* Thưa bà, Luật Du lịch có những quy định gì mới về hoạt động đầu tư so với Pháp lệnh Du lịch?
- Luật Du lịch đã thể hiện một cách rõ ràng quan điểm của Nhà nước trong việc phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, đặc biệt là việc thông qua các chính sách phát triển du lịch (quy định tại Điều 6). Đối với hoạt động đầu tư, Nhà nước có chính sách khuyến khích, ưu đãi về đất đai, tài chính, tín dụng.
Các điểm mới so với Pháp lệnh Du lịch là bổ sung thêm hoạt động nghiên cứu, đầu tư xây dựng sản phẩm du lịch mới; hiện đại hóa hoạt động du lịch; xây dựng kết cấu hạ tầng du lịch. Một số chính sách có ý nghĩa đột phá như ưu đãi về thuế đối với việc nhập khẩu phương tiện cao cấp phục vụ vận chuyển khách du lịch, trang thiết bị chuyên dùng hiện đại cho cơ sở lưu trú du lịch hạng cao và khu du lịch quốc gia.
* Trong Pháp lệnh Du lịch, vấn đề "bảo hiểm du lịch" không quy định cụ thể hay có chế tài mang tính bắt buộc các công ty lữ hành phải có trách nhiệm trong việc mua bảo hiểm cho khách du lịch. Luật Du lịch quy định thế nào về vấn đề này?
- Lần đầu tiên, Luật đưa ra một chế định tiến bộ, phù hợp với thông lệ quốc tế, đó là trách nhiệm mua bảo hiểm cho khách du lịch. Theo đó, doanh nghiệp lữ hành có trách nhiệm mua bảo hiểm bắt buộc cho khách là người Việt Nam đi du lịch nước ngoài, mua bảo hiểm cho khách du lịch nội địa và khách du lịch quốc tế vào Việt Nam khi khách có yêu cầu hoặc được thỏa thuận trong hợp đồng.
Luật Du lịch có một cách nhìn nhận mới đối với khách du lịch, tạo thêm lòng tin đối với khách du lịch quốc tế cũng như trong nước. Điều 37 quy định các cơ quan Nhà nước trong phạm vi, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm áp dụng các biện pháp cần thiết để phòng ngừa rủi ro, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản, sức khỏe của khách du lịch và ngăn chặn những hành vi thu lợi bất chính từ khách du lịch. Trường hợp khẩn cấp phải áp dụng biện pháp cứu hộ, cứu nạn, cấp cứu cho khách du lịch...
* Do chưa có sự thống nhất trong quản lý giữa các cơ quan chức năng, nên hoạt động lữ hành còn nhiều lộn xộn, trong Luật Du lịch đã có quy định gì để đưa hoạt động này đi vào nề nếp?
- Luật Du lịch đã bổ sung về một loại hình du lịch đang phát triển là đại lý lữ hành. Trên thực tế, đại lý đóng vai trò quan trọng, là cầu nối giữa doanh nghiệp lữ hành với khách du lịch. Tuy nhiên, do chưa có quy định cụ thể nên hoạt động của các đại lý lữ hành hết sức lộn xộn, phát sinh nhiều hoạt động trá hình. Các quy định của Luật sẽ tạo điều kiện cho các đại lý hoạt động đúng chức năng, đồng thời có các biện pháp quản lý chặt hơn đối với hoạt động này.
Bên cạnh đó, Luật Du lịch hoàn thiện hơn các quy định hiện hành theo hướng chuyên nghiệp hóa. Tách biệt lữ hành quốc tế và lữ hành nội địa, phân chia kinh doanh lữ hành quốc tế thành hai loại hình riêng là kinh doanh lữ hành quốc tế đưa khách vào Việt Nam và kinh doanh lữ hành quốc tế đưa khách từ Việt Nam đi du lịch nước ngoài, vì đây là hai loại hình kinh doanh đòi hỏi cơ chế quản lý khác nhau.
* Một lĩnh vực đặc biệt quan trọng trong hoạt động du lịch là kinh doanh lưu trú. Lĩnh vực này được quy định cụ thể ra sao trong Luật Du lịch?
- Luật Du lịch đã mở rộng và đa dạng hóa các loại hình kinh doanh lưu trú. Bên cạnh các loại cơ sở lưu trú đã được xác định có thêm loại hình lưu trú "Nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê" (lưu trú du lịch nhà dân). Loại hình này quan trọng đối với việc đáp ứng nhu cầu lưu trú của khách du lịch, nhất là trong mùa du lịch cao điểm hoặc khi diễn ra các sự kiện lớn.
Theo quy định, nhà dân được kinh doanh phục vụ khách du lịch khi bảo đảm các trang thiết bị tối thiểu, đáp ứng được những tiêu chuẩn chất lượng nhất định cho việc phục vụ khách du lịch.
|