![]() |
Ma túy lá cây KHAT gây nguy hiểm cho người sử dụng - Ảnh internet
Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự đã đề xuất bổ sung chất XLR-11 (được tẩm ướp trong cỏ Mỹ) và lá cây KHAT (có chứa chất ma túy Cathinone) vào cấu thành các tội phạm về ma túy (các Điều 248, 249, 250, 251, 252), đồng thời, bổ sung quy định mang tính bao quát là "loại cây khác có chứa chất ma túy thuộc Danh mục do Chính phủ ban hành" vào từng điều, khoản, điểm có liên quan để bao quát các trường hợp phạm tội, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống ma túy;
Đồng thời bổ sung quy định về việc xác định hàm lượng để quy ra khối lượng hoặc thể tích các chất ma túy làm cơ sở cho việc xử lý hình sự trong 5 trường hợp sau: (1) phạm tội ma túy thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 các điều từ Điều 248 đến Điều 252 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (tức là phạm tội ma túy đặc biệt nghiêm trọng mà BLHS quy định mức phạt có thể lên đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình); (2) chất ma túy ở thể rắn được hòa thành dung dịch; (3) chất ma túy ở thể lỏng đã được pha loãng; (4) xái thuốc phiện; (5) thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần.
Về vấn đề này, theo Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long hiện đang có 2 luồng ý kiến khác nhau.
Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, để góp phần đấu tranh chống tội phạm ma túy có hiệu quả thì cần bổ sung chất XLR-11 (được tẩm ướp trong cỏ Mỹ) và lá cây KHAT - một loại lá đã xuất hiện ở nước ta, đồng thời bổ sung quy định mang tính bao quát là “cây khác có chứa chất ma túy” để tạo điều kiện linh hoạt, thuận lợi trong việc xử lý tội phạm khi phát hiện một loại cây mới có chứa chất ma túy.
Theo loại ý kiến thứ hai thì trước mắt chỉ nên bổ sung những chất ma túy mà chúng ta đã biết rõ tên, nguồn gốc. Đó là chất XLR-11 (được tẩm ướp trong cỏ Mỹ) và lá cây KHAT. Còn những cây khác có chứa chất ma túy mà chúng ta chưa biết được thì chưa nên bổ sung vào Bộ luật Hình sự. Trên tinh thần đó, không nên có quy định mang tính bao quát "cây khác có chứa chất ma túy" trong các điều luật của Bộ luật Hình sự quy định các tội phạm về ma túy.
Chính phủ nhận thấy, việc sử dụng quy định mang tính dự báo liên quan đến chất ma túy và cây có chứa chất ma túy vào các điều khoản của Bộ luật Hình sự có ưu điểm là bảo đảm tính linh hoạt, kịp thời trong xử lý tội phạm ma túy nhưng có nhược điểm là không bảo đảm tính rõ ràng, minh bạch trong quy định cũng như tiềm ẩn nguy cơ lạm dụng, tùy tiện. Vì vậy, vấn đề sử dụng hay không sử dụng cũng như phạm vi sử dụng loại quy định này đến đâu cần được cân nhắc kỹ.
Qua rà soát thì thấy rằng, Bộ luật Hình sự năm 2015 cũng đã có sử dụng quy định mang tính dự báo "các chất ma túy khác" tại các điều quy định về các tội: sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy (từ Điều 248 đến Điều 252). Riêng quy định "loại cây khác có chứa chất ma túy" thì mới chỉ được sử dụng tại 1 điều luật (Điều 247) về tội trồng cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy mà chưa được sử dụng để quy định đối với các tội phạm khác về ma túy.
Trong bối cảnh tình hình tội phạm về ma túy diễn biến phức tạp với những thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt; các loại ma túy và cây có chứa chất ma túy xuất hiện ở nước ta ngày càng đa dạng. Nếu không có biện pháp đấu tranh, xử lý mạnh mẽ, linh hoạt, kịp thời đối với các hành vi tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép các chất ma túy hoặc các loại cây có chứa chất ma túy này thì sẽ hạn chế hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội ma túy.
Vì vậy, để góp phần tăng cường công tác phòng, chống ma túy trong tình hình mới, tạo thuận lợi và chủ động hơn trong đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy thì việc sử dụng quy định mang tính dự báo đối với các chất ma túy và cây có chứa chất ma túy là cần thiết nhưng phải quy định chặt chẽ để tránh tùy tiện trong áp dụng. Trên tinh thần đó, dự thảo Luật được thể hiện theo loại ý kiến thứ nhất theo hướng bổ sung quy định mang tính dự báo "loại cây khác có chứa chất ma túy thuộc Danh mục do Chính phủ ban hành" vào 15 điểm của 15 khoản thuộc 4 điều của Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về các tội: tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy (các điều từ Điều 249 đến Điều 252).
Danh mục các chất ma túy và tiền chất đã được Chính phủ ban hành từ năm 2001 trên cơ sở Luật Phòng, chống ma túy năm 2000. Danh mục các chất ma túy và tiền chất đã được cập nhật, bổ sung liên tục vào các năm 2003, 2007, 2011 và gần đây nhất là vào năm 2013, gồm có 45 chất ma túy thuộc Danh mục I; 121 chất ma túy thuộc Danh mục II; 69 chất hướng thần thuộc Danh mục III và 41 tiền chất thuộc Danh mục IV.Các Danh mục này sẽ được tiếp tục cập nhật, bổ sung những chất ma túy mới nhằm đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống ma túy.
▪ Bình Thuận: Ma túy không giảm, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm (17/10/2016)
▪ Trinh sát biên phòng kể chuyện phá án ma tuý: Khó nhưng không "bó tay" (13/10/2016)
▪ Đấu tranh với tội phạm ma túy phải dựa vào nhân dân (12/10/2016)
▪ Nữ Trung tá Công an chia sẻ kinh nghiệm quản lý địa bàn (11/10/2016)
▪ Phá đường dây dùng trẻ em giao ma túy cho con nghiện (10/10/2016)
▪ 5 cuộc đấu súng nảy lửa với 'tập đoàn' ma túy giữa đại ngàn (08/10/2016)
▪ Triệt xóa đường dây mại dâm núp danh nghĩa 'PG tiệc' (07/10/2016)
▪ Sẽ quy định cụ thể hành vi “Quấy rối tình dục tại nơi làm việc” trong Bộ luật Lao động (05/10/2016)
▪ Hỗ trợ pháp lý cho người dễ bị tổn thương: Nguyên nhân dẫn đến những rào cản (05/10/2016)
▪ Nâng cao năng lực giám định các chất hướng thần mới (04/10/2016)