Không phân biệt hợp đồng dân sự, kinh tế hay thương mại
Nhằm bảo đảm tính ổn định của Bộ luật cũng như tôn trọng và phát huy sự tự thỏa thuận và tự quyết định của các chủ thể, BLDS 2005 được xây dựng theo hướng là luật chung để điều chỉnh các quan hệ xã hội được xác lập trên nguyên tắc bình đẳng, tự nguyện và tự chịu trách nhiệm giữa các chủ thể với nhau. Sự tự do, tự nguyện, thỏa thuận được BLDS 2005 quy định ngay tại Điều 4 của Bộ luật đó là "Quyền tự do cam kết, thỏa thuận trong việc xác lập quyền, nghĩa vụ dân sự được pháp luật bảo đảm, nếu cam kết, thỏa thuận đó không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội".
Đây là sửa đổi rất quan trọng thể hiện nguyên tắc các chủ thể trong quan hệ dân sự "được làm những gì mà pháp luật không cấm " thay vì "được làm những gì phù hợp với quy định của pháp luật" như BLDS 1995. Hơn nữa, việc phân biệt hai hệ thống pháp luật về hợp đồng gồm: hợp đồng dân sự do BLDS điều chỉnh và hợp đồng kinh tế do Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế và Luật Thương mại điều chỉnh đã gây nhiều khó khăn trong thực tế áp dụng và không bảo vệ được tuyệt đối quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể khi tham gia giao kết hợp đồng. Để hoàn thiện hơn, BLDS 2005 được sửa đổi theo hướng các nguyên tắc các quy định chung về hợp đồng được áp dụng chung cho tất cả các loại hợp đồng, không phân biệt hợp đồng dân sự, kinh tế hay thương mại.
Xác định quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài: TAND các cấp cũng mơ hồ
BLDS 2005 đã bổ sung và khắc phục những hạn chế mà BLDS 1995 chưa làm được. Theo TS Hoàng Phước Hiệp, Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế - Bộ Tư pháp, thì BLDS và vấn đề hội nhập là một phần rất quan trọng. Vì quan hệ dân sự trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là trong hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng phong phú và phức tạp, nhiều vấn đề mà hôm nay chúng ta vẫn chưa hiểu đó là cái gì. Cụ thể là Bộ Luật Tố tụng dân sự (luật hình thức) nhằm bảo vệ cho luật về nội dung (BLDS), thì gần như tất cả các vấn đề phát sinh về tranh chấp có yếu tố nước ngoài luật của Việt Nam lại đưa xuống cấp quận, huyện trong khi lực lượng cán bộ để giải quyết vấn đề này thời gian qua ta chỉ chú trọng đến ở cấp tỉnh. TS Hiệp khẳng định lý luận của Điều 826 BLDS 1995 về vấn đề hội nhập quốc tế và quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài là quá rườm rà giữa một thực tiễn là nước ta thời gian qua đã nảy sinh nhiều vấn đề làm cho cách hiểu của cán bộ ở các cấp khác nhau, kể cả ngành TAND các cấp cũng rất mơ hồ về vấn đề xác định quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài.
Chính vì thế, theo TS Hiệp khi xác định quan hệ dân sự nào là quan hệ có yếu tố nước ngoài, thì nhìn vào quan hệ dân sự mà có chủ thể là cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân nước ngoài thì quan hệ dân sự đó dứt khoát là quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài. Riêng đối với trường hợp người Việt Nam định cư ở nước ngoài, cho dù họ còn là công dân Việt Nam hay không, nhưng gốc của họ là Việt Nam cho nên khi nghiên cứu quan hệ dân sự nếu có người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì quan hệ đó được coi là quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài.
Lần đầu tiên bảo hộ giống cây trồng được quy định trong BLDS
Theo PGS-TS Đoàn Năng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Khoa học Công nghệ & Môi trường, quyền sở hữu trí tuệ là quyền tài sản vô hình, tiềm ẩn của doanh nghiệp được đánh giá thông qua các yếu tố: uy tín của doanh nghiệp, bằng độc quyền sáng chế, bằng độc quyền kiểu dáng, nhãn hiệu, bí mật kinh doanh... BLDS 2005 đã bổ sung một số đối tượng sở hữu trí tuệ, cụ thể là: tín hiệu vệ tinh mang chương trình đã được mã hóa, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, bí mật kinh doanh, tên thương mại, tên chỉ dẫn đại lý và giống cây trồng. Nhìn chung, các quy định của pháp luật nước ta đã cơ bản đạt được tiêu chuẩn về tính đầy đủ so với yêu cầu của các điều ước quốc tế về sở hữu trí tuệ.
Đặc biệt, lần đầu tiên trong BLDS, quyền sở hữu đối với giống cây trồng đã được quy định thành một đối tượng độc lập không nằm trong nhóm các đối tượng sở hữu công nghiệp. Bên cạnh đó, BLDS 2005 không coi giải pháp hữu ích là một đối tượng sở hữu công nghiệp độc lập như BLDS 1995, mà xem đó là một dạng sàng chế có trình độ thấp. Thuật ngữ "nhãn hiệu hàng hóa" trong BLDS 1995 cũng được thay bằng "nhãn hiệu" dùng để chỉ chung cho cả nhãn hiệu hàng hóa, nhãn hiệu dịch vụ, nhãn hiệu nổi tiếng, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu liên kết. Ngoài ra, thuật ngữ "tên gọi xuất xứ hàng hóa" trong BLDS 1995 đã được thay bằng thuật ngữ "chỉ dẫn đại lý". Cách gọi này phù hợp với xu hướng hiện nay trên thế giới trong việc hội nhập kinh tế, quốc tế.
Thực tiễn cho thấy, quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài quá rộng. Cho nên BLDS 1995 cũng như BLDS 2005, chỉ giải quyết một nhóm quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài rất "hạn hẹp", được quy định tại Điều 758 BLDS 2005. Theo đó, quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài được định nghĩa "là quan hệ có ít nhất một trong các bên tham gia là cơ quan, tổ chức cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài hoặc là quan hệ dân sự giữa các bên tham gia là công dân, tổ chức Việt Nam nhưng căn cứ để xác lập, chấm dứt quan hệ đó theo pháp luật nước ngoài phát sinh tại nước ngoài hoặc tài sản liên quan đến quan hệ đó ở nước ngoài".
|
|