Đoàn doanh nghiệp Mỹ tới Việt Nam: Yên tâm với hành lang pháp lý!
Các Website khác - 13/03/2006
Một buổi làm việc của
Đoàn doanh nghiệp Mỹ
tại Hà Nội.
Đại diện 21 tập đoàn lớn của Mỹ vừa thăm Việt Nam cho biết, họ khá yên tâm tại thị trường Việt Nam khi được biết, trong năm qua đã có 29 luật được ban hành, trong đó có những luật rất quan trọng đối với tiến trình hội nhập như Luật Sở hữu Trí tuệ. Việt Nam sẽ có hệ thống pháp luật khá đầy đủ khi gia nhập WTO.
Các doanh nghiệp Mỹ quan tâm tới điều gì?

Trong các cuộc gặp gỡ với UBND TP Hồ Chí Minh, Bộ Công nghiệp, Bộ Thương mại, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư... vấn đề đầu tiên mà các doanh nghiệp Mỹ quan tâm là: Tự do hóa nền kinh tế và thực thi quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam. Ông Matthew P.Daley - Trưởng đoàn doanh nghiệp Mỹ cho biết, với các doanh nghiệp Mỹ, khi đầu tư tại một thị trường thì vấn đề họ quan tâm chính là hệ thống pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ ở nước đó như thế nào. Ông Matthew P.Daley nhấn mạnh, việc Luật Sở hữu trí tuệ của Việt Nam có hiệu lực vào tháng 7-2006 này là một tín hiệu tích cực song vấn đề quan trọng hơn là việc thực thi Luật Sở hữu trí tuệ đó như thế nào.

Đại diện Tập đoàn Time Warner - ông Hugh Stephens thì băn khoăn rằng liệu Việt Nam sẽ bảo hộ như thế nào đối với các tín hiệu phát thanh truyền hình. Timer Warner là tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực truyền thông, phát thanh truyền hình và sản xuất phim, ông Hugh Stephens cho biết trong chuyến thăm Việt Nam lần này ông mong muốn được hợp tác với ngành phát thanh truyền hình và mong muốn sẽ được đầu tư vào lĩnh vực sản xuất phim. Đây là lĩnh vực đòi hỏi được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ rất cao và ông hy vọng khi Việt Nam giải quyết tốt vấn đề này thì tập đoàn của ông và các doanh nghiệp Việt Nam liên quan sẽ sẵn sàng để có thể hợp tác.

Sau vấn đề về sở hữu trí tuệ, việc Việt Nam sẽ mở cửa đến đâu cho các doanh nghiệp Mỹ là vấn đề trọng tâm thứ hai. Tại các cuộc gặp với lãnh đạo các bộ, đoàn doanh nghiệp Mỹ đều thăm dò về chính sách mở cửa đối với các lĩnh vực: Năng lượng, dầu mỏ, viễn thông và dịch vụ phân phối hàng hóa.

Ông David Ross - đại diện Tập đoàn chuyển phát nhanh Federal Express bày tỏ mong muốn được đầu tư vào Việt Nam trong lĩnh vực chuyển phát nhanh. Ông David Ross tỏ ra quan ngại vì cho rằng lộ trình tự do hóa hoàn toàn trong lĩnh vực này có thể là 5 năm sau và như vậy sẽ khiến doanh nghiệp ngần ngại khi đầu tư vì chủ đích của họ là muốn đầu tư ngay thời điểm này và phải là 100% vốn nước ngoài mới bảo đảm dịch vụ phát triển. Về vấn đề này, cũng như quan điểm của Bộ Công nghiệp trước đó Thứ trưởng Bộ Thương mại Lương Văn Tự đã thẳng thắn trả lời là Việt Nam đã bỏ chính sách độc quyền trong lĩnh vực viễn thông, song để mở cửa hoàn toàn trong lĩnh vực này đối với doanh nghiệp nước ngoài thì vẫn cần phải có một lộ trình nhất định.

Về lĩnh vực dịch vụ và phân phối hàng hóa, phía các doanh nghiệp Mỹ cũng bày tỏ quan điểm Việt Nam nên sớm mở cửa. Đáp lại, Thứ trưởng Lương Văn Tự cho biết quan điểm của Việt Nam là sẵn sàng mở cửa cho các doanh nghiệp Mỹ nhưng ở mức độ nhất định trong khả năng chịu đựng của nền kinh tế. Có những lĩnh vực mà Việt Nam đã mở cửa sớm hơn cả trong cam kết như trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, đến nay đã có 70% các doanh nghiệp Mỹ 100% vốn nước ngoài vào Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực này.

Riêng mong muốn đầu tư vào lĩnh vực năng lượng, dầu mỏ, đại diện các bộ của Việt Nam cho rằng các doanh nghiệp của Mỹ không nên quá kỳ vọng bởi trữ lượng dầu mỏ của Việt Nam không lớn, trong lĩnh vực năng lượng Việt Nam mong muốn được hợp tác với Mỹ trong vấn đề năng lượng mới trong đó có năng lượng hạt nhân.

Cam kết "vận động hành lang" cho Việt Nam sớm gia nhập WTO

Trong tất cả các cuộc gặp gỡ phía đoàn doanh nghiệp Mỹ đều nhận định tiềm năng hợp tác to lớn khi Việt Nam được gia nhập WTO. Ông Matthew P.Daley hy vọng vòng đàm phán tới đây về gia nhập WTO giữa Việt Nam và Mỹ, hai phía sẽ giải quyết tốt các vấn đề kỹ thuật còn tồn đọng và các doanh nghiệp Mỹ sẽ đóng vai trò quan trọng trong vận động hành lang cho Việt Nam gia nhập WTO. Ông này cũng bày tỏ hy vọng rằng việc gia nhập WTO của Việt Nam sẽ diễn ra trước Hội nghị APEC.

Thứ trưởng Lương Văn Tự đánh giá cao sự ủng hộ của các doanh nghiệp Mỹ và khẳng định chính sách của Việt Nam đang tiếp tục tự do hóa nền kinh tế và tiếp tục mở cửa đối với các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư Mỹ song ông cũng lưu ý rằng doanh nghiệp của Việt Nam phần lớn là các doanh nghiệp vừa và nhỏ và việc Việt Nam năm 2005 đã thông qua 29 luật quan trọng được sửa đổi và xây dựng mới là một "bảo đảm bền vững" cho các nhà đầu tư.

Trao đổi với báo giới khi kết thúc cuộc gặp các doanh nghiệp Mỹ, Thứ trưởng Lương Văn Tự cho biết: "21 doanh nghiệp hàng đầu của Mỹ đã quan tâm đến những lĩnh vực rất nhạy cảm nên sang Việt Nam trong thời gian này thể hiện họ thực sự quan tâm đến Việt Nam". Thứ trưởng Lương Văn Tự cũng cho rằng, chuyến thăm của các doanh nghiệp Mỹ lần này sẽ có tác động ít nhiều đến phiên đàm phán gia nhập WTO của Việt Nam và Mỹ sắp tới.

Theo Pháp luật Việt Nam