Mười năm đi xin chữ ký
Nếu như trong trường hợp đi xin chữ ký xác nhận của ông Nguyễn Trọng Hiệp (77 tuổi, trú tại nhà số 8 phố Lê Đại Hành, phường Lê Đại Hành), "mới chỉ có... 28 lần", thì hành trình đi tới, đi lui các cơ quan công quyền để xin cấp "sổ đỏ" của ông Trịnh Hồng (78 tuổi - ở số nhà 10 tổ 12, phường Kỳ Bá, thành phố Thái Bình) đã gần 10 năm trời mà nay kết quả vẫn là con số không tròn trĩnh.
Theo các tài liệu mà ông Hồng trưng ra cho chính quyền địa phương, thì: Năm 1990, ông Trịnh Hồng mua của Công ty nông sản thực phẩm Thái Bình một mảnh đất 130m2, trên đó có ba gian nhà cấp 4 với tổng giá tiền là 11,5 triệu đồng. Sau khi làm thủ tục mua bán và trả tiền xong, ông Trịnh Hồng đã sử dụng căn nhà cấp 4 và mảnh đất nói trên để ở ổn định liên tục suốt từ đó đến nay.
Hành trình đi xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông Trịnh Hồng bắt đầu vào năm 1995. Trong năm này, ông Hồng đã tập hợp toàn bộ hồ sơ gốc như hợp đồng mua nhà đất; các hóa đơn, biên lai thanh toán tiền đem đưa tận tay ông Lê Trọng Việt - Phó Chủ tịch UBND thị xã (nay là thành phố) Thái Bình phụ trách lĩnh vực đất đai để xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Sau khi gửi đơn, ông Hồng và các con ông liên tục tới chính quyền thành phố Thái Bình để hỏi, nhưng không nhận được câu trả lời dứt khoát.
Cuối năm 2004, ngôi nhà cấp 4 mà gia đình ông Hồng mua lại của Công ty nông sản thực phẩm đã xuống cấp nghiêm trọng, không an toàn trong mùa mưa bão, nên ông Hồng lại tiếp tục làm đơn xin được cấp "sổ đỏ" để tiến hành làm thủ tục xin phép xây dựng ngôi nhà mới. Thế nhưng, khi đến UBND TP Thái Bình thì ông mới té ngửa ra rằng, bộ hồ sơ gốc mà gia đình ông nộp cho UBND TP từ năm 1995 đã bị cán bộ có trách nhiệm làm thất lạc, do đó ông Vũ Tuấn Long - cán bộ địa chính phường Kỳ Bá đã nhất quyết không thụ lý với lý do: Không có hồ sơ gốc, hồ sơ chưa đủ điều kiện để được cấp "sổ đỏ" cho dù tập hồ sơ của ông Hồng đã có giấy xác nhận của ông Lê Trọng Việt - nguyên Phó Chủ tịch UBND thị xã Thái Bình - khẳng định là hồ sơ giấy tờ gốc liên quan đến mảnh đất trên đã bị chính quyền làm thất lạc.
Cấp trên bảo được, cấp dưới nhất quyết không
Đề làm rõ vấn đề này, chúng tôi đã tới làm việc với Phòng Tài nguyên - Môi trường TP Thái Bình; ông Phạm Đông Chuẩn trả lời: "Sự chậm trễ ấy là do phải tiến hành xác minh nghĩa vụ tài chính, xem ông Hồng đã nộp tiền cho Công ty nông sản thực phẩm hay chưa và tiền đó có được nộp vào ngân sách nhà nước hay không thì mới cấp "sổ đỏ" được. Thế nhưng khi được hỏi, cơ quan nào có trách nhiệm làm điều đó thì ông Chuẩn cho rằng đó là trách nhiệm của UBND phường và Phòng Tài chính - UBND phường phải có trách nhiệm mời các cơ quan liên quan đến để làm các thủ tục xác nhận. Đem câu hỏi này xuống phường, Chủ tịch UBND phường Hoàng Ngọc Hải lại nói: "Việc mời các cơ quan chức năng cấp trên đến làm việc thì UBND phường không có thẩm quyền". Khi trở lại Phòng Tài nguyên - Môi trường, chúng tôi vẫn nhận được câu trả lời y như cũ, với một thái độ khá bực dọc rằng: Đây là trách nhiệm của phường.
Chúng tôi đã đem vấn đề này đặt lên bàn Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Thái Bình Nguyễn Cao Sang. Ông Sang khẳng định ngay: "Theo quy định của Luật Đất đai thì cá nhân, hộ gia đình sử dụng đất ổn định từ trước ngày 15-10-1993, không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch thì được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và không phải nộp tiền sử dụng đất. Qua xem xét hồ sơ, tài liệu của gia đình ông Hồng, tôi khẳng định có đủ cơ sở pháp lý để có thể cấp ngay "sổ đỏ" cho gia đình ông".
Về việc ông Vũ Tuấn Long - cán bộ địa chính phường Kỳ Bá phê vào lá đơn của gia đình ông Hồng với nội dung không đủ cơ sở để cấp "sổ đỏ", ông Sang khẳng định việc làm của cán bộ địa chính ấy là sai. Tuy nhiên, ông Sang cũng thừa nhận, hiện việc này thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND thành phố Thái Bình, nếu thành phố ra quyết định không cấp "sổ đỏ" thì lúc ấy sở mới có thể can thiệp được. Rõ ràng, với cách giải quyết như trên của các cơ quan chức năng thành phố Thái Bình, thì không biết người dân còn bị hành đến bao giờ?
|