Nâng cao hiệu quả đấu tranh chống tham nhũng, buôn lậu
Các Website khác - 19/09/2005
Thời gian qua, lực lượng công an phát hiện hàng trăm nghìn vụ tham nhũng, buôn lậu. Song tình trạng tham nhũng, buôn lậu vẫn diễn biến  hết sức phức tạp trên mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế-xã hội. Cần có các giải pháp nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng, buôn lậu thời gian tới. 

Từ năm 1994 đến nay, lực lượng cảnh sát đã phát hiện, điều tra 176.534 vụ phạm tội về kinh tế, trong đó có 21.069 vụ xâm phạm sở hữu, 9.960 vụ tham nhũng, 162.785 vụ buôn lậu, buôn bán hàng cấm... Ðã khởi tố điều tra 6.763 vụ, 13.892 bị can phạm tội về kinh tế. Trong đó: Tham ô: 2.709 vụ, gây hại 916 tỷ đồng. Cố ý làm trái: 3.955 vụ, gây hại 3.790 tỷ đồng. Lạm dụng tín nhiệm: 1.640 vụ, thiệt hại 1.831 tỷ đồng. Hối lộ: 178 vụ, tài sản nhận hối lộ là 12 tỷ đồng. Kết quả đấu tranh chống tham nhũng, cho thấy, quy mô của các vụ tham nhũng ngày càng lớn và vượt ra khỏi phạm vi một ngành, một địa phương, một quốc gia và sử dụng công nghệ cao để thực hiện và che giấu hành vi phạm tội.

Ðối tượng tham nhũng thông qua ký kết các hợp đồng thương mại, phê duyệt các dự án đầu tư để nhận tiền, gửi giá hoặc mua tài sản và bất động sản ở nước ngoài như vụ buôn lậu xăng dầu của Công ty TNHH Thành Phát (Tiền Giang), trong đó có đối tượng đã nhận hối lộ cả tòa biệt thự, ô-tô trị giá nhiều tỷ đồng; vụ tham nhũng trong một số dự án của lĩnh vực dầu khí; mua bán hạn ngạch xuất khẩu hàng dệt-may ở Bộ Thương mại, gây thất thoát hàng chục tỷ đồng.

Tham nhũng gắn liền với vi phạm phẩm chất, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên thoái hóa biến chất. Trước đây chủ thể của các vụ tham nhũng thường là những người có chức vụ, quyền hạn trong các cơ quan quản lý kinh tế, các doanh nghiệp nhà nước, thì từ năm 1994 đến nay có nhiều vụ đối tượng tham nhũng có chức vụ cao trong các cơ quan quản lý nhà nước. Ðã xử lý 10.123 cán bộ đảng, trong đó khiển trách 3.954, cảnh cáo 3.933, cách chức 576, khai trừ Ðảng 1.360 trường hợp. Ðã có một bộ trưởng, năm thứ trưởng và hàng chục phó chủ tịch, chủ tịch UBND tỉnh bị kỷ luật về tham nhũng.

Tham nhũng xảy ra ở nhiều lĩnh vực

Tham nhũng xảy ra phổ biến và ngày càng nghiêm trọng ở tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, điển hình là lĩnh vực đầu tư, xây dựng cơ bản. Ðây là lĩnh vực tham nhũng xảy ra phổ biến, gây thiệt hại nghiêm trọng tài sản nhà nước. Phần lớn các công trình xây dựng đều xảy ra thất thoát tài sản do tham ô, cố ý làm trái... và xảy ra ở tất cả các khâu, từ khâu lập và chạy dự án, thiết kế vượt dự toán, đấu thầu, tư vấn, giám sát, nghiệm thu, thanh quyết toán công trình...

Qua các vụ án đã được phát hiện, điều tra cho thấy tỷ lệ thất thoát trong đầu tư xây dựng trung bình từ 10 đến 20%. Chính vì vậy, nhiều công trình mặc dù đã xây dựng xong và đưa vào sử dụng nhưng sau một thời gian dài vẫn chưa quyết toán được, nhiều công trình xây dựng chất lượng kém, thậm chí chưa nghiệm thu đã hỏng, chưa đưa vào sử dụng hoặc ngay sau khi sử dụng đã xuống cấp.

Các hành vi mua, bán và sử dụng trái phép hóa đơn GTGT nhằm các mục đích tham ô chiếm đoạt tiền hoàn thuế GTGT, để hợp pháp hóa hàng nhập lậu hoặc các chi phí khống trong đầu tư XDCB, nâng giá trong việc mua hàng hóa, tài sản của các cơ quan, doanh nghiệp để tham ô xảy ra khá nghiêm trọng. Trong điều kiện kinh tế thị trường, khi đất đai trở thành hàng hóa có giá đặc biệt thì tham nhũng ngày càng nghiêm trọng trong quản lý và sử dụng đất đai.

Tình hình càng phức tạp hơn khi hệ thống pháp luật về quản lý đất đai không hoàn chỉnh, việc thực hiện pháp luật trong lĩnh vực này tùy tiện ở các địa phương khác nhau. Không chỉ đất đai ở đô thị mà còn cả đất đai ở miền núi, ở nông thôn đều bị lấn chiếm, cấp phát, mua bán, chuyển nhượng tùy tiện và không quản lý được, gây thất thoát nghiêm trọng. Qua các vụ án đã xử lý cho thấy một số cán bộ trong các ngành chức năng không chỉ ở cơ sở mà còn ở các cơ quan T.Ư đã có các hành vi nhận hối lộ, thiếu tinh thần trách nhiệm, cố ý làm trái... với mục đích bảo kê, bao che, tiếp tay cho hoạt động của tội phạm.

Tình hình buôn lậu có xu hướng gia tăng

Từ năm 1994 đến nay, lực lượng CAND phát hiện, bắt giữ 162.785 vụ buôn lậu, buôn bán hàng cấm, thu giữ hàng trị giá 4.051 tỷ đồng. Buôn lậu diễn ra phổ biến, phức tạp trên tất cả các tuyến, địa bàn trọng điểm. Hình thành các tụ điểm và đường dây buôn lậu giáp biên, chủ đầu nậu thường sử dụng cửu vạn là đối tượng hình sự, những người không có công ăn việc làm từ các tỉnh miền xuôi lên để vận chuyển hàng lậu từ bên kia biên giới sang, sau đó sử dụng các loại phương tiện vận chuyển hàng hóa qua các đường mòn khác nhau về Việt Nam. Tham gia buôn lậu ngoài tư thương còn có cả doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân. Buôn lậu diễn ra phức tạp ở khu vực Cầu Treo, Lao Bảo, Long An, Tây Ninh, Ðồng Tháp, An Giang...

Hàng lậu ở TP Hồ Chí Minh còn được vận chuyển bằng đường bộ, đường sắt, đường biển, đường bưu điện và đường hàng không. Ðể đối phó các cơ quan chức năng, các đối tượng buôn lậu sử dụng phương thức gửi hàng qua các bưu cục chuyển phát đến tận nhà hoặc qua các tỉnh lân cận nhằm trốn tránh sự kiểm tra, kiểm soát của các lực lượng chống buôn lậu. Tình trạng vận chuyển hàng lậu trên tuyến đường sắt tuy đã giảm so với các năm trước, nhưng vẫn phức tạp ở tuyến Ðồng Ðăng - Hà Nội, Lào Cai - Hà Nội, Hà Nội - TP Hồ Chí Minh.

Từ thực tiễn đấu tranh phòng, chống tham nhũng, buôn lậu, lực lượng công an đã tham mưu cho lãnh đạo bộ ban hành 276 văn bản chỉ đạo các đơn vị, địa phương về phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm kinh tế trong một số lĩnh vực kinh tế trọng điểm như đầu tư xây dựng cơ bản, xuất, nhập khẩu, hoàn thuế GTGT, nội địa hóa xe máy, lừa đảo trong xuất khẩu lao động; tội phạm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, quản lý đất đai, bảo vệ rừng; chống buôn lậu.

Công an các đơn vị, địa phương đã chủ động, tích cực phối hợp các cơ quan, doanh nghiệp triển khai thực hiện các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh chống tham nhũng, buôn lậu, gắn liền với việc thực hiện Nghị quyết 09/CP và Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm, đã phối hợp các cơ quan, doanh nghiệp triển khai

và sơ kết Nghị quyết 09 và Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm ở 43 bộ, ngành và 1.518 cơ quan, doanh nghiệp.

Tuy nhiên, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, buôn lậu còn một số hạn chế. Một số đơn vị, địa phương nhận thức chưa đầy đủ và thực hiện chưa nghiêm túc chỉ thị, nghị quyết của Ðảng và Chính phủ về chống tham nhũng, buôn lậu; chỉ đạo còn lúng túng và không quyết liệt, bị động trong nắm tình hình, lơi lỏng trong đấu tranh. Hiệu quả phát hiện, điều tra, xử lý các vụ tham nhũng, buôn lậu, nhất là các vụ phạm tội có tổ chức, có yếu tố nước ngoài hạn chế. Một số địa phương trong nhiều năm không phát hiện được vụ tham nhũng nào đáng kể.

Nâng cao hiệu quả chống tham nhũng, buôn lậu

Cuộc đấu tranh chống tham nhũng, buôn lậu muốn đạt kết quả cao, phải đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối và toàn diện của các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp. Ðây là sự nghiệp của toàn Ðảng, toàn dân và luôn gắn liền với việc bảo đảm thực hiện thắng lợi các chính sách phát triển kinh tế-xã hội. Chống tham nhũng, buôn lậu là một bộ phận quan trọng của cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ an ninh chính trị và TTATXH. Lực lượng trực tiếp làm công tác phòng ngừa, phát hiện và điều tra tham nhũng, buôn lậu phải là những cán bộ có phẩm chất đạo đức trong sáng, có năng lực chuyên môn nghiệp vụ và kiến thức xã hội sâu rộng bởi vì hầu hết đối tượng tham nhũng, buôn lậu là những cán bộ có chức vụ trong các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước, được đào tạo cơ bản, am hiểu chính sách, pháp luật, có nghiệp vụ chuyên môn cao. Việc tuyển chọn, bồi dưỡng, giáo dục cán bộ, chiến sĩ làm công tác chống tham nhũng, buôn lậu là một yêu cầu hết sức quan trọng.

Gắn chống tham nhũng với chống lãng phí, quan liêu, buôn lậu, đặc biệt là chống các hành vi lợi dụng chức quyền làm giàu bất chính. Công an các đơn vị, địa phương cần tham mưu cho các bộ, ngành, chính quyền các cấp củng cố lại Ban chỉ đạo chống tham nhũng, buôn lậu ở địa phương. Xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về đấu tranh chống tham nhũng, buôn lậu. Chú trọng công tác vận động, tuyên truyền và các hoạt động phòng ngừa vi phạm, kết hợp chặt chẽ công tác phòng, chống tội phạm hình sự với phòng, chống tham nhũng, buôn lậu.

LÊ HOÀNG