"Lo" Tết trong trại giam Hà Nội
Các Website khác - 27/01/2006
Giờ lao động của trại viên
trại giam Hà Nội.
Với tập thể cán bộ, chiến sĩ trại giam Hà Nội, để "lo" cho ba ngày Tết, các anh phải đôn đáo trước cả tháng trời. Các anh hiểu rằng, giúp cho mỗi phạm nhân được đón Tết theo truyền thống một cách tương đối, chính là dịp để khơi trong họ lòng hướng thiện.
Tất bật gấp 5 ngày thường

Đồng hồ thời gian đang hối hả quay những vòng cuối của cuộc hành trình 365 ngày. Như các đơn vị khác thuộc Công an TP Hà Nội, Ban Giám thị Trại giam Hà Nội cũng phải chuẩn bị các kế hoạch bảo đảm an toàn tuyệt đối các sự kiện diễn ra trước, trong và sau dịp Tết trên địa bàn Thủ đô; xây dựng hồ sơ giảm án, tha tù đối với phạm nhân đủ tiêu chuẩn và đặc biệt là không bỏ sót những thông tin về dịch cúm gà. Bởi như cách giải thích của Trung tá Vũ Xuân Hồng, đội trưởng đội Tham mưu Trại giam Hà Nội: "Ngoài kia nguy cơ cúm gà nhiều, nhưng sẵn bệnh viện, sẵn thuốc men. Còn trong này, khi nghe thông tin về dịch cúm gà là chúng tôi phải điều chỉnh lại khẩu phần ăn cho phạm nhân, phải đề xuất tăng cường số thuốc dự trữ, rà soát công tác vệ sinh, tập huấn cán bộ y tế, bởi chỉ một người mắc dịch thì nguy cơ lây nhiễm sẽ khó tránh khỏi. Khi đó, sẽ không ai lường hết điều gì sẽ xảy ra".

Cũng may là từ cuối tháng chạp, thông tin về dịch cúm gà đã bớt nóng. Nên Ban Giám thị trại có nhiều thời gian hơn để triển khai kế hoạch "lo" Tết cho các phạm nhân. Thượng tá Đỗ Văn Hùng, Giám thị trại giam Hà Nội nói rằng: "Anh em cán bộ trong trại, cùng với tâm trạng phấn khởi đón Tết, sum họp đầm ấm cho mỗi gia đình; còn có cả tâm lý... ngại Tết, bởi chỉ riêng công việc chuyên môn dịp cuối năm cũng đã đủ bở hết hơi tai...".

Trò chuyện với Ban Giám thị Trại giam Hà Nội sau đó, tôi mới vỡ lẽ nhiều điều. Theo quy định được áp dụng từ nhiều năm nay, trong ba ngày Tết, ngoài việc tạo điều kiện cho mỗi phạm nhân được nhận quà tiếp tế hai lần, vào trước và sau Tết, Ban Giám thị Trại giam Hà Nội còn phải tính đến việc không chỉ lo cho phạm nhân được ăn "tươi" hơn, mà còn được hưởng tiêu chuẩn Tết gấp 5 lần ngày thường. Sẽ có mứt, kẹo, giò, chả, măng, miến, bánh chưng... đủ chủng loại thực phẩm Tết truyền thống của một gia đình Việt Nam. Nhưng tuyệt đối cấm chất kích thích như rượu, bia. Một chi tiết thú vị là từ nhiều năm nay, Ban Giám thị Trại giam Hà Nội chủ trương đến các phạm nhân hưởng ứng chỉ thị không hút thuốc lá, nên đã đề nghị các gia đình khi tiếp tế không được kèm món này vào.

Nếu không hỏi chuyện sắm Tết trong Trại giam Hà Nội, có lẽ nhiều người sẽ không được biết rằng, vấn đề thực phẩm ngày Tết cho các phạm nhân đã khiến Ban Giám thị Trại phải xây dựng cả một kế hoạch, phân công các lực lượng trước đó cả tháng trời, bởi bất cứ một loại thực phẩm gì, từ củ hành, miếng bóng, đến chiếc bánh chưng, đều phải tính bằng đơn vị... tấn. Không xa Trại giam Hà Nội là rất nhiều chợ và cả các nguồn cung cấp thực phẩm tìm đến. Nhưng nguyên tắc đặt ra, việc mua bán thực phẩm không chỉ cứ mang tiền đến rồi đem hàng về là xong. Danh sách nguồn cung cấp và sự đảm bảo nguồn gốc thực phẩm an toàn phải được rà soát kỹ, có hợp đồng cam kết, bởi nếu cứ đem thực phẩm về mà không quan tâm đến chất lượng, không may phạm nhân đau bụng hay ngộ độc, thì khó mà lường hết được hậu quả.

Từ 20 tháng chạp đến trước buổi chiều 30 Tết, tất cả lương thực thực phẩm cho ba ngày Tết của phạm nhân phải được tập kết đủ về kho hàng của Trại. Lúc này, bộ phận hậu cần theo danh sách phạm nhân, buồng giam sẽ làm nhiệm vụ tính toán phân phối thực phẩm. Bộ phận y tế cứ trông thời tiết để mà... lo. Từng có năm trước Tết Hà Nội trở nắng, nóng như mùa hè. Đó là lúc nguy cơ đe dọa đến số thực phẩm dự trữ, bởi kho của Trại không có thiết bị hiện đại để bảo quản. Đối phó với thời tiết trái mùa, cán bộ Y tế của Trại sẽ phải tìm mọi cách để thực phẩm được thoáng mát, xử lý thực phẩm có dấu hiệu bị hỏng. Cho đến khi số thực phẩm được phát hết, ba ngày Tết trôi qua mà không phạm nhân nào bị sự cố, mọi người mới dám thở phào.

Đội trưởng đội quản giáo 2, Trung tá Đào Trọng Chính khẳng định với chúng tôi, bên cạnh chuyện lo ăn uống Tết cho phạm nhân, vấn đề tinh thần cũng rất quan trọng. Thành phần can phạm của Trại giam Hà Nội hiện có cả những đối tượng bị kết án tử hình cho đến những can phạm chịu án một, hai năm. Nghìn can phạm là cả nghìn trạng thái tâm lý, những cảm xúc khác nhau, đặc biệt là những cảm xúc đó lại hay bộc lộ trong dịp Tết.

Mấy ngày Tết, có can phạm dửng dưng không quan tâm đến khái niệm thời gian và những người chung quanh mình; có can phạm khóc như ri; lại có can phạm ngồi cả ngày ngó chong chong ra ngoài chấn song sắt, nơi ánh sáng ùa vào nhiều nhất. "Đó là lúc mà nhiều người trong họ ý thức được giá trị của tự do, là phần lương thiện được thức tỉnh, tội lỗi bị đẩy lùi cho sám hối và khát khao", Trung tá Chính đúc kết.


Sẵn sàng thực phẩm đón Tết.

Quy trình đón thời khắc năm mới trong Trại giam Hà Nội thường được bắt đầu lúc 0 giờ. Ban Giám thị Trại cho tiếp sóng chương trình chúc Tết của Đài Tiếng nói Việt Nam, rồi khuếch đại qua hệ thống loa truyền thanh được lắp đặt chung quanh trại để toàn trại đều nghe thấy. 0 giờ 10 phút, Ban Giám thị Trại sẽ đi chúc Tết các phòng, đội nghiệp vụ, và chúc Tết một số phòng giam. Đây là thời khắc được ưu tiên nhất trong năm, phạm nhân được tự bày "mâm" cỗ giao thừa theo cách riêng của mình, và không phải đi ngủ trước 21 giờ.

Chuyện của những người đón Tết vắng nhà

Trung tá đội trưởng đội Tham mưu Vũ Xuân Hồng kể lại cho tôi kỷ niệm một Tết mà anh nhớ mãi trong 18 năm gắn bó với Trại giam Hà Nội. Đó là năm cuối cùng trước khi chủ trương cấm đốt pháo có hiệu lực. Trại giam Hà Nội cho đến hôm nay vẫn nằm ở khu dân cư vắng người của Hà Nội, gần đồng ruộng hơn là gần nhà dân. Vậy mà năm đó, năm cuối cùng của tiếng pháo giao thừa, Trung tá Hồng và đồng đội của anh nhiều người đã không nén được nỗi xúc động.

23 giờ 30, tiếng pháo nổ ran từ phía nội thành, đánh thức cả khu vực Trại giam yên tĩnh, khu vực mà có lẽ ít người trong số triệu người Hà Nội đang đón Tết trong nhà, ngoài đường nghĩ đến.

23 giờ 45, tiếng pháo nổ ran, mỗi lúc một gần. Xã Xuân Phương, huyện Từ Liêm nơi gắn với địa chỉ Trại giam Hà Nội, các hộ dân cũng hoà chung với không khí đón năm mới. Trại giam Hà Nội không được đốt pháo. Nhưng cảm nhận rất rõ mùi thuốc pháo từ phía các hộ dân lan tỏa vào, trong hơi pháo có tiếng cụng ly và những lời chúc tốt đẹp, bình an. Còn các anh, chỉ lặng lẽ với những đôi bàn tay siết chặt.

Những năm gần đây, vắng tiếng pháo, tâm trạng xúc động trong các cán bộ chiến sĩ Trại giam Hà Nội đã nguôi ngoai dần. Nhưng vào những dịp giao thừa ít mây mù, qua khe của những ngôi nhà cao tầng trong nội thành đang xuất hiện ngày một nhiều, từ sân Trại giam, các anh vẫn trông thấy và hân hoan với những cụm hoa lửa và tiếng pháo hoa từ phía quảng trường Mỹ Đình vãi lên nền trời.

Đón giao thừa và sắm cái Tết tiềm tiệm cho phạm nhân, quan trọng nhất với cán bộ, chiến sĩ Trại giam Hà Nội là nhiệm vụ bảo đảm an toàn, chủ động đề phòng, ngăn chặn những tình huống bất ngờ xảy ra trong đơn vị. Trong khi Ban Giám thị trại đi chúc Tết các phòng, đội, một số buồng giam, cũng là lúc các lực lượng tăng cường được điều đến những vị trí bảo vệ đã được phân công theo kế hoạch.

Chỉ đến khi sự yên tĩnh thực sự vọng lại từ phía các buồng giam, lực lượng tăng cường mới được rút dần khỏi vị trí bảo vệ. Sáng mồng 1, mồng 2 Tết, những cán bộ chiến sĩ nhà ở xa Hà Nội sẽ được về phép tranh thủ đón Tết với gia đình. Và cứ thế luân phiên ứng trực đến hết ngày mùng 3. Có lẽ lúc ấy, một cái Tết thực sự mới được bắt đầu với môi cán bộ chiến sĩ Trại giam Hà Nội.

Theo An ninh thủ đô