Trên cơ sở mức lương tối thiểu được điều chỉnh tăng lên từ 290.000 đồng/tháng lên 350.000 đồng/tháng theo nghị định 118/NĐ-CP, Chính phủ cho phép tăng 20,7% trên mức lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng đã được điều chỉnh theo quy định tại Nghị định số 117/2005/NĐ-CP đối với người hưởng lưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội trước ngày 1-10-2005. Mức tăng lương 20,7% trên mức trợ cấp của tháng 9-2005 cũng được áp dụng đối với người hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng tính theo mức lương tối thiểu chung. Và mức lương tối thiểu được nâng lên cũng để tính trợ cấp thôi việc cho một số đối tượng lao động dôi dư, người thôi việc do tinh giản biên chế...
Một điểm đáng chú ý khác là đối với quân nhân, công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu, nếu mức lương trước khi nghỉ hưu dưới 425 đồng mỗi tháng (theo nghị định số 235/HĐBT năm 1985 của Hội đồng Bộ trưởng); có hệ số lương cũ dưới 4,4 và dưới 5,6 thì lương hưu được điều chỉnh tăng 10% so với mức đang hưởng. Nếu trước thời điểm nghỉ hưu, quân nhân, công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu hưởng lương từ 425 đồng mỗi tháng trở lên; có hệ số lương cũ trên 4,4 và trên 5,6 thì lương hưu được tăng thêm 8%.
Riêng người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động, người hưởng trợ cấp, công nhân cao su đang hưởng trợ cấp; cán bộ xã, phường, thị trấn đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng, mức trợ cấp sẽ được tăng lên 10% so với mức đang hưởng. Kinh phí điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng sẽ do ngân sách nhà nước và quỹ BHXH bảo đảm.
Nghị định số 177/NĐ-CP cũng hướng dẫn chi tiết về mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH làm căn cứ tính lương hưu, trợ cấp một lần khi nghỉ hưu, trợ cấp BHXH một lần, trợ cấp tuất một lần và mức điều chỉnh lương hưu đối với người hưởng lương theo thang lương, bảng lương do Nhà nước quy định nghỉ hưu, hưởng trợ cấp BHXH từ ngày 1-10-2005 đến 30-9-2006. Theo đó, mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH làm căn cứ tính lương hưu và trợ cấp BHXH được quy định như sau: đối với thời gian đóng bảo hiểm xã hội trước ngày 1-10-2004: cơ quan có thẩm quyền sẽ tính theo mức tiền lương đã hưởng và đóng BHXH theo quy định tại Nghị quyết số 35/NQ năm 1993 của UBTV Quốc hội, Quyết định số 69-QĐ/TW ban hành năm 1993 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Nghị định số 25/CP và Nghị định số 26/CP năm 1993 của Chính phủ.
Đối với người có thời gian đóng BHXH từ 1-10-2004 trở đi, người ta sẽ tính theo mức tiền lương đã hưởng và đóng BHXH tại Nghị quyết số 730/NQ năm 2004 của UBTV Quốc hội; Quyết định số 128/QĐ-TW năm 2004 của Ban Bí thư Trung ương Đảng; Nghị định số 204/NĐ-CP và Nghị định số 205/NĐ-CP năm 2004 của Chính phủ.
Một điểm đáng chú ý khác là theo nghị định 117/NĐ-CP mới ban hành, mức điều chỉnh lương hưu đối với người nghỉ hưu từ ngày 1-10-2005 đến ngày 30-9-2006 được thực hiện một lần tại tháng nghỉ hưu theo quy định sau:
Mức điều chỉnh còn thấp do quỹ lương hạn hẹp
Được biết, theo tính toán của Bộ Tài chính, việc điều chỉnh lương tối thiểu, lương hưu và trợ cấp sẽ làm nguồn kinh phí lương và trợ cấp năm 2005 tăng thêm 3.655 tỷ đồng, năm 2006 (với dự kiến mức lương tối thiểu ba tháng cuối năm tiếp tục tăng 400.000 đồng mỗi tháng) là 15.347 tỷ đồng. Nếu cộng thêm nguồn tăng thêm do từ ngày 1-10-2005 điều chỉnh mức trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng theo chuẩn mới là 335.000 đồng mỗi tháng (mức cũ 292.000 đồng) thì nguồn quỹ trả lương, trợ cấp tăng thêm trong năm 2005 là 4.080 tỷ đồng; năm 2006 là 17.047 tỷ đồng.
Còn về phía Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cơ quan xây dựng mức lương mới, một quan chức của Bộ này cho biết, mức điều chỉnh là “phù hợp với mức tăng giá của các mặt hàng tiêu dùng” và với mức lương mới này, “thu nhập thực tế của lao động đã có cải thiện”. Và theo quan chức này, với các doanh nghiệp, việc điều chỉnh lần này về cơ bản, không làm ảnh hưởng lớn đến chi phí đầu vào.
“Sự bất hợp lý của chế độ tiền lương cũng làm méo mó chính sách giá cả” “Một trong những nguyên nhân làm méo mó chính sách giá cả ở Việt Nam nằm ở chế độ tiền lương. Do chậm xử lý những bất hợp lý của chế độ tiền lương nên mức lương hành chính quá thấp tạo nên sự so sánh hết sức “khập khiễng” mỗi khi phải điều chỉnh giá hàng hóa theo mặt bằng giá khu vực và thế giới. Sự bất hợp lý của chế độ tiền lương được thể hiện ở việc không tách bảng lương hành chính với các bảng lương của các khu vực khác; biên chế cồng kềnh, kém hiệu quả; đội ngũ công chức không chuyên nghiệp; bao cấp về lương cho các tổ chức phi hành chính quá lớn... Chính điều này đã tạo nên sự khập khiễng và thể hiện ở chỗ đem mặt bằng giá trong nước (bị kiểm soát theo ý muốn chủ quan) so sánh với giá khu vực và thế giới (biến động theo cung cầu một cách khách quan). Vì vậy, Nhà nước cần thay đổi chính sách kinh tế vĩ mô như cải cách tiền lương trên cơ sở giá tiêu thụ biến động theo quy luật thị trường” (TS Nguyễn Thị Hiền, Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ) * Theo một số chuyên gia kinh tế, với mức tăng trưởng kinh tế 3 năm (2003-2005) khoảng 25,4%, năng suất lao động xã hội tăng 27,4% thì mức lương tối thiểu cần được điều chỉnh lên 400.000 đồng mỗi tháng.
|
|