Thái Bình: lại chuyện cán bộ địa chính không nắm vững luật
Chuyện cán bộ địa chính không nắm vững luật Đất đai một lần nữa lại tái diễn ở Thái Bình, địa phương được Bộ trưởng Tài nguyên - môi trường (TN-MT) Mai Ái Trực đến kiểm tra, làm việc trong ngày 15-8. Tại đây, không ít lần ông Nguyễn Cao Sang, giám đốc Sở TN-MT - nhà đất tỉnh, lúng túng trước câu hỏi của bộ trưởng liên quan tới những quy định trong luật Đất đai.
Đánh giá về tình hình thi hành luật Đất đai, ông Sang nói các vấn đề đang tồn đọng là giá bồi thường giải phóng mặt bằng thấp hơn giá thị trường, tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chậm, việc công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa đảm bảo quy định. Ngoài ra, ông Sang cũng cho biết hiện có 101/284 xã có cán bộ chưa được đào tạo các vấn đề liên quan tới luật Đất đai.
Lý giải về việc cấp giấy chứng nhận chậm, ông Đặng Phong Ba, phó giám đốc Sở TN-MT - nhà đất, cho biết do tỉnh chưa quy định hạn mức đất ở và do lệ phí địa chính cao.
Thừa Thiên - Huế: dân bức xúc vì tùy tiện thu hồi đất đai
Chỉ trong hơn một giờ tiếp dân, đoàn kiểm tra đã nhận được gần 20 đơn kiến nghị, khiếu nại liên quan đến đất đai.
Vượt hàng chục cây số, từ thôn La Khê, xã Thủy Bằng, huyện Hương Thủy, bà Võ Thị Tám (76 tuổi) là một trong những người có mặt từ rất sớm tại trụ sở Sở TN-MT. Bà Lê Thị Lợi, con gái của bà Tám, cho biết: “Ba mẹ tôi có bảy sào đất khai hoang, có trích lục hẳn hoi, đã sử dụng ổn định hơn 40 năm nay. Ngày 12-8, Phòng TN-MT huyện và UBND xã Thủy Bằng đã cho xe máy cày san ủi đất đai lẫn hoa màu mà không có một tờ giấy thông báo thu hồi, đền bù gì cả. Như vậy việc làm của các cấp có đúng với luật Đất đai không?”.
Sau khi xem xét các hồ sơ vừa tiếp nhận của dân, ông Đinh Văn Toàn, trưởng đoàn kiểm tra, cho biết có hai vấn đề nổi cộm, đó là người dân đòi lại đất cũ và bức xúc về giá cả đền bù.
Sóc Trăng: hầu hết các huyện đều chưa có quy hoạch
Ngày 15-8, trưởng đoàn kiểm tra Bộ TN-MT Đỗ Đình Đôi - vụ phó Vụ Đăng ký thống kê đất đai - đã nhiều lần phải dừng buổi làm việc với Sở TN-MT tỉnh Sóc Trăng để giải thích và vãn hồi số đông bà con đến khiếu nại. Báo cáo với đoàn kiểm tra, ông Đỗ Văn Phú - Giám đốc Sở TN-MT, nói: “Hiện nay phòng TN-MT, phòng xây dựng, phòng quản lý đô thị đều có quyền tham gia quản lý sử dụng đất, “chồng chéo” lên nhau. Vì vậy các vấn đề về quy hoach quản lý đất và môi trường không biết bàn giao cho ai, làm đến mức nào?”.
Về vướng mắc trong quy hoạch, theo ông Phú, hiện nay nhiều địa phương ĐBSCL, người ta vẫn “thích” quy hoạch đất đai đô thị trước rồi mới quy hoạch tổng thể sử dụng đất đai sau. “ Thực tế 105 xã và chín huyện thị trong tỉnh này vẫn chưa có quy hoạch sử dụng đất là vậy” - ông Phú bức xúc nói.
Khánh Hòa: kiểm tra việc sử dụng đất của các doanh nghiệp
Hôm qua 15-8-2005, đoàn kiểm tra số 8 của Bộ TN-MT đã bắt đầu kiểm tra một số đơn vị doanh nghiệp sử dụng đất bị người dân phản ảnh về việc sử dụng đất, đền bù giải tỏa. Đó là Công ty TNHH Hoàn Cầu, chủ đầu tư khu du lịch và giải trí Sông Lô (tại xã Phước Đồng, TP Nha Trang), Công ty Địa chính tỉnh Khánh Hòa và Công ty Quản lý kinh doanh và phát triển nhà Khánh Hòa.
Đối với các doanh nghiệp này, đoàn công tác của Bộ TN-MT tập trung kiểm tra về việc sử dụng đất có đúng quyết định giao đất và đúng mục đích hay không; đền bù giải tỏa; tái định cư cho dân ra sao; về tiến độ thực hiện dự án, tiền thuê đất...
Bà Rịa - Vũng Tàu: muốn phát biểu thì phải... bắt số
Chiều 15-8, đoàn kiểm tra tình hình thi hành luật Đất đai (số 1) làm việc với UBND TP Vũng Tàu. Theo báo cáo với đoàn, hiện nay TP Vũng Tàu có 84 dự án trên diện tích hơn 680ha đang triển khai, ảnh hưởng 7.823 hộ dân (trong đó có 3.450 hộ giải tỏa trắng), nhưng số hộ được bố trí tái định cư chỉ vỏn vẹn 545 hộ.
Lãnh đạo TP Vũng Tàu khẳng định, bất cứ dự án nào khi triển khai cũng họp công khai ra dân, sau khi áp giá đền bù xong đưa cho dân xem lại, trong giải quyết khiếu nại, cán bộ không bao giờ nạt nộ dân... Ông Nguyễn Khải, trưởng đoàn: “Nói như các anh thì chỗ nào cũng tốt. Vậy sao hàng trăm người dân phải mất công, mất việc đến gặp đoàn? Nghe các anh nói tôi càng băn khoăn!”.
Buổi sáng, sau khi làm việc với Sở TN-MT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đoàn đã phải dành thời gian từ 10g - 12g30 để tiếp dân vì số lượng người dân đến rất đông (có trên 500 người dân tìm đến gặp đoàn cả ngày hôm qua, 15-8). Sở TN-MT đã cho người dân... bắt số để được nói.
Long An: tranh chấp, khiếu nại vẫn nóng bỏng
Báo cáo với đoàn công tác số 12 (ông Võ Tư Can làm trưởng đoàn) vào sáng 15-8, UBND tỉnh Long An cho rằng nhìn chung tình hình khiếu nại, tranh chấp đất đai hiện nay trên địa bàn tỉnh không còn điểm nóng. Thế nhưng, ngay tờ mờ sáng đã có hàng trăm người dân ở khắp nơi trong tỉnh kéo về hội trường UBND tỉnh, nơi đoàn làm việc, để gửi đơn thư khiếu nại.
Cũng tại buổi làm việc này, UBND tỉnh Long An đã nêu ra một số vấn đề bất cập trong thực tế thi hành luật Đất đai 2003. Theo ông Nguyễn Thanh Nguyên, phó chủ tịch UBND tỉnh, thì quy định cấm phân lô bán nền đối với các doanh nghiệp đã gây khó khăn rất nhiều cho địa phương. Trong thực tế, quy định này chỉ phù hợp đối với những đô thị lớn như Hà Nội hoặc TP.HCM, còn ở một tỉnh lèo tèo như Long An thì rất khó kêu gọi đầu tư, nếu phải xây dựng nhà để bán thì doanh nghiệp cần đầu tư rất nhiều vốn mà... chưa chắc đã có ai mua.
Kiên Giang: “Làm như thế này là sai luật rồi”
Hôm qua 15-8, đoàn kiểm tra số 6 do ông Phạm Ngọc Chuyển làm trưởng đoàn đã làm việc tại tỉnh Kiên Giang. Theo thông tin do UBND tỉnh báo cáo với đoàn cho thấy việc quy hoạch kế hoạch sử dụng đất còn chậm, một số nơi quản lý nhà nước trong lĩnh vực còn lỏng lẻo; việc cá nhân, tổ chức bao chiếm đất không được phát hiện và giải quyết kịp thời; giao cấp đất sai thẩm quyền, không đúng đối tượng...
Sau khi nghe đại diện UBND tỉnh báo cáo, trưởng đoàn Phạm Ngọc Chuyển nhận xét: “Một số quyết định, chỉ thị của UBND tỉnh cần phải được xem xét lại, vì nếu viết như thế này thì sai luật rồi”. Theo ông Chuyển, chỉ thị 09 ngày 9-4-2002, quyết định số 03 ngày 14-1-2003 và 71 ngày 29-10-2004 là chưa phù hợp với pháp luật, vì trong các văn bản chỉ đạo “tiếp tục (hoặc tạm ngưng) giao cấp đất, cấp quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển đổi, cho thuê, thế chấp quyền sử dụng đất...” trong khi những nơi này chỉ mới... dự kiến quy hoạch.
* Ông Lê Viết Dũng, ấp Thanh Bình 2, xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc (Bà Rịa - Vũng Tàu) có 554m2 đất khai phá từ năm 1980. Năm 1993, UBND xã thu hồi toàn bộ đất nhà ông với lý do đất nằm trong quy hoạch xây chợ Bình Châu. Gia đình ông Dũng bồng bế nhau đi... ở nhờ. Một năm sau, ông Dũng thấy xã chỉ xây chợ ở một nửa diện tích thu hồi, nửa còn lại xã đem... phân lô bán. Ông Dũng khiếu nại. Năm 2003, ông Dũng bất ngờ khi nhận được giấy của Phòng Kinh tê - hạ tầng nông thôn, thuộc UBND huyện Xuyên Mộc mời ông đến để “bàn giao đất làm nhà khu dân cư cho ông Nguyễn Ngọc Thanh, ấp Thanh Bình 2, xã Bình Châu”. Theo người dân ở xã Bình Châu, ông Nguyễn Ngọc Thanh là em rể của ông Đặng Thanh Minh-trưởng phòng tổ chức Huyện ủy Xuyên Mộc. * Ông Ngô Hòa Diệp - ở 348/1 Bạch Đằng, TP Huế - cho biết bố của ông là ông Ngô Tần, một đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương, chủ sở hữu mảnh đất 2.900m2 ở thôn Lê Xá Đông, xã Phú Lương, Hương Thủy. Mảnh đất này từng là nơi ông Diệp sinh sống, sau khi chuyển lên ở TP ông đã giao cho cháu ông canh giữ, trồng cây cối... “Cách nay hai năm, chúng tôi xây bia tưởng niệm cho cha mình thì một vị lãnh đạo của xã Phú Lương đã cho người tới đập phá. Chúng tôi kêu cứu về huyện, huyện không giải quyết thỏa mãn. Chúng tôi lên tỉnh, tỉnh bảo ra Bộ Tài nguyên - môi trường. Chúng tôi ra Hà Nội, đến Bộ Tài nguyên - môi trường thì bộ bảo đây là việc của chính quyền địa phương chứ không phải của bộ”.
|
|