Chuẩn bị để sớm cấp thẻ đi lại của doanh nhân APEC
Các Website khác - 13/03/2006
Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an đang tích cực phối hợp với các bộ Ngoại giao, Thương mại, Tài chính để ra văn bản hướng dẫn thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc cấp và quản lý thẻ đi lại của doanh nhân APEC (thẻ ABTC); đồng thời chuẩn bị phương tiện kỹ thuật đặc chủng để cấp thẻ.
Theo Cục Quản lý xuất nhập cảnh, thẻ ABTC có giá trị sử dụng trong ba năm, kể từ ngày cấp và không được gia hạn; người mang thẻ ABTC khi nhập cảnh, xuất cảnh các nước và vùng lãnh thổ có ghi tên trong thẻ thì không cần phải có thị thực của các nước và vùng lãnh thổ đó. Tuy nhiên, khối APEC có 21 nước nhưng hiện có bốn nước chưa tham gia vào chương trình thẻ ABTC là Mỹ, Canada, Mexico và Nga, do đó doanh nhân có thẻ ABTC không được vào bốn nước này khi chưa có thị thực nhập cảnh.

Những ai là đối tượng được cấp thẻ ABTC?

Doanh nhân Việt Nam đang làm việc tại các cơ quan Nhà nước: Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc tổng công ty trực thuộc Thủ tướng Chính phủ; Tổng giám đốc, phó tổng giám đốc; giám đốc, phó giám đốc các doanh nghiệp, khu công nghiệp, khu chế xuất của Việt Nam hoặc giám đốc, phó giám đốc chi nhánh Ngân hàng Việt Nam; kế toán trưởng hoặc trưởng, phó phòng các doanh nghiệp, khu công nghiệp, khu chế xuất, ngân hàng, chi nhánh Ngân hàng Việt Nam trở lên. Doanh nhân Việt Nam đang làm việc tại các doanh nghiệp được thành lập theo Luật Doanh nghiệp, Luật Hợp tác xã và Luật Đầu tư tại Việt Nam: Tổng giám đốc, phó tổng giám đốc; giám đốc, phó giám đốc các doanh nghiệp; kế toán trưởng hoặc người có chức danh trưởng phòng trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Chủ tịch, phó chủ tịch HĐQT công ty cổ phần; chủ tịch, phó chủ tịch hội đồng thành viên; chủ tịch công ty trách nhiệm hữu hạn; chủ tịch ban quản trị hợp tác xã, chủ nhiệm hợp tác xã.

Các trường hợp khác được xét cấp thẻ ABTC gồm: Lãnh đạo các ngành kinh tế, thủ trưởng cấp Bộ, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trực tiếp quản lý chuyên ngành về các hoạt động của doanh nghiệp Việt Nam có nhiệm vụ tham dự các cuộc họp, hội nghị và các hoạt động về hợp tác, phát triển kinh tế của APEC. Công chức, viên chức Nhà nước có nhiệm vụ tham dự các cuộc họp, hội nghị, hội thảo và các hoạt động kinh tế khác của APEC; trưởng, phó cơ quan đại diện thương mại Việt Nam tại các nước và vùng lãnh thổ thành viên tham gia chương trình ABTC.

Trong trường hợp cần thiết, Bộ trưởng Công an có thể xét, quyết định cấp thẻ ABTC cho những người không thuộc diện các nhóm đối tượng trên.

Cấp thẻ còn phụ thuộc vào thời gian trả lời của các nước tham gia khối!

Về hồ xơ xin cấp thẻ ABTC, Cục Quản lý xuất nhập cảnh cho biết, doanh nhân phải có một tờ khai đề nghị cấp thẻ, có dán ảnh đóng dấu giáp lai và xác nhận của thủ trưởng doanh nghiệp hoặc cơ quan tổ chức cán bộ các ngành kinh tế, quản lý Nhà nước chuyên ngành về các hoạt động của các doanh nghiệp (theo mẫu do Bộ Công an quy định). Văn bản cho phép sử dụng thẻ ABTC của cấp có thẩm quyền được quy định trong Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Cục Quản lý xuất nhập cảnh là nơi được giao cấp thẻ ABTC và trong thời hạn ba ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Cục Quản lý xuất nhập cảnh có trách nhiệm trao đổi dữ liệu nhân sự của người đề nghị với cơ quan có thẩm quyền của các nước hoặc vùng lãnh thổ thành viên tham gia chương trình ABTC; trong thời hạn ba ngày, kể từ ngày nhận được ý kiến đồng ý cấp thẻ ABTC của cơ quan có thẩm quyền của một nước hoặc vùng lãnh thổ thành viên trở lên, Cục Quản lý xuất nhập cảnh sẽ cấp thẻ cho người đề nghị.

Về vấn đề này, Đại tá Vũ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh cho biết, theo quy định của các nước tham gia khối thì trong vòng 14-21 ngày, các nước mà Việt Nam trao đổi dữ liệu nhân sự phải cho ý kiến, nhưng thực tế rất ít khi họ trả lời đúng thời hạn, thời gian thường kéo dài hơn. Do đó, việc cấp thẻ ABTC sớm hay muộn còn phụ thuộc vào thời gian các nước tham gia chương trình thẻ cho ý kiến trả lời.

Theo Công an nhân dân