Báo động vi phạm sở hữu công nghiệp trong kinh doanh gas
Các Website khác - 04/01/2006
Đại diện Công ty Saigon Petro
đang nhận diện bình gas của
mình trong hàng ngàn bình gas
bị Sungas chiếm dụng và thay
đổi nhãn mác.
Lấy vỏ bình gas hãng khác “biến hóa” thành vỏ bình của mình, kinh doanh bất chấp nguy cơ cháy nổ; sử dụng cả tem giả, giả thương hiệu của các hãng gas để lưu hành… Đó là vi phạm gian lận thương mại nghiêm trọng của công ty Miền Đông (Lâm Đồng).

Lại biến của người thành của ta

Tháng 10-2005, Công an huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng phát hiện và lập biên bản Công ty TNHH Miền Đông (trụ sở số 3 Chi Lăng, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, có cơ sở chiết nạp gas tại K’Long, Hiệp An, Đức Trọng, Lâm Đồng) về hành vi gian lận thương mại trong lĩnh vực kinh doanh gas.

Tại hiện trường, các cơ quan chức năng thu giữ được 354 vỏ bình chưa nạp gas; 359 bình gas mang thương hiệu của nhiều hãng gas khác nhau có gắn niêm bình gas giả, tem giả của các hãng, đã được chiết nạp chuẩn bị đưa đi tiêu thụ.

Song có một con số đáng ngại hơn, đó là phát hiện hàng trăm van đầu bình bị mài mất tên thương hiệu của các hãng và 397 tay quai bình gas - đã được công ty này cắt từ những bình gas của 20 thương hiệu gas khác nhau, sau đó, mài nhãn hiệu trên thân vỏ bình, tháo van, đốt lớp sơn gốc, tẩy đục chữ, rồi sơn lại logo nhãn hiệu Sun Gas của Công ty TNHH Miền Đông – một cách “biến hóa” vỏ bình gas thuộc quyền sở hữu của hãng khác thành… vỏ bình gas của mình.

Sự việc ngay lập tức được điều tra, và ngày 24-11-2005, Công an huyện Đức Trọng đã ra quyết định khởi tố vụ án. Vậy nhưng, hơn 1 tháng sau, tiến trình xử lý vụ vi phạm dường như “án binh bất động”.

Từ gian lận thương mại đến... những quả bom nổ chậm nguy hiểm

Trả lời thắc mắc của các công ty gas bị hại, Trung tá Nguyễn Phú Chuyển - Phó trưởng CA huyện Đức Trọng cho biết: Cơ quan điều tra Công an huyện Đức Trọng đã chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm sát Nhân dân huyện Đức Trọng để được phê chuẩn khởi tố vụ án và bị can, nhưng Viện KS đã có văn bản trả lời không chấp nhận khởi tố bị can. Lý do, theo Viện KS, vụ việc chưa đến mức nghiêm trọng, chưa đủ căn cứ để khởi tố bị can.

Cũng theo ông Chuyển, việc không có quyết định phê chuẩn của Viện KS sẽ rất khó khăn cho công tác điều tra như: không thể triệu tập bị can, không thể triệu tập nhân chứng và các nhân viên ở Công ty Miền Đông để thu thập thông tin.

Phải nói thêm rằng, trong hàng loạt các vụ vi phạm tương tự tại TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương gần đây, vụ vi phạm sở hữu công nghiệp và gian lận thương mại về kinh doanh gas tại huyện Đức Trọng này là vụ vi phạm nghiêm trọng nhất, có số lượng vỏ bình gas bị chiếm dụng lớn nhất. Tình hình còn đáng báo động ở chỗ, con số 397 tay quai bình gas thu giữ được tại hiện trường cho thấy đã có 397 bình gas đang lưu hành trên thị trường ở mức báo động đỏ về an toàn.

Lý do là các hãng gas hiện nay đều sử dụng phương thức đúc nổi logo và thương hiệu công ty lên tay xách và thân bình. Để xóa “dấu vết” này, Công ty TNHH Miền Đông dùng cách cắt tay xách và mài mỏng thân bình, sau đó sơn lại tên công ty mình. Cách làm này vô tình đã làm mỏng độ dày tiêu chuẩn của vỏ bình gas, khi nạp gas vào, áp lực lên vỏ bình quá mỏng sẽ là nguyên nhân cháy nổ khó lường trước. Đó là chưa kể, số vỏ bình gas khi nhập vào Việt Nam lưu hành đều được kiểm định chặt chẽ và quản lý bằng số xêri.

Mỗi 5 năm sử dụng, các công ty phải tái kiểm định lại độ an toàn của vỏ bình tại các cơ quan kiểm định an toàn mới được cấp phép lưu hành tiếp. Để hợp thức hóa của người thành của ta, các công ty gian lận phải xóa luôn số xêri này để không còn dấu vết của chủ sở hữu, như vậy, khi lưu hành trên thị trường, không còn căn cứ nào để kiểm tra độ an toàn khi đến hạn. Nói cách khác, đây sẽ là 397 quả bom nổ chậm, mà người tiêu dùng phải lãnh đủ.

Tám công ty gas tại TP Hồ Chí Minh cũng là những “nạn nhân” bị chiếm dụng vỏ bình nhiều nhất, như: Elf Gas Saigon, Petrolimex Gas, Petro Việt Nam gas, Saigon Petro, VT Gas, Shell Gas, BP Petco, Gia Đình Gas… đã đồng loạt ký đơn gửi Chính phủ, các bộ, ngành. Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP) cũng vào cuộc bằng hàng loạt các công văn, đơn kiến nghị.

Chính phủ cũng đã có văn bản chỉ thị về “Chấn chỉnh hoạt động kinh doanh gas” (ban hành ngày 25-7-2005), quy định rõ việc xử lý nghiêm hành vi mua bán, chiếm giữ bình gas trái phép. Nhưng vì sao trước nguy cơ nghiêm trọng như vậy, các cơ quan chức năng huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng vẫn kéo dài thời gian xử lý?

Theo Sài Gòn giải phóng