Chuyển tiền góp vốn pháp định vào doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài
Các Website khác - 17/12/2005
Hỏi: Khi góp vốn pháp định vào liên doanh, nhà đầu tư nước ngoài có nhất thiết phải góp bằng nguồn tiền mang tên của chính nhà đầu tư ghi trên giấy phép đầu tư hay không?

Trả lời: Căn cứ Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, Nghị định số 24/2000/NĐ-CP ngày 31-7-2000 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và Nghị định số 27/2003/NĐ-CP ngày 19-3-2003 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghi định số 24/2003/NĐ-CP, Công văn số 3592/TCT- ĐTNN ngày 13-10-2005 của Tổng cục thuế hướng dẫn: để góp vốn pháp định, nhà đầu tư nước ngoài phải mở tài khoản tiền gửi vốn chuyên dùng bằng ngoại tệ tại một ngân hàng được phép kinh doanh ngoại hối và thực hiện giao dịch chuyển vốn pháp định của nhà đầu tư vào Việt Nam qua tài khoản này theo quy định tại Thông tư số 04/2001/TT-NHNN ngày 18-5-2001 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn quản lý ngoại hối đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và bên nước ngoài tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh, không có quy định nào bắt buộc doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phải góp vốn pháp định bằng nguồn tiền mang tên chính nhà đầu tư được ghi trên giấy phép đầu tư.

.......................................................

Hạch toán chi phí bảo hiểm thân thể

Hỏi: Văn phòng công ty chúng tôi có tiến hành mua bảo hiểm thân thể mỗi năm một lần cho các cán bộ, nhân viên có hợp đồng dài hạn thì chi phí này có thể được tính là khoản chi phí hợp lý hay không?

Trả lời: Căn cứ Điều 7 Luật Kinh doanh bảo hiểm; tại Điểm 5.1 Mục II Phần B Thông tư số 128/2003 TT-BTC ngày 22-12-2003 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 164/2003/NĐ-CP ngày 22-12-2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp quy định: "Chi phí dich vụ mua ngoài: điện, nước; điện thoại; văn phòng phẩm; tiền thuê dịch vụ pháp lý; tiền mua bảo hiểm tài sản; bảo hiểm tai nạn con người...", Công văn số 3542/TCT-PCCS ngày 12-10-2005 của Tổng cục Thuế: trường hợp công ty ông có chi phí mua bảo hiểm thân thể một năm một lần cho cán bộ nhân viên thì chỉ được tính vào chi phí hợp lý, được trừ để tính thuế thu nhập doanh nghiệp khoản chi phí bảo hiểm thân thể thuộc loại bảo hiểm tai nạn con người. Chi phí bảo hiểm thân thể thuộc loại bảo hiểm sức khỏe và bảo hiểm khác với bảo hiểm con người thì không được tính vào chi phí hợp lý.

.......................................................

Gia hạn nộp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa

Hỏi: Trường hợp doanh nghiệp chúng tôi khi đăng ký tờ khai hải quan mà chưa có C/O bản chính thì có thể xin gia hạn thời gian nộp C/O để được hưởng thuế suất ưu đãi hay không?

Trả lời: Về việc giải quyết vướng mắc về giấy chứng nhận xuất xứ C/O, theo Công văn số 2961/TCHQ-GSQL ngày 27-7-2005 của Tổng cục Hải quan: thời điểm nộp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) để hưởng thuế suất ưu đãi là thời điểm đăng ký tờ khai hải quan, nếu tại thời điểm này, người nhập khẩu chưa có C/O bản chính thì phải có giấy xin nộp chậm, thời hạn tối đa xin nộp chậm là 60 ngày, nếu quá thời hạn này cơ quan hải quan sẽ tính lại thuế và tính xử phạt theo quy định.

Theo (Thời báo Kinh tế Việt Nam)