Dân thiếu đất, rừng về tay quan chức
Các Website khác - 20/09/2005
Rừng tại khu vực Khe Bấn.

Mỗi cán bộ nhận 1-2 cánh rừng rộng lớn, còn bà con dân bản nhiều người không có rừng canh tác, ruộng sản xuất không đáng là bao, trâu bò không có nơi chăn thả... Đây là chuyện thật tại huyện miền núi Quỳ Châu (Nghệ An).

Ở bản Hạnh Tiến, thuộc xã Châu Hạnh, Quỳ Châu đang tồn tại tình trạng, rừng núi trên địa bàn, người dân hầu như không có, bởi một số quan chức trong huyện, xã... mỗi người “ôm” một suất tới hàng chục ha.

Rừng ở khu vực Khe Bấn thuộc 2 xã Châu Hội và Châu Hạnh là nơi giá trị nhất. Đất tốt, cây cối luôn xanh tươi. Dưới lòng đất còn có cả mỏ quặng apatit. Bởi thế khi Nhà nước chuyển đổi đất rừng từ Nghị định 02 (chỉ được cấp rừng, không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) sang Nghị định 163 (ổn định giao đất lâm nghiệp lâu dài cho hộ gia đình, trong đó có cả tập thể) thì đất rừng Khe Bấn không hiểu sao lại vào tay một số cán bộ.

Riêng bản Hạnh Tiến, có 103 hộ dân, chỉ 2 người có rừng. Trong khi đó đất rừng của một người đang bị một cán bộ huyện tranh chấp . Không còn rừng, đất đai sản xuất của người dân ít, đời sống kinh tế gặp nhiều khó khăn. Đồng cỏ cho trâu bò ăn không có, mỗi ngày hàng trăm con trâu bò của bà con nông dân phải lùa ra chăn thả hai bên đường quốc lộ 48.

Mấy năm nay, người dân muốn vào rừng hái củi hay tìm ít gỗ lạt về làm nhà, làm lán đều không được phép, vì rừng là của cán bộ. Thậm chí trâu bò nhà ai chạy vào ăn cỏ trong khu rừng, nếu phát hiện thế nào cũng bị phạt. Người dân không ai dám viết đơn tố cáo lên cấp trên vì "sợ người ta bắt đi tù, vì người ta bảo là cấm gửi đơn thư vượt cấp”.

Và cứ thế, đã mấy năm nay người dân bản Hạnh Tiến sống trong sự ấm ức, vì không ai có rừng để sản xuất kinh tế.

Ông Trần Văn Miên, cho biết, ông và 7 hộ dân, gồm: ông Đậu Văn Ka, Trần Văn Tiến, Bùi Xuân Liệu, Nguyễn Văn Huy, Nguyễn Văn Duy, Trần Văn Long và Trần Văn Lương, khai hoang khoảng 2 ha đất rừng và ven rừng từ năm 1999. Đất đai của 8 hộ gia đình chủ yếu dùng để sản xuất, sau vụ mía 2004 đã bị huyện lấy lại. Sau đó, bà con vẫn tiếp tục sản xuất thì anh Trần Văn Lê (giáo viên trường dân tộc Nội trú Quỳ Châu, con trai ông Chủ tịch UBND huyện), xuống không cho bà con làm. Bà con không đồng ý, một thời gian sau mía của tôi đang xanh tốt, bỗng nhiên bị cháy, rồi cháy lan sang cả diện tích mía của các hộ khác. Tổng diện tích bị thiêu rụi khoảng 1ha.

Dân không nhận thì cán bộ nhận

Ông Trần Văn Mỹ (Chủ tịch UBND huyện Quỳ Châu) giải thích: “Sở dĩ một số cán bộ huyện, xã có rừng là do trước đây người dân không nhận. Chúng tôi đã giao cho các trưởng bản triển khai trong toàn huyện, mời cả trưởng bản để giao đất, giao rừng. Ai có nhu cầu nhận đất, nhận rừng thì làm đơn. Chúng tôi đã vận động bà con rất nhiều nhưng dân không ai nhận. Người ta nghĩ đất rừng thế này thế kia. Bởi thế không ai làm đơn nhận thì huyện vận động cán bộ xuống nhận, ví dụ như tôi cũng làm đơn xin nhận và một số cán bộ huyện cũng xuống nhận đất, nhận rừng”.

Theo ông Trần Văn Mỹ, khi chuyển từ Nghị định 02 sang Nghị định 163, người dân có gửi đơn xin nhận đất, nhận rừng nhưng đất đã có chủ từ trước rồi - được chuyển nguyên trạng từ Nghị định 02, sang theo Nghị định 163. Có nghĩa là trước đây, khi triển khai Nghị định 02, bà con thôn bản không làm đơn nhận đất, nhận rừng, khi đó cán bộ nhận.

Cho nên khi chuyển đổi Nghị định 02 sang thực hiện theo 163, toàn bộ số diện tích cũ, nay vẫn thuộc về chủ cũ. Chỉ có việc điều chỉnh lại làm sao cho hợp lý, ai nhiều quá thì bị cắt bớt, mỗi hộ gia đình không được quá 30 ha đất rừng.

Trong khi đó, tại bản Hạnh Tiến, bà con cho biết, việc chính quyền thông báo để bà con làm đơn xin nhận đất, nhận rừng không ai hay. Chỉ biết, khi gửi đơn lên tới huyện thì rừng đã có chủ.

Theo một nguồn tin, các cán bộ không ai nhận phần cho mình trong rừng sâu. Ai cũng chia nhau và tìm những nơi gần mặt đường quốc lộ 48, gần trung tâm và là những nơi dễ khai thác, dễ vận chuyển nhất. Hơn nữa, dưới lòng đất còn có cả mỏ khoáng sản quý.

Ý kiến của bạn

(Theo Tiền Phong)