Theo báo cáo của các địa phương, trong tháng 11 và những ngày đầu tháng 12 trên địa bàn cả nước đã phát hiện bắt giữ 837 vụ, 1.407 đối tượng phạm tội về ma túy. Các lực lượng chức năng đã thu giữ 19,51 kg hê-rô-in; 14,6kg cần sa; 170.426 viên ma túy tổng hợp, hơn 1 tỷ đồng và nhiều tang vật liên quan; trong số đó có 716 vụ, 983 đối tượng mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép các chất ma túy... Nếu như trước đây, các đối tượng thường vận chuyển ma túy nhỏ lẻ bằng xe máy hoặc vận chuyển bằng xe tải, xe con thì thời gian gần đây bọn tội phạm ma túy đã khai thác khá triệt để các tuyến xe khách để vận chuyển ma túy.
Điển hình phải kể tới là vụ xảy ra ngày 14-8-2005, Công an huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La đã bất ngờ tiến hành kiểm tra xe khách mang biển kiểm soát 17K-0299, do Nguyễn Ngọc Trường, sinh năm 1962, điều khiển, chạy từ Mộc Châu (Sơn La) đi Hà Nội. Qua kiểm tra, Công an đã phát hiện thu giữ 12 bánh hê-rô-in không có người nhận. Sau khi thu giữ, phải rất khó khăn và mất khá nhiều thời gian Công an và các lực lượng chức năng mới truy tìm ra chủ của số heroin nói trên. Hay vụ ngày 28-9, tại bến xe khách thị xã Hà Tiên, Công an tỉnh Kiên Giang đã bắt tên Kông Hiêng, sinh năm 1947 (người nước ngoài). Qua kiểm tra hành lý của đối tượng, Công an đã thu giữ 1,7kg hê-rô-in (5 bánh). Số ma túy này cũng được tên Kông Hiêng vận chuyển về Hà Tiên bằng xe khách... Hai vụ việc nêu trên có thể coi là điển hình cho nhiều vụ buôn bán vận chuyển ma túy trên xe khách diễn ra trong thời gian qua.
Theo lời khai của các đối tượng, sở dĩ tình trạng buôn bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy trên xe chở khách có hướng tăng là bởi so với vận chuyển bằng xe tải, xe con thì chi phí vận chuyển theo con đường này thấp hơn nhiều. Điều này đồng nghĩa với việc lãi sẽ lớn hơn. Trong khi các lực lượng công an, biên phòng, hải quan, cảnh sát biển... đang tập trung triệt phá các đường dây, ổ nhóm buôn bán vận chuyển, sử dụng ma túy lớn và chú trọng vào các cửa khẩu, bến cảng, trung tâm lớn thì vận chuyển ma túy bằng xe khách có độ an toàn cao hơn.
Mặt khác, các đối tượng phạm tội về ma túy cũng hiểu rất rõ rằng, nếu bị bắt thì án "dựa cột" với chúng là khó tránh khỏi. Bởi vậy, buôn bán, vận chuyển ma túy bằng xe chở khách cũng là cách để các đối tượng lẩn trốn sự theo dõi của các lực lượng chức năng. Khi bị phát hiện chúng cũng dễ "cao chạy xa bay" theo kiểu "bỏ của chạy lấy người". Điều này cũng phần nào lý giải vì sao khá nhiều vụ buôn bán vận chuyển ma túy trên xe chở khách khi bị phát hiện lực lượng chức năng chỉ giữ được hàng, còn chủ thì phải qua quá trình điều tra hết sức khó khăn mới bắt được.
Để ngăn chặn tình trạng này, cần tiến hành đồng bộ nhiều biện pháp. Nhưng qua một số vụ việc cho thấy, không ít người dân biết đối tượng vận chuyển ma túy trên xe chở khách nhưng không trình báo với cơ quan chức năng. Hay có người muốn trình báo nhưng lại sợ bị trả thù nên đành im lặng... Thực tế này đặt ra cho các ngành chức năng cũng như cấp ủy chính quyền các địa phương cần phải đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức trách nhiệm của nhân dân, phát huy vai trò "tai, mắt" của các tổ chức đoàn thể quần chúng và người dân trong đấu tranh phát hiện, tố giác tội phạm. Song hành cùng việc làm ấy, các địa phương, ngành chức năng cần có chế độ khen thưởng xứng đáng và kế hoạch cụ thể để bảo vệ tính mạng, tài sản cho những cá nhân đã dũng cảm phát hiện, tố giác tội phạm.
Mặt khác, cần có ngay và sớm cụ thể hóa quy chế phối hợp hành động giữa các lực lượng chức năng như: Công an, bộ đội biên phòng, hải quan, cảnh sát biển trong đấu tranh phòng, chống buôn bán, vận chuyển, sử dụng ma túy... Khi vai trò của quần chúng được phát huy, các lực lượng chức năng thường xuyên "nối mạng", phối hợp hành động chặt chẽ, liên hoàn thì tin chắc tình trạng buôn bán, vận chuyển, sử dụng ma túy nói chung và tình trạng buôn bán, vận chuyển ma túy theo xe chở khách sẽ từng bước được ngăn chặn.
|