Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (BVCSGDTE) là truyền thống tốt đẹp của dân tộc, là nhiệm vụ có tầm quan trọng đặc biệt trong chiến lược phát triển nguồn lực con người của Việt Nam, vì trẻ em là hạnh phúc của gia đình, tương lai của đất nước. Điều này, đã được quy định rất rõ trong các văn kiện của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ IX đã khẳng định “Chính sách chăm sóc, bảo vệ trẻ em tập trung vào thực hiện quyền trẻ em, tạo điều kiện cho trẻ em được sống trong môi trường an toàn và lành mạnh, phát triển hài hoà về thể chất, trí tuệ, tinh thần và đạo đức; trẻ em mồ côi, bị khuyết tật, sống trong hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có cơ hội học tập và vui chơi”.
Trong các bản Hiến pháp, Hiến pháp 1946 (Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam khi mới giành được chính quyền), Hiến pháp 1959, Hiến pháp 1980 và nay là Hiến pháp 1992 đều thể hiện rõ quan điểm này.
Trong quá trình quản lý, điều hành đất nước, cùng với việc tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật thuộc các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật... hệ thống pháp luật về BVCSGDTE cũng từng bước được hoàn thiện. Tính đến tháng 10-2005, đã có hơn 60 văn bản pháp luật và hàng trăm văn bản dưới luật về trẻ em và liên quan đến trẻ em được ban hành.
Có thể nói, với những nỗ lực của Quốc hội và Chính phủ Việt Nam, những năm gần đây công tác lập pháp của Việt Nam trong lĩnh vực trẻ em đã có những bước tiến quan trọng. Hệ thống các văn bản pháp luật về trẻ em và liên quan đến trẻ em được ban hành ngày càng nhiều và từng bước hài hoà với Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em, tạo ra những cơ sở pháp lý, chính sách cần thiết cho việc thực hiện các quyền của trẻ em tại Việt Nam. Đây không những do yêu cầu phát triển của đất nước, mà còn thể hiện quyết tâm của nước ta đối với việc thực hiện những điều mà Việt Nam đã cam kết với quốc tế trong lĩnh vực này.
Khi Việt Nam phê chuẩn Công ước quốc tế về Quyền trẻ em vào đầu năm 1990 (là nước đầu tiên ở Châu Á và là nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước này), thì đến đầu năm 1991, Việt Nam ban hành hai đạo luật quan trọng dành riêng cho trẻ em.
Đó là Luật Phổ cập giáo dục tiểu học và Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Tiếp đến là hàng loạt các văn bản pháp luật và văn bản dưới luật có những điều khoản liên quan đến trẻ em và bảo vệ trẻ em được sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới, như Hiến pháp 1992, Bộ luật Dân sự năm 1995, Bộ luật Lao động năm 1995, Bộ luật Hình sự năm 1999, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000, Pháp lệnh phòng, chống mại dâm năm 2003, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004, Luật Giáo dục năm 2005...
Sự ra đời của các văn bản pháp luật nêu trên đánh dấu một bước tiến dài trong công tác lập pháp của Việt Nam, nhất là trong xây dựng, hoàn thiện các văn bản pháp luật về trẻ em, làm cho pháp luật quốc gia từng bước hài hòa với các quy định của Công ước quốc tế về Quyền trẻ em mà Việt Nam đã phê chuẩn.
Năm 1991, Quốc hội Việt Nam đã ban hành Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Qua 13 năm thực hiện, nhiều quy định trong Luật đã thật sự đi vào cuộc sống, tạo những cơ sở pháp lý quan trọng cho việc hoạch định các chính sách bảo vệ và chăm lo cho trẻ em. Tuy nhiên, đứng trước những đòi hỏi ngày càng cao của công cuộc đổi mới, sự vận động của thực tiễn trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện hội nhập, Luật đã bộc lộ một số điểm bất cập cần được nghiên cứu bổ sung, sửa đổi. Vì vậy, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XI ngày 15-6-2004 đã thông qua Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi), được coi là đạo luật khá hoàn chỉnh, gồm năm chương, 60 điều quy định về các quyền cơ bản và bổn phận của trẻ em; trách nhiệm của gia đình, Nhà nước và xã hội trong việc BVCSGDTE.
Để bảo đảm các quyền trẻ em được thực hiện trong thực tế, Luật đã quy định những vấn đề mang tính nguyên tắc về trách nhiệm của gia đình, Nhà nước và xã hội trong lĩnh vực này, trong đó có công tác BVCSGDTE có hoàn cảnh đặc biệt. Theo đó, trong mọi hoạt động của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân có liên quan đến trẻ em thì lợi ích của trẻ em phải được quan tâm hàng đầu; trong BVCSGDTE phải coi trọng việc phòng ngừa, ngăn chặn trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt; kịp thời giải quyết, giảm nhẹ hoàn cảnh đặc biệt của trẻ em; kiên trì trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.
Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em đã dành riêng một chương với 19 điều quy định về việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Trong đó, quy định rõ các nhóm đối tượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt cần sự quan tâm đặc biệt của các cấp, các ngành, gia đình và xã hội, gồm: Trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em bị bỏ rơi; trẻ em khuyết tật, tàn tật; trẻ em là nạn nhân chất độc hóa học; trẻ em nhiễm HIV/AIDS; trẻ em làm việc xa gia đình; trẻ em nghiện ma túy..
Theo những quy định mang tính nguyên tắc của Luật, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội có trách nhiệm theo dõi, xem xét, đánh giá, giám sát hoạt động BVCSGDTE của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác bảo vệ trẻ em.
Trên cơ sở những quy định trong các đạo luật, pháp lệnh do Quốc hội ban hành, Chính phủ Việt Nam đã xây dựng nhiều văn bản dưới luật nhằm cụ thể hóa những quy định của luật dưới dạng Nghị định, Quyết định, Chỉ thị, Thông tư, Chương trình hành động...
Theo Chương trình xây dựng pháp luật đã được Quốc hội thông qua, dự kiến năm nay Quốc hội sẽ thông qua Luật Phòng chống HIV/AIDS; Luật thể dục, thể thao; cho ý kiến về Luật phòng chống bạo lực trong gia đình, là những đạo luật có liên quan nhiều đến bảo vệ trẻ em nước ta.
(Theo tài liệu của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội)
|