Công an Hạ Hòa phá đường dây trộm cổ vật liên tỉnh
Các Website khác - 17/09/2005
Ban ngày chuyên đóng giả làm du khách tham quan các đình chùa, miếu mạo để tối đến đánh xe ô-tô đi ăn trộm và tuồn cho những đối tượng kinh doanh cổ vật. Thủ đoạn tinh vi, táo tợn của nhóm trộm cổ vật ấy đã bị Công an huyện Hạ Hòa (Phú Thọ) khám phá.
Rạng sáng ngày 14-8-2005, khi các bà vãi của đền Quốc Mẫu Âu Cơ (thôn Việt Hồng, Hiền Lương, Hạ Hòa, Phú Thọ) tỉnh giấc, quét dọn thì bất ngờ phát hiện cửa đền bị cắt khóa, những đồ tế khí ở hậu cung biến mất. Sau khi kiểm tra kỹ thì thấy mất đi một đỉnh hương tiểu, đường kính 30 cm, cao 45 cm và một đỉnh hương đại, đường kính 50 cm, cao 1,1m. Truy xét chung quanh hiện trường vụ trộm, mọi người đã tìm lại được chiếc đỉnh hương đại, bị lấy mất nắp nằm chỏng chơ ngay ở tường rào của đền.

Đền Quốc Mẫu Âu Cơ gắn liền với truyền thuyết 18 đời Hùng Vương. Đền được xây dựng từ đời Vua Lê Thánh Tông (1470-1497). Trải qua 5 thế kỷ, ngôi đền được trùng tu, tôn tạo vào những năm 1700, 1900, 1942, 1982... Trong đền Quốc Mẫu Âu Cơ còn lưu giữ nhiều cổ vật quý như tượng Âu Cơ, ba bộ long bài vị, tượng Đột Ngột Cao Sơn, sập thờ,... đường nét chạm khắc vô cùng tinh xảo. Mới đây, UBND tỉnh Phú Thọ đã đầu tư 12 tỷ đồng để bảo tồn di tích.

Thường trực ở tại đền Quốc Mẫu là Ban quản lý gồm năm người thay nhau trông nom, quản lý. Chị Đào Thị Nhạn - Trưởng Ban quản lý di tích đền Quốc Mẫu Âu Cơ không khỏi bàng hoàng khi kể lại sự việc. Trong đền Quốc Mẫu Âu Cơ bao giờ cũng có mấy bà vãi cùng người của Ban quản lý trông nom đêm ngày. Rạng sáng hôm đó, người trong Ban quản lý do mệt quá, về phòng nghỉ thì bọn trộm chớp thời cơ, lẻn vào luôn để hành động...

Cách đó mấy tháng, cũng trên địa bàn Hạ Hòa, ngày 5-6-2005 xảy ra một vụ trộm cổ vật ở đình Nghè, xã Văn Lang. Sau khi cắt khóa, bọn trộm đã lấy đi bảy sắc phong, bốn bát hương, một lư đồng, hai nến đồng cổ và mất tích luôn từ bấy đến giờ.

Những vụ trộm cổ vật hết sức táo tợn này đã gây đau đầu cho lực lượng điều tra của Công an Hạ Hòa. Ông Trần Đình Thu - Đội phó Đội Cảnh sát điều tra về trật tự xã hội - Công an Hạ Hòa cho biết: "Mãi đến trưa ngày 14-8-2005, chúng tôi mới được quần chúng báo về vụ việc mất trộm đồ tế khí ở đền Quốc Mẫu Âu Cơ. Khi đến nơi thì cơ bản hiện trường đã bị... xóa sạch bởi sự vô tình của người dân. Khám nghiệm tại hiện trường cho thấy bọn trộm đã cắt một lớp rào dây thép gai, dùng kìm cộng lực cắt ba lớp khóa rồi dùng dây chão buộc đồ tế khí trộm được và lấy ghế băng làm đòn khiêng ra ngoài. Hòm công đức ở trong đền để cạnh đó không bị mất mà bọn trộm chỉ lấy đồ tế khí, chứng tỏ chúng là băng trộm cổ vật chuyên nghiệp. Thông qua quần chúng báo tin thì có một chiếc xe ô-tô bốn chỗ mầu trắng xuất hiện ở khu vực đền lúc xảy ra vụ trộm. Rất có thể là bọn trộm thấy trời sáng sợ bị phát hiện nên đã bỏ lại chiếc đỉnh hương lớn ở ngoài bờ rào. Chúng tôi nhận định bọn trộm có khoảng ba tên, không phải người địa phương mà phải là ở tỉnh ngoài, trước khi hành động, bọn trộm đã nghiên cứu rất kỹ tình hình đền Quốc Mẫu ở Hiền Lương...".

Ông Cù Xuân Nho, Trưởng Công an huyện Hạ Hòa nhận định: “Cổ vật không bán ở địa phương mà có thể được bọn trộm chuyển về vùng Hải Dương, Hưng Yên. Đặc thù của những vụ trộm kiểu này là do giá trị cao của cổ vật nên nếu không truy xét nhanh rất có thể bị đối tượng tuồn ra nước ngoài. Ngày 19-8, Lực lượng Công an đã ra thông báo truy tìm cổ vật gửi cho những vùng này, đồng thời bố trí lực lượng chuẩn bị đánh án".

Đúng như nhận định ban đầu, thông tin từ Công an huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên báo lên ở thôn Ngọc Quỳnh, thị trấn Như Quỳnh, tại nơi cư ngụ của đối tượng Nguyễn Văn Cừ đang giữ một chiếc lư hương nhỏ có đặc điểm trùng khớp với đồ bị mất trộm ở đền Quốc Mẫu Âu Cơ. Cừ từng có hai tiền án trộm cổ vật: năm 1999 trộm đồ thờ ở Tứ Kỳ bị xử tù 15 tháng, năm 2001 trộm cổ vật ở Yên Lạc, Mê Linh (Vĩnh Phúc) bị xử tù 42 tháng và vừa ra tù tháng 11-2004. Ngay đêm 23-8-2005, lệnh bắt tạm giam tên Cừ được thực hiện. Tại chỗ Cừ, lực lượng điều tra còn thu giữ được ba chiếc bình nậm cổ bằng sứ có đặc điểm giống cổ vật bị mất ở đình Nghè, xã Văn Lang. Về chiếc nắp đỉnh hương lớn, nó được buôn bán qua rất nhiều cửa, về tới tận Hà Nội, được bán cho một chủ hàng đồ cổ ở Nghi Tân - Tây Hồ với giá 2,8 triệu đồng, hiện đã thu giữ.

Qua đấu tranh, Nguyễn Văn Cừ khai chủ mưu vụ trộm là Tuấn Anh, người Hà Nội. Tuấn Anh thường đóng giả khách đi viếng chùa rồi “tăm" những đồ cổ vật có giá trị rồi kéo đồng bọn đến trộm. Sau khi đã nghiên cứu kỹ địa hình, tình hình bảo vệ, ngày 14-8-2005, hắn cùng ba đồng bọn thuê một xe ô-tô từ Hà Nội đến đền Quốc Mẫu Âu Cơ lúc giữa đêm. Vào khoảng 3 giờ sáng, lợi dụng lúc người gác đền ngủ, bọn chúng đã dùng kìm cộng lực cắt khóa, lẻn vào trộm cổ vật rồi khiêng ra ngoài. Lúc bê chiếc đỉnh hương đại, trời đã gần sáng, bọn trộm sợ bị phát hiện đã bỏ lại nơi gần hàng rào... Đầu tháng 9 vừa qua, lực lượng Công an Hạ Hòa đã làm thủ tục bàn giao tang vật cho đền Quốc Mẫu Âu Cơ.

Đình, chùa là nơi để nhiều đồ cổ giá trị nhưng lại là nơi canh phòng ít cẩn mật nhất. Có lẽ vì vậy, đình, chùa trở thành "điểm đến" lý tưởng cho các băng nhóm đạo tặc nhòm ngó. Mong các cơ quan chức năng, những người có trách nhiệm ở các địa phương cần cảnh giác cao, có nhiều biện pháp quản lý chặt chẽ các cổ vật để phòng ngừa, ngăn chặn bàn tay của bọn đạo chích.

Theo An ninh thế giới