Hội thảo về phòng chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia do Bộ Tư pháp cùng Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm của Liên Hợp Quốc (UNODC) tổ chức, cho thấy nhà nước đang “nợ” dân một chính sách hình sự hoàn chỉnh về chống tội phạm có tổ chức, trong khi loại này đang gia tăng mạnh mẽ.
Hội thảo diễn ra ngày 8/9. Đánh giá của UNODC cho thấy tội phạm có tổ chức đang tạo ra khoản thu nhập bất hợp pháp 1.300 tỷ USD mỗi năm, tương đương thu nhập của hơn 3 tỷ người nghèo cộng lại. VN trong quá trình hội nhập không tranh khỏi ảnh hưởng của thế lực đen này. Theo tiến sĩ Nguyễn Quốc Nhật (Phó cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội), tội phạm có tổ chức mang tính quốc tế đã xuất hiện ở VN, gây ra 2% tổng số tội phạm cả nước.
Số lượng tội phạm loại này tuy nhỏ nhưng hậu quả khá nghiêm trọng. Đã có hơn 100 dự án đầu tư nước ngoài phải hủy bỏ vì đối tác nước ngoài lợi dụng đầu tư để lừa đảo phía trong nước. Chẳng hạn, vụ Lý Tuấn Lương - giám đốc một công ty Hong Kong - lừa đảo hợp đồng mua bán 5.000 tấn sắt và 3.000 tấn soda; Công ty Tipo của Bỉ lừa mua 6.000 tấn gạo của Công ty Lương thực Việt Nam II; vụ Alian Saint Pris lừa đảo Pacific Airlines; Công ty Saver Group của Australia chiếm đoạt 52.000 USD của Công ty thực phẩm Visan…
Tội phạm quốc tế còn tiến hành rửa tiền ở Việt Nam. 5 năm qua, một số việc loại này đã được khám phá, như vụ Lê Giành, nguyên giám đốc Ngân hàng cổ phần Nam Thành (Thanh Hòa), vụ Trần Dean John từ Mỹ đầu tư tiền bẩn vào Vietcombank. Điển hình nhất là trường hợp trùm ma túy quốc tế Lê Thị Phương Mai, đầu năm 2004 định tẩy sạch 25 triệu USD vào dự án khu nghỉ mát Dốc Lết (Khánh Hòa). Cảnh sát Mỹ và Canada, trong một chiến dịch tấn công tội phạm ma túy quy mô lớn, phát hiện bắt giữ Việt kiều này khi cô ta chưa kịp chuyển tiền về quê hương.
Cơ quan chức năng còn phát hiện bàn tay của các băng tội phạm nước ngoài trong nhiều vụ buôn lậu: Đường dây A Quý (Singapore) nhập khẩu trái phép 830 kg vàng và 28.800 đồng hồ Senko; đường dây ma túy do Vũ Xuân Trường - Siêng Phênh điều hành. Buôn lậu có tổ chức đã hình thành các tuyến chính như Hà Nội - TP HCM - Matxcơva; Hà Nội - TP HCM - NewYork, Hà Nội - Viên Chăn… Tội phạm có tổ chức dính tới những vụ giết thuê, buôn bán tiền giả ở Việt Nam. Các băng nhóm tội phạm gốc Việt cũng được cảnh sát các nước Đông Âu cũ quan tâm nhiều, vì liên quan tới sự hình thành các băng lớn như Hội từ thiện Nghệ Tĩnh, liên quân Hà Nam Ninh - Hải Hưng - Hà Nội, băng Nghi Xuân…
Pháp luật trong nước dường như chưa đổi mới kịp với yêu cầu công tác phòng chống tội phạm. Theo Vụ Pháp luật hình sự - hành chính Bộ Tư pháp, Bộ luật Hình sự vẫn chưa phân biệt được rạch ròi những khái niệm đã khá phổ biến trên thế giới. Đó là tội phạm có tổ chức, tổ chức tội phạm, phạm tội có tổ chức. Đây cũng là những dạng tổ chức và hoạt động tội phạm mà các cơ quan pháp luật trong nước hằng ngày phải đối mặt. Bộ luật Hình sự sau nhiều lần sửa đổi, ban hành mới, mới chỉ xem xét tội phạm có tổ chức ở khía cạnh đồng phạm - trường hợp có 2 người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm.
Về hoạt động tẩy rửa tài sản do phạm tội mà có, Công ước chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia của Liên Hợp Quốc (ký ở Palermo, Italia) cụ thể tới 4 loại tội về rửa tiền: chuyển đổi hoặc chuyển nhượng tài sản do phạm tội mà có; che giấu hoặc ngụy trang tài sản do phạm tội mà có; nhận, sở hữu hoặc sử dụng tài sản do phạm tội mà có; tham gia, phối hợp hay thông đồng, âm mưu, và hỗ trợ, xúi giục, tạo điều kiện và hướng dẫn thực hiện bất kỳ hành vi phạm tội nào nói trên. Còn Bộ luật Hình sự chỉ có 2 điều luật: Điều 250 tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có; Điều 251 về tội hợp pháp hóa tiền, tài sản do phạm tội mà có. Bất cập này cũng không được khắc phục bao nhiêu khi Chính phủ ban hành Nghị định 74 về phòng chống rửa tiền, vì chỉ đề cập những vấn đề liên quan đến nghiệp vụ tài chính, ngân hàng, khó có giá trị giải thích Bộ luật Hình sự.
Là người trực tiếp tham gia nhiều chuyên án lớn của lực lượng cảnh sát hình sự, thượng tá Trần Hữu Ứng nhận xét: Đấu tranh với tội phạm có tổ chức mà chỉ sử dụng những biện pháp truyền thống sẽ không có hiệu quả. Các băng nhóm thường có tổ chức, câu kết chặt chẽ, ràng buộc với nhau bằng luật im lặng. Khi phá một vụ án cụ thể do thành viên băng nhóm gây ra, cơ quan điều tra thường chỉ xử lý được tên đó, không thể với tới tên cầm đầu, chỉ huy. Nguyên nhân bắt nguồn từ quy định quá chặt của Bộ luật Hình sự rằng chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự với người thực hiện tội phạm hoặc tiếp tay thực hiện tội phạm; trách nhiệm hình sự với người tham gia tổ chức tội phạm chỉ áp dụng với một tội duy nhất - tham gia tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.
Theo ông Ứng, cần xây dựng một luật riêng về phòng chống tội phạm có tổ chức theo hướng như Công ước Palermo, và luật một số nước như Nga, Trung Quốc. Người tham gia tổ chức tội phạm, dù không trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội, vẫn bị xử lý hình sự về các hành vi như bao che, giúp sức, nâng đỡ cho sự tồn tại của tổ chức, hỗ trợ tài chính cho tổ chức…
Nhà nước cũng cần sớm ban hành chính sách cụ thể về bảo vệ nhân chứng, khuyến khích người dân tố giác tội phạm bằng cả thưởng vật chất và biểu dương về tinh thần. Ông Ứng nhận xét: qua các chuyên án bóc gỡ băng nhóm tội phạm, thấy tìm nhân chứng đã khó, nhưng làm thế nào để họ cộng tác với công an còn khó hơn nhiều. Như tổ chức Năm Cam, tồn tại 6-7 năm, từng gây ra nhiều vụ triệt hạ đối thủ, tạt axít, chặt tay, chém giết… nhưng ít người dám tố giác. Ngay cả khi ông trùm đã bị bắt, bà con vẫn còn ngán ngại, ban chuyên án phải làm mạnh, thuyết phục, động viên, các nhân chứng mới ồ ạt tới tố giác.
Ông Đinh Xuân Nam, Phó giám đốc Cao đẳng kiểm sát cho rằng, cần sớm xây dựng hành lang pháp lý cho hoạt động trinh sát. Đây là nghiệp vụ cơ bản, cơ quan điều tra thực hiện hằng ngày, nhưng các quy định mới dừng lại trong nội bộ ngành công an. Ông Ứng cũng tán thành ý kiến này và nói, xây dựng mạng lưới bí mật của cảnh sát, đánh cán bộ vào tổ chức tội phạm là nghiệp vụ quan trọng, giúp làm rõ cơ cấu tổ chức tội phạm, từ tên đứng đầu giấu mặt tới kẻ trực tiếp phạm tội, xác minh được nguồn tài chính, nguyên tắc hoạt động, vai trò của từng đối tượng, giúp ngăn chặn được những tội phạm nghiêm trọng chúng sắp gây ra… Thế nhưng khi thực hiện nhiệm vụ, không ít “tai nạn” xảy ra: đặc tình, cơ sở bí mật không kịp rút ra ngoài nên bị bắt, rơi vào vòng tố tụng, bị truy tố; các cơ quan tiến hành tố tụng không thống nhất được hướng xử lý vì cho rằng đây chỉ là quy định riêng trong ngành công an. “Đã có trường hợp cán bộ cảnh sát cài vào tổ chức tội phạm, không kịp rút ra nên bị truy tố. Hành lang pháp lý thiếu rõ ràng, anh em rất ngán ngại, thắng lợi không ai biết còn bị dính ai đứng ra lo”, ông Ứng nói.
Luật hóa hoạt động trinh sát, nghiệp vụ điều tra còn là biện pháp đảm bảo tính minh bạch, chặt chẽ trong hoạt động điều tra. Bởi không ít trường hợp, đặc tình, cơ sở trinh sát là con dao hai lưỡi. Năm Cam là ví dụ điển hình. Hắn từng là đặc tình của Công an TP HCM, chuyên “chỉ điểm” cho công an triệt hạ các băng nhóm đối địch. Trong trường hợp đó, cơ quan công quyền vô tình trở thành công cụ trong tay mafia. Ông Ứng nêu kinh nghiệm của Cộng hòa liên bang Đức: Mỗi khi cần nghe trộm điện thoại hoặc cài đặc tình vào tổ chức tội phạm, cảnh sát phải thông báo và được sự đồng ý của công tố viên chỉ đạo vụ án.
(Theo Pháp Luật TP HCM)
▪ Thực khách đâm chết chủ quán vì phục vụ chậm (04/10/2005)
▪ Người chết đứng tên mua bán hóa đơn VAT (04/10/2005)
▪ Khởi tố, tạm giam kẻ hành hạ các bé gái giúp việc (04/10/2005)
▪ Hướng dẫn thực hiện bảo hiểm y tế tự nguyện (03/10/2005)
▪ Những điểm mới về luật trong hoạt động du lịch (03/10/2005)
▪ Bắt khẩn cấp Giám đốc Xí nghiệp GIMEX Vũ Đức Cường (03/10/2005)
▪ Còn quá nhiều sai phạm (03/10/2005)
▪ Săn lùng chúa sơn lâm (03/10/2005)
▪ Cách tính giá bán điện mới? (03/10/2005)
▪ Đổi mới doanh nghiệp nhà nước là giải pháp chống khép kín (03/10/2005)