Cuộc sống đòi hỏi chất lượng luật
Các Website khác - 27/01/2006
Theo TS Phan Trung Lý, Phó chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội, để thực hiện được mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền, Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách hệ thống hành chính và luật pháp phù hợp với cơ chế thị trường và những đòi hỏi của quá trình hội nhập.
* Hiện nay, Việt Nam mới có hơn 200 luật, trong khi cần phải có khoảng 800 luật thì mới đáp ứng được yêu cầu của cuộc sống. Điều này đòi hỏi Quốc hội phải tăng tốc độ làm luật và tăng số luật được thông qua trong mỗi năm. Thưa ông, trước áp lực như vậy Quốc hội làm sao vừa đáp ứng được số lượng, vừa bảo đảm được chất lượng luật?

- Điều chỉnh xã hội bằng pháp luật là một trong những yêu cầu cơ bản của Nhà nước pháp quyền, là nhu cầu của cuộc sống. Đó cũng chính là áp lực lớn đối với hoạt động lập pháp của Quốc hội. Muốn hoàn chỉnh hệ thống pháp luật thì Quốc hội phải làm việc nhiều hơn, vất vả hơn, thông qua nhiều luật hơn với chất lượng cao hơn. Điều đáng mừng là Quốc hội đã làm việc theo tinh thần đó. Chúng ta đã chọn con đường vất vả, như Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An đã nói, để đáp ứng hiệu quả hơn yêu cầu của cuộc sống, mong muốn của nhân dân.

Để việc làm luật nhanh hơn, chất lượng hơn, thời gian qua, hoạt động lập pháp của Quốc hội đã được cải tiến. Cùng với việc sửa đổi Luật tổ chức Quốc hội, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, quy trình đã được cải tiến theo hướng xem xét, thông qua dự án luật tại hai kỳ họp. Kỳ họp thứ nhất trình Quốc hội cho ý kiến. Kỳ họp thứ hai, sau khi đã được chỉnh lý, Quốc hội xem xét thông qua.

Như vậy, giữa hai kỳ họp, các cơ quan hữu quan có một khoảng thời gian để nghiên cứu tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, tu chỉnh dự án để trình Quốc hội. Tất nhiên, đối với những dự án luật không quá phức tạp, đã được chuẩn bị tốt thì vẫn có thể xem xét thông qua tại một kỳ họp.

Có thể nói, cải tiến này đã mang lại hiệu quả thực sự. Trong kỳ họp vừa qua, Quốc hội đã thông qua qua 9 -10 bộ luật. Cải tiến này cũng đã khắc phục cơ bản tình trạng không hoàn thành Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh vẫn xảy ra thường xuyên trước đây. Nay không những hoàn thành mà còn hoàn thành vượt mức Chương trình đề ra, đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế sôi động này.

* Vừa qua có ý kiến cho rằng, chất lượng soạn thảo các dự án luật còn nhiều hạn chế, tư duy cục bộ vẫn len lỏi trong một số dự án luật... Ông có nhìn nhận như thế nào về thực trạng này?

- Phải nói rằng, nhìn chung chất lượng các dự án luật đã ngày càng được nâng lên. Tuy nhiên, đây đó trong một số dự thảo luật vẫn còn nhiều vấn đề hạn chế do nhiều nguyên nhân. Trong đó, có nguyên nhân từ phía cơ quan soạn thảo. Có khi do quá "lo lắng" tới lợi ích của ngành, sự thuận lợi của hoạt động quản lý mà quên mất lợi ích chung, lợi ích chính đáng của các đối tượng mà luật điều chỉnh.

* Nên chăng dự án luật do các cơ quan của Quốc hội dự thảo sẽ tạo ra tính khách quan cao nhất? Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

- Cũng có ý kiến đặt vấn đề là nếu dự án luật do các cơ quan của Quốc hội soạn thảo thì sẽ khách quan hơn. Ý kiến đó cũng có cơ sở nhưng cũng cần xem xét đầy đủ thêm một số khía cạnh khác của vấn đề. Theo tôi, đối với một cơ quan của Quốc hội, việc soạn thảo dự án luật có những thuận lợi và cũng không ít những khó khăn. Hiện nay, chúng ta đang đi theo hướng là củng cố các cơ quan xây dựng pháp luật cả của Quốc hội cũng như của Chính phủ. Theo tôi, đó là hướng đúng.

Để có một dự án luật có chất lượng với tính minh bạch và khách quan cao, phụ thuộc nhiều yếu tố từ khâu phân tích chính sách, đánh giá điều kiện đến việc thể hiện. Nói tóm lại, là dự án luật đó phải thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, biến ý chí của nhân dân thành luật. Như vậy, cơ quan soạn thảo nào bảo đảm được yêu cầu đó thì sẽ xây dựng được dự án luật chất lượng, được Quốc hội chấp nhận. Thực tế việc UB KHCN và MT của Quốc hội đã trình Quốc hội xem xét thông qua dự án Luật giao dịch điện tử trong kỳ họp vừa qua. Việc Ủy ban các vấn đề xã hội đang xây dựng, chuẩn bị trình Quốc hội dự án Luật phòng, chống bạo lực gia đình đã nói lên điều đó.

* Tại kỳ họp thứ 8, lần đầu tiên Quốc hội tổ chức giám sát công tác ban hành văn bản pháp luật. Kết quả giám sát đã nói lên thực trạng đáng báo động về tình hình luật chậm đi vào cuộc sống. Thời gian tới, Quốc hội làm luật với cường độ cao hơn thì tình hình sẽ ra sao?

- Đó là tình trạng đáng quan tâm và phải khắc phục kịp thời, nhất là trong điều kiện ban hành luật với số lượng ngày càng nhiều. Trước hết, phải khẳng định rằng trong những năm qua các cơ quan có trách nhiệm đã cố gắng trong việc ban hành văn bản chi tiết và hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết. Tuy nhiên, việc này nhìn chung làm còn chậm, nhiều trường hợp quá chậm. Một số luật, bộ luật đã có hiệu lực thi hành nhiều năm nhưng còn thiếu nhiều văn bản hướng dẫn chi tiết. Cá biệt như Bộ luật Dân sự được Quốc hội ban hành từ năm 1995 có hiệu lực từ năm 1996 nhưng đến năm 2005, khi Quốc hội sửa đổi cơ bản thì văn bản hướng dẫn thi hành Bộ luật dân sự năm 1995 vẫn chưa đủ. Một số văn bản hướng dẫn chưa phù hợp với quy định của luật, pháp lệnh, nghị quyết hoặc vẫn chồng chéo, mâu thuẫn.

* Thưa ông, nguyên nhân của tình trạng luật chậm đi vào cuộc sống là do đâu? Chúng ta cần phải làm gì để khi mỗi luật được Quốc hội biểu quyết thông qua là có thể thực hiện được ngay?


Quốc hội biến ý chí của
nhân dân thành luật.

- Tình trạng trên khiến cho luật mặc dù đã có hiệu lực thi hành nhưng vẫn chậm đi vào cuộc sống. Luật chờ hướng dẫn, chờ văn bản dưới luật, chờ nghị định, thông tư, chỉ thị. Thậm chí, vì lý do chờ hướng dẫn mà một số quy định của luật bị vô hiệu hóa trong một thời gian không ngắn.

Để khắc phục tình trạng đó, theo tôi cần đề cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm của các cơ quan được giao nhiệm vụ soạn thảo văn bản; bảo đảm tốt hơn chất lượng văn bản (tránh tình trạng một số văn bản luật thiếu chi tiết, cụ thể, chỉ dừng lại ở các nguyên tắc chung); nâng cao năng lực trình độ của đội ngũ cán bộ, soạn thảo văn bản; đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, giám sát văn bản. Để luật đi vào cuộc sống, cần nhiều điều kiện từ soạn thảo, thông qua, hướng dẫn thi hành đến tuyên truyền phổ biến pháp luật, nâng cao ý thức pháp luật của nhân dân. Theo tôi, trước hết cần khắc phục tình trạng luật chờ văn bản hướng dẫn như một số trường hợp hiện nay, hạn chế đến mức thấp nhất những vấn đề cần hướng dẫn chi tiết thi hành. Muốn vậy, ngay khi xây dựng dự án luật cần bảo đảm để quy định của luật cụ thể, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện.

* Cuộc sống rất cần luật, trong khi hình thức tuyên truyền vẫn chưa thực sự đổi mới. Đã có không ít các đại biểu Quốc hội lo lắng rằng những sản phẩm do mình "bấm nút" thông qua nhưng cử tri không hiểu, không nắm bắt được. Để luật thấm đến từng người dân thì phải tuyên truyền như thế nào để có hiệu quả?

- Việc tuyên truyền phổ biến pháp luật hiện nay đang được quan tâm thực hiện bằng nhiều hình thức khác nhau. Theo tôi, để công tác tuyên truyền pháp luật hiệu quả hơn thì cần đa dạng hóa hình thức tuyên truyền hơn, có cách thức tuyên truyền phù hợp hơn, thiết thực hơn. Hiện nay chúng ta chủ yếu tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng, phổ biến qua các đợt tập huấn cán bộ của các ngành liên quan. Điều đó cần tiếp tục, nhưng phải được cải tiến.

Cần quan tâm hơn nữa đến các hình thức phổ biến pháp luật tận người dân, nhất là những người nghèo. Cần làm nhất là bên cạnh yêu cầu củng cố tủ sách pháp luật xã, phường thì cần in ấn các văn bản luật và phát hành miễn phí cho người nghèo, cho đồng bào nông thôn, vùng núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa.

* Một trong những yêu cầu cấp bách của việc làm luật là đòi hỏi từ chính cuộc sống. Theo ông, phải chăng luật nào soạn thảo trước thì sẽ được thông qua trước?

- Trước đây có tình trạng mà chúng tôi vẫn gọi đùa là "còi to cho vượt", tức là cơ quan nào, ngành nào nhanh tay chuẩn bị dự án luật trước thì Quốc hội cho thông qua trước. Nhưng thời gian gần đây đã khác. Khi thông qua Chương trình xây dựng pháp luật, Quốc hội cân nhắc kỹ sự cần thiết ban hành luật, vấn đề nào, lĩnh vực nào cần có luật. Có những vấn đề cần được ưu tiên (như những yêu cầu đàm phán gia nhập WTO).

Nói khái quát là nhu cầu cuộc sống về luật thì rất nhiều, rất bức xúc, nhưng khả năng đáp ứng còn có hạn nên cần tính toán kỹ quan hệ "cung -cầu" trong hoạt động xây dựng pháp luật. Nhưng tinh thần chung là dù khó khăn vất vả đến đâu thì các cơ quan xây dựng pháp luật, Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội vẫn cố gắng để đáp ứng yêu cầu bức xúc của cuộc sống, xứng đáng với niềm tin của nhân dân.

* Năm 2006 sẽ là năm Quốc hội phải cơ bản hoàn thành Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh cho cả nhiệm kỳ khóa XI. Thưa ông, Chương trình lập pháp của năm 2006 có những điểm gì đáng chú ý?

- Trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2006, dự kiến tổng số dự án luật thông qua là 26 dự án, tổng số dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến là 25. Cách xây dựng chương trình và nội dung cũng có nhiều điểm mới đáng lưu ý. Chương trình được xây dựng theo tinh thần đẩy mạnh hoạt động lập pháp của Quốc hội, coi trọng số lượng và chất lượng các dự án luật.

Quan điểm chỉ đạo được thể hiện rất rõ là tăng cường ban hành luật, giảm dần các pháp lệnh. Quốc hội đã quyết định đưa vào Chương trình tám dự án luật về một số vấn đề thay cho việc ban hành pháp lệnh như các cơ quan đề nghị. Tiếp tục ưu tiên đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh những dự án luật cần thiết cho việc tiếp tục đổi mới và cho quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Chương trình được xây dựng với những biện pháp thực hiện để bảo đảm các dự án được trình đúng tiến độ, có chất lượng và bảo đảm ban hành kịp thời các văn bản hướng dẫn thi hành.

Theo Thời báo kinh tế Việt Nam