Hàng giả đặt làm từ... nước ngoài
Theo nhận định của Cục Quản lý thị trường (QLTT), Bộ Thương mại, thời điểm này việc sản xuất, kinh doanh hàng giả và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ diễn biến phức tạp. Hàng giả không chỉ được sản xuất ngay trong nước mà còn đặt làm từ nước ngoài, sau đó để lẫn vào hàng nhập khẩu chính ngạch hoặc nhập lậu vào Việt Nam. Tiếp tay đắc lực cho sản xuất, kinh doanh hàng giả là các cơ sở in ấn, cung cấp bao bì, nhãn hàng hóa hoạt động có tổ chức chặt chẽ từ khâu làm phim, chế bản, in ấn... để làm giả những bao bì có uy tín.
Hàng giả tập trung vào các mặt hàng đang được tiêu thụ mạnh trên thị trường hoặc hàng hoá có thương hiệu nổi tiếng về thực phẩm đã qua chế biến như: Rượu ngoại và cả phụ tùng xe gắn máy. Nhất là hàng điện tử điện lạnh có xuất xứ Trung Quốc gắn các nhãn hiệu nổi tiếng như Toshiba, National.
Hàng nội bị làm giả nhiều nhất là rượu nếp mới, Lúa mới của Công ty Rượu Hà Nội; vang Đà Lạt. Điển hình là vụ lực lượng QLTT Hà Nội vừa phát hiện tới 10.000 chai rượu vang Pháp giả; vụ thu giữ 13.000 chai rượu giả nhãn hiệu tại TP Hồ Chí Minh. Công an TP Cần Thơ bắt quả tang một xe ô-tô đang vận chuyển nhiều hàng hóa không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc nhập khẩu hợp pháp. Mở rộng điều tra, lực lượng công an tiến hành khám xét hành chính shop Đại Đức (đường Nguyễn Trãi, phường An Hội) và nhà số 147 đường 30/4 (thượng Xuân Khánh, TP Cần Thơ). Qua kiểm tra, thu giữ 3.514 chai rượu các loại Remy, Martin, St Remy, Hennessy... không có chứng từ hợp pháp. Tại Hà Nội, đội QLTT số 2 kiểm tra cửa hàng thực phẩm Sành Điệu (200 Hàng Bông) phát hiện gần 100 chai rượu ngoại sử dụng tem giả, tem rách nát, tem sai chủng loại.
2 tem thật/698 tem giả
Bộ Thương mại có công văn yêu cầu tổng kết, đánh giá sau 10 năm kể từ khi quy định 17 mặt hàng phải dán tem nhập khẩu để xem quy định này có hiệu quả thực sự hay không. Vì thực tế, rượu được dán tem nhưng thực chất là hàng giả, hàng lậu vẫn bày bán công khai trên thị trường. Thậm chí, có xu hướng ngày một nhiều. Nhận định của cơ quan QLTT Hà Nội trên điều kiện thực tế của thị trường Hà Nội, quy định dán tem 17 mặt hàng nhập khẩu là chủ trương đúng, cần phát huy và triển khai. Nhưng thực tế thời gian qua, việc quy định dán tem để phát hiện và phân biệt hàng lậu không mang lại hiệu quả. Qua kiểm tra thí điểm 700 chai rượu ngoại, đưa đi giám định thì chỉ có hai chai được gắn tem rượu nhập khẩu thật, còn lại là tem giả.
Tem rượu nhập khẩu giả do Trung Quốc sản xuất giá chỉ có vài trăm đồng một chiếc. Nhìn bằng mắt thường rất khó phát hiện, thậm chí không thể phát hiện được vì tem giả và tem thật giống nhau hoàn toàn. Chỉ khi đưa vào máy để chiếu, tem thật có phản quang thì mới phân biệt được thật giả. Cách thứ hai lại rất phức tạp và mất nhiều thời gian là kiểm tra số series xem Bộ Tài chính có phát hành số series đó hay không. Tem giả thường làm một loại series và in các số khác nhau. Trong trường hợp không trùng số thì dễ phát hiện nhưng nếu số series mà trùng nhau thì cũng không thể phân biệt được đó là tem giả hay tem thật.
Tem "con kiến" dán vào "con voi"
Hiện chưa có quy định cụ thể từng loại tem rượu để dán vào từng dung tích khác nhau mà chỉ quy định làm hai loại: rượu dưới 30 độ và trên 30 độ. Các đối tượng buôn lậu (hàng nhập loại rượu dung tích chỉ có 30cc tương đương một chén nhỏ rượu nhỏ như chai rượu dùng để thắp hương) thường được cung cấp cho hành khách đi máy bay, đi tầu để chịu mức thuế nhập khẩu thấp. Sau khi làm thủ tục và nhận tem, sẽ dán tem đó vào các chai rượu có dung tích lớn hơn (hàng nhập lậu) để hợp thức bán ra thị trường. Nếu như vài năm trước còn tình trạng sử dụng tem quay vòng bằng cách bóc tem ở chai dung tích nhỏ dán sang chai dung tích lớn, làm tem trông nhàu nát và dễ phát hiện, thì năm nay, lấy luôn tem được phát khi kê khai nhập khẩu chai rượu nhỏ để dán sang chai rượu lớn nhập lậu nên trông tem nhập khẩu vẫn mới, không nhàu nát, khó phát hiện là tem quay vòng. Theo quy định của Nhà nước; ngành Hải quan phải giám sát việc dán tem. Thông tư liên Bộ Thương mại, Tài chính, Công an, Hải quan cũng quy định, nêu trong trường hợp hải quan không có điều kiện để giám sát việc dán tem thì phải thông bảo bằng văn bản đến cơ quan QLTT tại địa phương mà doanh nghiệp sẽ về để giám sát.
Nhưng kể từ khi có quy định này, cách đây hai năm, chưa hề có văn bản nào của hải quan gửi về cơ quan QLTT Hà Nội Như vậy, nếu doanh nghiệp nhận lô tem nhập khẩu về và dán vào rượu lậu thì cũng rất đơn giản và dễ dàng.
|