại điều 7, điều 9, điều 29 Nghị định 88 của Chính phủ ban hành quy chế đấu thầu; Nghị định 66 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế đấu thầu theo Nghị định 88. Công ty Linkton Singapore không đủ các điều kiện theo quy định đấu thầu nhưng vẫn xét và công nhận trúng thầu; hợp đồng giữa hai bên xác định không được ủy quyền người khác thực hiện nhưng Công ty Linkton Singapore vẫn ủy quyền cho Công ty Linkton Vina thực hiện.
Sản xuất hàng giả
Sau khi ký hợp đồng cung cấp 312.000 ĐKĐT với Công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh, Công ty Linkton Singapore do bà Joanna Kaung làm Giám đốc điều hành đã lập tức ký một bản thỏa thuận với Công ty Linkton Vina (do ông Wong Justin Kaleung, quốc tịch Mỹ, làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc). Theo đó, Linkton Singapore chỉ định nhà cung cấp linh kiện chính để Linkton Vina nhập khẩu, chuyển giao công nghệ và lắp ráp thử nghiệm; Công ty Linkton Vina ký hợp đồng nhập, thanh toán với nhà cung cấp nước ngoài và trong nước mua linh kiện, lắp ráp và thử nghiệm theo tiêu chuẩn kỹ thuật đã đề cập trong hợp đồng và giao hàng tại kho của Công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh, xuất hóa đơn tài chính và nhận tiền, chuyển trả Linkton Singapore 3,5% giá bán sản phẩm theo hợp đồng trợ giúp kỹ thuật đã ký giữa hai bên.
Thực hiện thỏa thuận trên, Công ty Linkton Vina đã thuê nhà 43E Hồ Văn Huê của bà Lê Thị Mười (vợ của ông Lê Văn Hoành) và xin phép Sở Kế hoạch - Đầu tư TP Hồ Chí Minh để làm văn phòng giao dịch, trưng bày sản phẩm và... đào tạo công nhân. Việc sản xuất ĐKĐT của Công ty Linkton Vina đã có Trần Công Điền, Phó tổng giám đốc thứ nhất trực tiếp chỉ đạo. Cơ quan điều tra xác định, việc Công ty Linkton Vina tổ chức nhập linh kiện, sản xuất ĐKĐT xuất bán cho Công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh là hành vi vi phạm pháp luật vì ĐKĐT do công ty này sản xuất không đăng ký với cơ quan có thẩm quyền để kiểm định, đồng thời bị xác định là hàng giả (giả nguồn gốc xuất xứ).
|