Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch UBNDTP, Ban giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh đã làm việc với chỉ huy Công an quận 12, huyện Hóc Môn, huyện Củ Chi để bàn biện pháp giải quyết nạn rải đinh trên tuyến đường Xuyên Á đoạn từ ngã tư An Sương, quận 12 đến cầu An Hạ, huyện Củ Chi của Quốc lộ 22. Đại tá Phan Anh Minh, Phó giám đốc CATP xác định việc triển khai các biện pháp, tập trung phòng ngừa để ngăn chặn là cần thiết chứ lực lượng công an không nhắm mắt đợi đến lúc có xe bị cán đinh, không chờ nạn rải đinh lại rộ lên hay gây ra hậu quả nghiêm trọng... mới làm. Qua trao đổi bàn bạc, một số giải pháp đã được thống nhất, trong đó bao gồm cả công tác tuyên truyền và việc áp dụng các biện pháp về quản lý hành chính.
Trước hết công an các địa phương (có đoạn đường Xuyên Á nêu trên chạy qua) rà soát, lên danh sách các điểm vá, sửa xe sau đó phân loại và có đối sách cụ thể. Những người vá sửa xe phải có cơ sở cố định, có bảng hiệu, bảng giá dịch vụ và phải cam kết không được có hành vi gây ảnh hưởng đến hoạt động giao thông, đồng thời phải trình báo đầy đủ tình hình theo yêu cầu; kiên quyết dẹp bỏ, giải tỏa những điểm vá, sửa xe di động, tự phát, người hành nghề có lai lịch không rõ ràng, lấn chiếm lòng, lề đường, xâm phạm hành lang an toàn giao thông... Nhằm áp dụng biện pháp này có hiệu quả, quận 12, huyện Hóc Môn, huyện Củ Chi và các xã, phường trên tuyến lập các điểm trình báo về trật tự an toàn xã hội để ghi nhận tình hình và là nơi các điểm sửa, vá xe trình báo sự việc nộp vật chứng (vật làm thủng vỏ, ruột xe). Cuối mỗi ngày, các điểm trình báo này phải báo cáo tình hình và nộp vật chứng cho công an, nếu có. Tuy nhiên, khi có người đem xe bị cán đinh đến vá thì điểm vá, sửa xe phải trình báo ngay và người tiếp nhận việc trình báo đó phải báo ngay cho công an địa phương biết và công an địa phương thấy có dấu hiệu của việc rải đinh trên đường thì báo cáo chính quyền địa phương để giao cho lực lượng làm vệ sinh quét lại đường, chứ không đợi đến cuối ngày, cuối buổi mới báo. Bên cạnh các biện pháp trên, lực lượng cũng sẽ tăng cường hơn nữa các biện pháp nghiệp vụ như hoạt động tuần tra, kiểm soát giao thông trên tuyến đường. Kết thúc buổi làm việc, đại tá Phan Anh Minh yêu cầu chỉ huy công an ba quận, huyện trên khi về địa phương lập tức thực hiện ngay các biện pháp đã được bàn bạc thống nhất và chỉ đạo công an phường, xã tổ chức triển khai đến từng tổ dân phố, từng ấp để mọi người dân cùng hiểu, cùng tham gia việc phòng, chống lại nạn rải đinh.
Nhân dân ở hai bên tuyến đường Xuyên Á và người đi đường cần ủng hộ các biện pháp của lực lượng công an và tham gia cùng lực lượng công an phòng, chống nạn rải đinh, khi phát hiện các điểm vá, sửa xe không bảng hiệu, không bảng giá hoặc có những việc làm khuất tất cần báo ngay cho các điểm trình báo hoặc công an địa phương trên tuyến đường để xử lý. Đặc biệt, những người đi đường có xe bị cán đinh thì càng cần phải trình báo để công an địa phương trên tuyến đường có cơ sở xử lý sau này khi phát hiện, bắt được người rải đinh chứ không nên tặc lưỡi bỏ qua. Sở dĩ cần nhấn mạnh điều này vì trước đây dân kêu nhiều, thậm chí phản ánh với báo chí nhưng có những địa phương không nắm được do không có người trình báo. Về phần mình, những người vá, sửa xe cần phải đặt lương tâm lên hàng đầu, hành nghề một cách chân chính, kiếm tiền bằng mồ hôi, công sức của mình, không nên vì miếng cơm manh áo của bản thân, gia đình mình mà cố tình làm hại người khác, thậm chí có thể gây tai họa cho người khác.
Điều cuối cùng chúng tôi muốn nói là không chỉ tại đoạn đường Xuyên Á nêu trên mà ở các tuyến đường khác cũng cần phải được đề phòng, ngăn chặn từ trước không để xảy ra nạn rải đinh bởi lẽ trước đây đã từng xảy ra tình trạng này tại đường Hà Nội (QL52), ở TP Hồ Chí Minh và một số đường cao tốc ở Hà Nội...
Danh sách các điểm trình báo Quận 12 gồm: Phòng bảo vệ an ninh trật tự ở cầu vượt An Sương; chốt dân phòng bên trường Trung học cơ sở Phan Bội Châu; trụ sở Đội CSGT - TT (ĐT: 7172565); Công an phường An Phú Đông (ĐT: 7195681); Đội 5 Phòng CSGT (ĐT: 8833087). Huyện Hóc Môn gồm: trạm y tế xã Tân Xuân, ở tổ 4, ấp Chánh 2; nhà bà Trần Thị Huệ, 1/7 ấp Xuân Thới Đông 3, xã Xuân Thới Đông; trạm xăng dầu Hoàng Anh 2, tổ 9, ấp Tân Thới 3, xã Tân Hiệp; trạm kiểm dịch động vật An Sương, ấp Tân Lập, xã Tân Thời Nhì; nhà bà Trần Thị Măng, 56/9A tổ 31, khu phố 3, thị trấn Hóc Môn; nhà bà Trần Thu Hà, 63/3 tổ 1, Mỹ Hòa 1, xã Trung Chánh; nhà bà Đinh Thị Hồng Loan, 124 tổ 24, ấp Đông Lân, xã Bà Điểm; nhà bà Vũ Thị Lý, 49/6 tổ 13, ấp 2, xã Xuân Thới Sơn. Huyện Củ Chi gồm: Nguyễn Hải Minh ở ấp Chợ; Công ty Vạn Thành ở ấp Trạm Bơm (cùng xã Tân Phú Trung); Nguyễn Văn Cu tổ 4, Lê Văn Khuynh tổ 2, cùng khu phố 2 và Ban quản lý chợ ở khu phố 5, thị trấn Củ Chi; Lê Thị Đạo ở ấp Mũi Côn Tiểu, Võ Văn Cảm ấp Mũi Côn Đại, Lê Đình Cu ấp Cây Trôm (cùng xã Phước Hiệp); Lê Hồng Hiệp ở ấp Chợ và Ngô Tấn Thành ở ấp Phước Lộc, cùng xã Phước Thạnh.
|
|