Tà Năng là một xã vùng sâu của huyện Đức Trọng, cách Đà Lạt khoảng 100km, có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống là chủ yếu. Các điểm khai thác vàng ở đây được phân bố trên một vùng dân cư và rừng núi rộng hàng chục hécta như bãi K62, K63, bãi suối Đa Quyn... Cán bộ xã Tà Năng cho biết: Việc khai thác vàng ở "K" đã âm ỉ từ hai năm nay và đã bùng phát thành một phong trào dữ dội trong vòng hơn ba tháng qua (từ tháng 5 đến nay). Gần đây, chính quyền tỉnh và huyện đã có những động thái nhằm vãn hồi trật tự nơi này, nhưng dường như các biện pháp "mạnh" của cơ quan chức năng vẫn chưa "đủ liều" để mang lại kết quả tích cực nhất.
Tan hoang một vùng đất
Ông K'Tem - Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Tà Năng - cho biết: "Người dân ở đây đã tự lên danh sách "đen" ở bãi vàng Tà Năng gồm hơn 10 "cai thầu"; mỗi "cai thầu" nắm trong tay một đội quân từ 10 - 20 người, với nhiều phương tiện khai thác "mạnh" như xe tải, xe máy xúc, máy ủi, máy nổ, máy bơm nước...". Điều đáng nói là việc khai thác vàng trái phép, với các phương tiện hiện đại như thế diễn ra giữa thanh thiên bạch nhật. Người dân lương thiện ở Tà Năng từ nhiều tháng qua phải sống trong cảnh bức bối và không ngớt ta thán bởi nạn "vàng tặc" gây ra.
Những ngày này, bất kỳ ai khi đặt chân trên con đường nhựa mới tinh - nối từ quốc lộ 20 đến Tà Năng, cũng dễ dàng nhận ra những chiếc xe tải, xe máy xúc... bê bết bùn đất của các "chủ vựa" ầm ào vào ra nhộn nhịp. Ở các bãi Đa Quyn, K62, K63..., những cỗ xe cơ giới giăng hàng gầm rú hết công suất để đào, múc, xúc, khoét hầm khoét hố dọc theo các bãi vàng dài đến cả vài cây số.
Cả hai phía đều dùng biện pháp "mạnh"
Cách nay hơn hai năm, ngày 10-7-2003, UBND tỉnh Lâm Đồng cấp giấy phép số 49/GP-UB đồng ý cho Công ty TNHH công nghệ Hà Nội được phép tận thu các loại khoáng sản ở khu vực Tà Năng với các loại cát, sỏi và cuội. Suốt hai năm qua, người dân ở đây và cả cơ quan quản lý nhà nước của Lâm Đồng không rõ thực hư đằng sau việc khai thác "cát, sỏi và cuội" ấy là những gì.
Trong vòng gần nửa năm nay, khi xảy ra những cuộc "hỗn chiến" giữa các "ông chủ" khai thác tự do với công nhân của Công ty TNHH công nghệ Hà Nội thì thiên hạ mới "té ngửa" ra rằng thì ra... vàng! Rồi nữa, dường như là để "khai thác" triệt để thời hạn của giấy phép (từ 10-7-2003 đến 20-7-2004), đơn vị này đã ngấm ngầm "bán bãi" cho một số cá nhân với thoả thuận: Mỗi máy đào phải trả cho công ty một tháng 24 triệu đồng(?). Tuy nhiên, do việc "làm ăn" giữa công ty và các "B phẩy" có vấn đề, do giấy phép hết thời hạn và do sự thâm nhập của đội quân "vàng tặc" tự do, nên sự việc mới bị tung toé lên và chính quyền địa phương đã phải vào cuộc.
Về phía địa phương xã, một cán bộ có trách nhiệm của Tà Năng cho biết: "Trước đây, chỉ có mỗi một công ty khai thác theo giấy phép nên địa phương chúng tôi không mấy "để ý". Nhưng mấy tháng vừa qua, bỗng dưng người từ khắp nơi ùn ùn kéo đến, mang theo cả phương tiện khai thác cơ giới, làm chúng tôi đặt nghi vấn, nhưng quả tình là trở tay không kịp, chỉ tổ chức truy quét, đẩy đuổi mang tính tạm thời mà thôi". Tuy vậy, cho đến lúc này, những cuộc ra quân truy quét của chính quyền xã Tà Năng cũng đã mang lại một số kết quả nhất định là chí ít có 30 cỗ máy bơm nước của đội quân khai thác vàng trái phép bị tịch thu (mỗi chiếc trị giá từ 3 - 5 triệu đồng).
Về phía huyện, trong thời gian gần đây, đích thân ông Phan Văn Báu - Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Trọng - cùng các cơ quan chức năng của huyện và tỉnh đã không ít lần "vào tận nơi" với hy vọng góp phần vãn hồi trật tự; và kết quả là: Biết có đoàn kiểm tra, đội quân khai thác ít ra là "biến mất dạng" (nhưng sau đó thì đâu lại vào đấy!). Cũng cần đặt thêm một câu hỏi rằng: Vì sao hầu hết kế hoạch về các cuộc ra quân của xã và huyện đều bị "rò rỉ" thông tin, và nhờ đó đội quân khai thác vàng trái phép "rút lui an toàn"?
Về phía chính quyền tỉnh, Công văn số 3456/UBND ban hành ngày 26-7-2005 có nội dung giải tỏa việc khai thác vàng trái phép ở Tà Năng, giao cho huyện Đức Trọng phải giải tỏa xong và báo cáo trước ngày 15-8-2005 bao giờ được thực hiện?
|