258 người tham gia góp vốn tại dự án Khu nhà ở CB-CNV Trường Cao đẳng sân khấu điện ảnh TP.HCM như đang “ngồi trên lửa” khi biết dù đã trễ hạn gần 4 năm, dự án họ mua vẫn là… bãi đất trống, tiền nộp vào cũng không biết Ban quản lý sử dụng vào mục đích gì? Càng hoang mang hơn, khi họ lại nghe tiếp “hung tin” dự án có khả năng bị thu hồi. Ngay lập tức đại diện hàng trăm người góp vốn vào dự án nhà ở CB-CNV Trường Cao đẳng Sân khấu điện ảnh TP.HCM (CĐSK-ĐA) đã họp lại nhằm “thống nhất kế hoạch thực hiện đòi quyền giao đất”. Tiền thu đủ nhưng đất thì “dài cổ”…chờ! Theo ông Phạm Thế Hiển, một thành viên của Ban đại diện những người góp vốn: dự án Khu nhà ở CN-CNV Trường CĐSK-ĐA tiến hành huy động vốn từ 6/2003, dự kiến sẽ kết thúc vào tháng 12/2004 khi người mua nhận thông báo nhận nền nhà và giấy CNQSDĐ.
Đến tháng 9/2004, mặc dù người mua đã góp đến 90%, thậm chí 100% giá trị nền đất với tổng giá trị lên tới trên 47,5 tỷ đồng, nhưng tới nay, dù đã trễ hạn gần 4 năm, người mua vẫn chưa thấy “hình hài” phần đất của mình ở đâu ngoài lời hứa suông từ chủ đầu tư là Trường CĐSK-ĐA ? Tháng 6/2003, cũng như hàng trăm hộ dân khác ông Lương Viết Kiên, ngụ tại phường 26, quận Bình Thạnh ký hợp đồng góp vốn vào dự án xây dựng khu nhà ở CB-CNV với đại diện trường CĐSK-ĐA là Hiệu trưởng Hà Quang Văn. Theo hợp đồng, ông Kiên mua một nền nhà liền kế diện tích 150 m2 với giá 825.000 đồng/m2 (tổng số tiền là hơn 123 triệu đồng). Mặc dù đã đóng 100% số tiền theo tiến độ (hạn cuối là tháng 12/2004), nhưng đến nay ông Kiên vẫn không biết khu đất của mình ở đâu, lên hỏi trường chỉ được trả lời quanh co, gần 4 năm “bặt vô âm tín”, số tiền “đầu tư” vào dự án không biết đi đâu, về đâu ? Bà Nguyễn Kim Dung, ngụ quận 3 - TP.HCM cũng chung cảnh ngộ, số tiền đã đóng 100%, nhưng nền đất thì vẫn còn “trên giấy”. Bà Dung bức xúc: “Dù không phải là cán bộ của trường, nhưng thấy giá đất “mềm” nên chúng tôi tham gia góp vốn ngay từ đầu. Thậm chí phải đi mượn nợ, vay ngân hàng để đóng cho kịp… Ai cũng tin tưởng vì chủ dự án là hiệu trưởng một trường có uy tín, ai dè rơi vào tình cảnh này...” Theo kết quả thanh tra, đến tháng 8/2004, Trường CĐSK-ĐA đã nhận tiền góp vốn của 258 người (mua 323 nền), trong đó, chỉ có 23 người (mua 38 nền) là CB-CNV của trường, 235 người còn lại là dân bên ngoài. Đến tháng 7/2007, Trường CĐSK-ĐA đã thu tổng cộng 47,5 tỉ đồng, trong đó huy động vốn hơn 45,7 tỉ đồng. Có dấu hiệu đánh tráo dự án? Trong buổi gặp những người góp vốn trong dự án, ông Hà Quang Văn – Nguyên hiệu trưởng Trường CĐSK-ĐA (người ký hợp đồng kinh tế với những người góp vốn) giải thích không rõ ràng về việc sử dụng tiền góp vốn mà tập trung “phân trần” về nguyên nhân dự án bị chậm trễ gần 4 năm qua.
Theo ông Văn, năm 2004, sau khi nhà trường mua được đất đã làm văn bản gửi Sở TN-MT đề nghị được “giao đất” vì theo quy định mua được 80% đất của dân thì có quyền giao đất. Tuy nhiên, sau đó lại có nghị định mới ra đời tăng tỷ lệ này lên 90%. Nhà trường làm văn bản lên Sở quy hoạch-Kiến trúc để xin thiết kế lại, tháng 6/2005 Sở mời lên thông báo: dự án muốn thực hiện được phải có 40% nhà cao tầng, có trường học, nhà trẻ... Trong khi đó, dự án góp vốn không có nhà cao tầng, nhà trường xin giảm 10% nhưng không được, vì vậy mới phát sinh việc mua thêm đất…
“Đến nay nhà trường không có ý định trả lại tiền cho người góp vốn. Trường đã có văn bản gửi Chủ tịch UBND.TP đề nghị tiếp tục dự án…Tôi hứa sẽ giao toàn bộ đất nền cho người góp vốn đúng như hợp đồng đã ký” – ông Văn nói. Còn trả lời về việc nhà trường cố tình “cù nhầy, lạm dụng vốn” của người dân, ông Văn cho biết: “Tôi có những văn bản pháp luật, giấy tờ chứng minh không có chuyện này…” (nhưng thực tế không thấy ông Văn mang theo giấy tờ để chứng minh). Về dấu hiệu “tham nhũng” dự án, ông Hà Quang Văn cho rằng, “hiện tượng tham nhũng trong dự án là đúng, nhưng không phải do tôi”. Thế nhưng kết luận thanh tra, chủ dự án đã tư lợi khi đã chi sai nguyên tắc, không đúng mục đích số tiền hơn 9,5 tỉ đồng. Điển hình, qua xác minh 3 hợp đồng thi công với một số doanh nghiệp, cơ quan cho thấy ông Hà Quang Văn đã có hành vi sử dụng chứng từ hồ sơ giả mạo để thanh toán số tiền 1,5 tỉ đồng. Chưa hết, những người góp vốn còn phát hiện có dấu hiệu đánh tráo dự án, bởi đất của dự án (6,5 ha) đã được lãnh đạo Trường CĐSK-ĐA mua vào năm 2003 và 2004. Năm 2007 nhà trường mua tiếp 8 ha đất cũng trên địa bàn quận 9 với giá 1 triệu đồng/m2 cao hơn giá mua năm 2003 và nằm ở vị trí heo hút, xa xôi hơn. Chính vì thế nhà trường đã “đánh tráo” khu đất này cho dự án của những người góp vốn, vì giá mua thì cao hơn và vị trí heo hút hơn nên giá trị thấp hơn phần đất đã mua mấy năm trước nhằm thu lợi cá nhân (?) “Việc này cơ quan thanh tra, báo chí chưa biết, đề nghị cần được làm rõ” – đại diện những người góp vốn - ông Phạm Thế Hiển nói. Theo Thái Thiện |
▪ Người có HIV nên công khai danh tính khi cần sự hỗ trợ (18/08/2008)
▪ Bị cướp xe Wave khi đang tâm sự (07/10/2008)
▪ Bé 13 tuổi gạ làm người lớn với dượng rể (07/10/2008)
▪ Gây tai nạn chết người vì cái nhìn 'đểu' (07/10/2008)
▪ Lình xình lớp đào tạo báo chí ở "Hãng tin Vĩ An" (07/10/2008)
▪ Một học sinh lớp 9 bị quây đánh đến chết (06/10/2008)
▪ Tiệm vàng vẫn thờ ơ với bọn cướp (06/10/2008)
▪ Một chủ quán bar bị đâm chết tại chỗ (06/10/2008)
▪ Sẽ kỷ luật hộ lý “ném” bệnh nhân ra đường (06/10/2008)
▪ Đề nghị truy tố 2 đối tượng lừa tiền qua mạng Colony (06/10/2008)