Hỗ trợ pháp lý cho người dễ bị tổn thương: Nguyên nhân dẫn đến những rào cản
Báo Tiếng chuông - 05/10/2016
Mặc dù tình trạng phân biệt đối xử, kỳ thị đối với những người trong nhóm dễ bị tổn thương đang dần được cải thiện, tuy nhiên, ít, nhiều họ vẫn chịu sự phân biệt đối xử, kỳ thị của xã hội. Bên cạnh đó, chế độ chăm sóc sức khỏe, phúc lợi xã hội chưa được bảo đảm, đáng lưu ý, họ còn gặp rất nhiều những rào cản trong việc tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ pháp lý, giúp bảo vệ quyền lợi hợp pháp trước pháp luật.

Trao đổi với phóng viên Trang tin Tiếng Chuông về những nguyên nhân dẫn đến rào cản trong tiếp cận dịch vụ hỗ trợ pháp lý cho những đối tượng dễ bị tổn thương, LS. Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TPHCM cho biết, người dễ bị tổn thương trong hoạt động phòng, chống HIV/AIDS là một khái niệm rộng, không chỉ bao gồm những người dương tính với HIV mà còn cả những người bị ảnh hưởng bởi HIV (người thân của người bị nhiễm HIV), người sử dụng ma túy, người lao động tình dục (bán dâm), người quan hệ tình dục đồng tính (người có khả năng lây nhiễm HIV cao)…

 

LS. Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TPHCM

 

Theo LS. Nguyễn Văn Hậu, những rào cản trong hỗ trợ pháp lý cho nhóm người dễ bị tổn thương, xuất phát từ 2 nhóm nguyên nhân chính: Nguyên nhân chủ quan và nhóm nguyên nhân khách quan.

Nguyên nhân chủ quan

Rào cản liên quan đến trình độ phát triển của dịch vụ hỗ trợ pháp lý

Trong đó, chủ yếu là rào cản về quy định của Pháp luật hiện hành. Tại Điều 10 của Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006 hiện hành quy định về “Người được trợ giúp pháp lý” bao gồm: Người nghèo, người có công với cách mạng, người già cô đơn, người tàn tật và trẻ em không nơi nương tựa. Có thể thấy, pháp luật hiện hành chưa quy định những người dễ bị tổn thương trong hoạt động phòng, chống HIV/AIDS là đối tượng được hỗ trợ, trợ giúp pháp lý miễn phí. Như vậy, không có nghĩa khẳng định là những người dễ bị tổn thương không có khả năng để tự mình trang trải các chi phí dịch vụ pháp lý khi cần thiết, nhưng xét cho cùng họ vẫn là nhóm người chịu thiệt thòi trong xã hội về nhiều mặt.

Do đó, LS. Nguyễn Văn Hậu cho rằng, cần mở rộng phạm vi đối tượng được trợ giúp pháp lý theo hướng bổ sung, thêm những người dễ bị tổn thương trong hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, để vừa giúp họ có thể hưởng dịch vụ hỗ trợ pháp lý, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của họ, mặt khác còn thể hiện được tinh thần nhân đạo của Pháp luật luôn hướng tới việc bảo vệ những người chịu nhiều thiệt thòi, yếu thế trong xã hội.

Rào cản hệ thống cơ sở vật chất, phục vụ hoạt động hỗ trợ pháp lý

Hiện nay, tồn tại 2 hình thức cơ sở, cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý, bao gồm các trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước hoạt động vì mục đích phi lợi nhuận, cung cấp dịch vụ hỗ trợ pháp lý miễn phí cho nhóm đối tượng được Nhà nước quy định và các tổ chức trợ giúp khác ngoài khu vực Nhà nước (tổ chức hành nghề luật sư, các tổ chức tư vấn pháp luật khác), hoạt động tìm kiếm lợi nhuận, cung cấp dịch vụ pháp lý cho tất cả các cá nhân, tổ chức có nhu cầu. Như vậy, những người dễ bị tổn thương vì HIV/AIDS, nếu vừa thuộc diện các đối tượng được trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý 2006, thì có thể tìm đến Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước, các tổ chức pháp lý khác có đăng ký dịch vụ này để được trợ giúp miễn phí, nếu không thì họ cũng như những người dân bình thường khác, sẽ tìm đến những trung tâm, tổ chức cung cấp dịch vụ pháp lý để được hỗ trợ và phải trả phí.

Hơn nữa, những tổ chức, trung tâm này thường tập trung tại các thành phố, đô thị lớn khiến cho những nhóm người dễ bị tổn thương từ những địa phương khác khó có cơ hội tiếp cận. Như vậy, hiện nay ở Việt Nam chưa thành lập được những hệ thống trung tâm, tổ chức chính thức chuyên cung cấp dịch vụ pháp lý cho nhóm người dễ bị tổn thương trong hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Theo LS. Nguyễn Văn Hậu, đây là nhóm đối tượng đặc biệt, cần được sự quan tâm trong xã hội, nên cần thiết phải có một hệ thống các trung tâm, tổ chức pháp lý chuyên biệt để phục vụ riêng cho những người này.                                          

Rào cản về cách thức thực hiện hoạt động hỗ trợ pháp lý

Cách thức thực hiện hoạt động hỗ trợ pháp lý hiện nay gồm có: Tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng, các hình thức trợ giúp pháp lý khác.

Mặc dù, trong trong trường hợp cần thiết, nhóm người dễ bị tổn thương sẽ được cung cấp hình thức trợ giúp phù hợp. Nhưng như đã phân tích, đây là nhóm đối tượng đặc biệt và nhạy cảm nên nếu để xảy ra bất kì những thiếu sót, hạn chế nào trong quá trình cung cấp dịch vụ pháp lý, đều có khả năng làm tổn thương, ảnh hưởng đến quyền lợi ích hợp pháp và khả năng sống hòa nhập với cộng đồng của họ.

Đối với những người dễ bị tổn thương, điều mà họ sợ nhất là sợ lộ danh tính cá nhân, bệnh tật, nghề nghiệp… Nên trong quá trình thực hiện các hình thức hỗ trợ pháp lý, các tổ chức, trung tâm, người trợ giúp pháp lý nếu không bảo mật được thông tin cá nhân của nhóm người này thì sẽ gây ra hậu quả lớn, ảnh hưởng triếp đến họ.

Bên cạnh đó, việc thực hiện hoạt động hỗ trợ pháp lý còn thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan, tổ chức trung tâm có liên quan (cơ sở y tế, trại cai nghiện, trường giáo dưỡng, tổ chức hỗ trợ pháp lý, cơ quan điều tra…). Một hình thức hỗ trợ pháp lý khá hay, hiệu quả và mang tính bảo mật cao như dịch vụ hỗ trợ pháp lý miễn phí qua điện thoại thì còn hạn chế. Theo như tìm hiểu thì hiện nay chỉ có Trung tâm Tư vấn Pháp luật và Chính sách về y tế, HIV/AIDS của Hội Luật gia là cung cấp dịch vụ hỗ trợ pháp lý miễn phí qua điện thoại và đã nhận được rất nhiều cuộc gọi xin trợ giúp từ phía nhóm đối tượng này. Tuy nhiên, vì nhu cầu được trợ giúp ngày càng nhiều khiến cho những cuộc gọi trở nên quá tải và ảnh hưởng đến chất lượng của việc cung cấp các dịch vụ này.

Nguyên nhân chủ quan

Xuất phát từ bản thân những người thuộc nhóm dễ bị tổn thương

Đó là rào cản từ chính tâm lý của nhóm người dễ bị tổn thưởng. Những người này thường có xu hướng tâm lý mặc cảm, ái ngại và sống co cụm. Họ rất sợ bị công khai danh tính, bệnh tật, nghề nghiệp. Hơn nữa, một bộ phận lớn những người dễ bị tổn thương không nắm rõ các quy định của pháp luật về Luật Phòng, chống HIV/AIDS, nên không ý thức được quyền lợi chính đáng của mình được Nhà nước bảo vệ.

Bên cạnh đó, do thiếu kiến thức y khoa về căn bệnh này (cách phòng, chống lây nhiễm, cách sống chung với HIV, cách điều trị kéo dài tuổi thọ…) nên họ không biết đến những quy định của Luật Phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người.

Có rất nhiều trường hợp những người dễ bị tổn thương có nhu cầu tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, bao gồm: Lao động việc làm, hôn nhân và gia đình, giáo dục đào tạo, bảo trợ xã hội, chăm sóc điều trị, bảo mật thông tin, dân sự hành chính, hình sự… quyền lợi bị xâm phạm nhưng họ không biết cách bảo vệ mình và không biết đến quyền lợi của mình được. Họ ngại phải đến các trung tâm, tổ chức hỗ trợ pháp lý để tư vấn, đặc biệt là những nơi thuộc phạm vi Nhà nước, nên đành im lặng và chịu đựng vì sợ lộ danh tính của mình, sợ sự xa lánh phân biệt, đối xử.

Rào cản xuất phát từ những người làm công tác hỗ trợ dịch vụ pháp lý

Theo LS. Nguyễn Văn Hậu, đội ngũ hỗ trợ pháp lý hiện nay là các trợ giúp viên pháp lý, các Luật sư, Luật gia, nhân viên tư vấn Pháp luật, cộng tác viên trợ giúp pháp lý… Những người này mặc dù đa phần có kiến thức, hiểu biết pháp luật nhưng vẫn còn chưa được thuần thục về kĩ năng, thái độ khi tham gia cung cấp các dịch vụ pháp lý cho những đối tượng đặc biệt. Họ vẫn còn có tâm lý e dè, lo ngại khi tiếp xúc với những người nhiễm HIV, người lao động tình dục, người có nguy cơ lây nhiễm HIV... Một số trường hợp những người trợ giúp pháp lý có thái độ thiếu công tâm, và đôi khi phân biệt đối xử khi gặp nhóm đối tượng dễ bị tổn thương này.

Những hạn chế xuất phát từ đội ngũ những người hỗ trợ pháp lý là trở ngại chủ quan thứ 2, ngăn cản những người bị tổn thương tiếp cận được quyền chính đáng của mình. Nếu một người nhiễm HIV lần đầu đến trung tâm hỗ trợ pháp lý, thành thật thổ lộ bản thân nhiễm HIV và nhận được thái độ e dè lo ngại của người hỗ trợ dành cho mình, liệu họ có cảm thấy được thông cảm, mà thoải mái bày tỏ vấn đề của mình? Trong trường hợp này, đa số những người dễ bị tổn thương thường “một đi không trở lại” nơi hỗ trợ pháp lý, vì họ cảm thấy không được tôn trọng, thiếu sự tin tưởng và lo sợ lại gặp phải ánh mắt kỳ thị, phân biệt của mọi người.

Cần phối hợp thống nhất, toàn diện

Để hướng tới xây dựng những kế hoạch hoạt động thí điểm trợ giúp pháp lý thành công, đạt được hiệu quả thiết thực, LS. Nguyễn Văn Hậu cho rằng, cần đưa ra những giải pháp phù hợp để khắc phục những nguyên nhân rào cản chủ yếu trên và phải có sự phối hợp hoạt động giữa các cơ quan ban, ngành có lên quan một cách thống nhất, toàn diện.

Bên cạnh đó, cần thiết phải xây dựng, bổ sung, ban hành những chế định pháp luật riêng cho nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, để hướng tới việc “Luật hóa” những quyền lợi chính đáng của họ. Cần mở rộng phạm vi đối tượng người được hưởng dịch hỗ trợ pháp lý miễn phí trong Luật Trợ giúp pháp lý sửa đổi sắp tới, bao gồm cả nhóm đối tượng dễ bị tổn thương trong phòng, chống HIV/AIDS.

Nên quy định cụ thể, những người dễ bị tổn thương là những nhóm đối tượng nào? Bổ sung thêm quy định về việc bảo đảm tính bảo mật thông tin trong quá trình cung cấp dịch vụ hỗ trợ pháp lý cho họ. Đồng thời, cần quy định về cách thức thành lập, tổ chức, hoạt động chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của tổ chức, trung tâm cung cấp dịch vụ pháp lý và người trực tiếp hỗ trợ cho họ.

Quy định về hình thức xử lý nếu những trung tâm, tổ chức và cá nhân làm lộ bí mật cá nhân của người được hỗ trợ, hoặc có hành vi, thái độ không thực hiện đúng nhiệm vụ của mình, phân biệt đối xử, kỳ thị nhóm dễ bị tổn thương trong phòng, chống HIV/AIDS.

Bên cạnh đó, Nhà nước cần tiến hành xem xét đến những phương án xây dựng pháp luật liên quan đến những vấn đề mang tính chất vĩ mô và thời sự hơn như: Có nên ban hành quy định về hợp pháp hóa hoạt động mại dâm hay không? Quy định về tập trung người nghiện… để có thể ban hành ra những quy định pháp luật phù hợp và đem lại hiệu quả thực tiễn cao nhất.

Ngoài ra, cần thiết phải có những trung tâm, tổ chức chuyên trách thuộc Nhà nước, cũng như ngoài phạm vi Nhà nước để chuyên làm công tác hỗ trợ pháp lý cho nhóm đối tượng này. Những tổ chức trung tâm này phải có trụ sở phân bố khắp các tỉnh thành trên cả nước, có tổng đài tư vấn riêng.

Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ kinh phí hoặc khuyến khích các tổ chức cá nhân khác ủng hộ kinh phí cho các tổ chức trung tâm hỗ trợ pháp lý, chi trả mức lương phù hợp cho nhưng người thực hiện hoạt động trợ giúp pháp lý; cần xây dựng ban hành một quy chuẩn công việc hoạt động chung trong việc phổ biến, hỗ trợ pháp luật cho nhóm đối tượng đặc thù và trên cơ sở đó, những tổ chức, trung tâm hỗ trợ pháp lý ở các địa phương khác nhau sẽ tự mình xây dựng phương án công việc riêng phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.

Cần có sự chủ động trong công tác hỗ trợ pháp lý, thay vì chờ những người dễ bị tổn thương này tìm đến sự hỗ trợ pháp lý, các tổ chức trung tâm cần triển khai cho nhân viên của mình trực tiếp tìm đến các cơ sở y tế, trại cai nghiện, các địa phương có nhiều người nghiện, người nhiễm HIV để trực tiếp phổ biến những quy định của pháp luật về quyền lợi và nghĩa vụ của nhóm người này, để nâng cao hiểu biết pháp luật cho họ, giải tỏa tâm lý e ngại, lo sợ, tự ti.

Cung cấp dịch vụ hỗ trợ pháp lý cần thiết, tìm hiểu những vướng mắc pháp lý của họ để có cách hỗ trợ phù hợp, hướng dẫn họ cách thức để tìm đến việc hỗ trợ pháp lý, và để tạo ra hiệu quả trong hoạt động này cần có sự phối hợp, hỗ trợ của tất cả các tổ chức, cơ quan có liên quan.

Bên cạnh đó, cần nâng cao vai trò của Hội Luật gia 63 tỉnh, thành phố trong hoạt động tư vấn và trợ giúp pháp lý cho người nhiễm HIV và những người bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS tại địa phương.

Hội Luật gia cần phối hợp với chính quyền địa phương, tổ chức y tế và các cơ quan tổ chức khác để tuyên truyền, phổ biến những quy định của pháp luật về tội phạm ma túy, tội cố ý lây truyền HIV cho người khác…, được quy định tại Bộ luật Hình sự 1999. Những quy định về quyền và nghĩa vụ của người nhiễm HIV, những cách thức phòng, chống HIV theo quy định tại Luật Phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) 2006.

Cụ thể, cần tổ chức các buổi tuyên truyền tại các địa phương nơi sinh sống của người nhiễm HIV, người nghiện hút, người hoạt động mại dâm…, bằng các hình thức trực quan, sinh động như diễn kịch, tổ chức các phần thi kiến thức về phòng chống ma túy, phòng và chữa HIV, trao giải thưởng cho các cá nhân, tổ chức đạt giải, kết hợp với việc mời những Luật sư, Luật gia để phổ biến những quy định của pháp luật nói trên; các bác sĩ, chuyên gia y tế để họ hướng dẫn cách thức phòng chống lây nhiễm HIV, phương thức điều trị để có thể chung sống với HIV và kéo dài tuổi thọ, phòng chống HIV lây truyền từ mẹ sang con…

Những chương trình này cũng có thể mời những “người trong cuộc” như người nhiễm HIV, những người nghiện ma túy (nếu được sự đồng ý của họ) để họ chia sẻ về câu chuyện của bản thân mình, cách họ vượt qua khủng hoảng, chiến đấu với bệnh tật và cai nghiện. Những cách thức tuyên truyền trên sẽ mang lại tác động tích cực đến ý thức, tâm lý của nhóm người dễ bị thương, giúp họ có được động lực để tiếp tục sống khỏe, sống vui vẻ và lạc quan.

Đối với đội ngũ làm công tác hỗ trợ pháp lý, bên cạnh yêu cầu về kiến thức chuyên môn, cần thiết phải được đào tạo một cách toàn diện kĩ năng, thái độ, đạo đức khi làm việc với nhóm đối tượng đặc biệt này. Là những người trực tiếp hỗ trợ cho nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, người trợ giúp pháp lý phải có năng lực chuyên môn, sự khéo léo, ý nhị trong cách tiếp cận, khai thác thông tin, tư vấn để tháo gỡ được những vướng mắc pháp lý từ người cần tư vấn, đồng thời tránh những nguy cơ làm tổn thương đến nhóm người dễ bị tổn thương.