Chiều 3-1, đại tá Phạm Hùng Chiến, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ Bộ Công an, cho biết sau hơn bốn tháng điều tra, cơ quan này đang chuẩn bị sơ kết giai đoạn 1 vụ án cố ý làm trái tại Công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh.
Cơ quan điều tra cũng đã ra quyết định gia hạn tạm giam (lần 1) thêm 4 tháng đối với các bị can: Lê Văn Hoành - nguyên phó giám đốc Công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh, Lê Văn Tinh - trưởng phòng vật tư, Huỳnh Ngọc Thành - phó phòng kinh doanh, Nguyễn Văn Hiệp - trưởng phòng kỹ thuật, Lê Ngô Hữu Thiện Tâm - nguyên trưởng phòng hợp tác quốc tế, Thiều Túc - phó giám đốc Trung tâm thí nghiệm điện và Trần Công Điền - phó tổng giám đốc Công ty Linkton Vina (nguyên phó giám đốc Công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh).
Sắp tới, cơ quan điều tra Bộ Công an sẽ cử điều tra viên sang Hồng Công, Trung Quốc và Singapore để xác minh làm rõ một số vấn đề liên quan đến vụ án.
Theo cơ quan điều tra, các bị can nguyên là cán bộ Công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh đều thừa nhận hành vi “cố ý làm trái”, tuy nhiên khi đề cập đến việc chia chác, hưởng lợi thì hầu hết đều phủ nhận. Đặc biệt, hai bị can đầu vụ là Lê Minh Hoàng và Lê Văn Hoành một mực cho rằng việc ký các hợp đồng mua bán điện kế điện tử (ĐKĐT) là do “sơ suất trong việc kiểm tra, để cấp dưới qua mặt chứ không có lợi lộc gì trong đó”.
Các bị can nguyên là cán bộ của liên doanh Linkton Vina và Công ty Quang Trung cũng thừa nhận hành vi của mình trong việc sản xuất và buôn bán ĐKĐT dỏm cho Công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh. Theo nguồn tin riêng của chúng tôi, đã có một số lời khai của nhóm bị can sản xuất, buôn bán hàng giả cho rằng đã “chia phần trăm” cho một số cán bộ chủ chốt của Công ty Điện lực TP trên giá trị mỗi hợp đồng bán ĐKĐT.
Theo kết quả điều tra ban đầu, đã có một kế hoạch chi tiết giữa các nhân vật chủ chốt của ba bên: Công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh (Hoàng, Hoành, Tâm, Hiệp, Túc, Thành, Tinh...), Linkton Singapore (về sau là Linkton Vina) và Công ty Quang Trung. Trần Công Điền khai rõ về thời gian, địa điểm gặp gỡ, nội dung bàn bạc và đi đến thống nhất phương án thành lập liên doanh Linkton Vina để làm ăn với Công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh.
Sau đó, Đàm Quốc Trung, Trần Công Điền chủ động bàn bạc với Lê Văn Hoành thuê Công ty V (chuyên tư vấn, thiết kế mô hình quản lý kinh doanh của doanh nghiệp) tư vấn, xây dựng hệ thống quản lý, sản xuất, kinh doanh cho Linkton Vina. Sau khi Linkton Vina được thành lập, các thành viên trong hội đồng quản trị, ban giám đốc, phòng kế toán, kinh doanh đã tổ chức nhiều cuộc họp bàn chi tiết về chủ trương sản xuất ĐKĐT.
Tiếp đó, Linkton Singapore có một thỏa thuận hợp đồng với Linkton Vina (ngày 15-2-2004) về việc Linkton Singapore ký hợp đồng mua bán với Công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh, còn Linkton Vina chỉ thực hiện việc sản xuất, lắp ráp gia công ĐKĐT và giao hàng tại kho của Công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh.
Trong báo cáo đánh giá về mặt kỹ thuật, bị can Thiều Túc - phó giám đốc Trung tâm thí nghiệm điện - cho biết nhà thầu Linkton “chào điện kế hiệu LTE-66 220 VAC-10 (40)A của Công ty Linkton Vina”, nhưng trong bản đánh giá về mặt kỹ thuật hồ sơ chào thầu thì tổ trưởng Lê Văn Hoành cùng các bị can khác là chuyên viên kỹ thuật lại ghi sai sự thật là “nhà thầu chào mẫu của Hãng Linkton sản xuất tại Singapore”.
Thực tế, các bị can đã biết rất rõ nhà thầu Linkton không đủ tiêu chuẩn tham gia dự thầu, như giấy phép kinh doanh không ghi ngành nghề kinh doanh (thực chất chỉ là nhà buôn... gạch ở Singapore) nhưng đã cố tình tạo dựng lên để thực hiện ý đồ riêng. Sau khi Linkton Singapore (về sau là Linkton Vina) trúng thầu, các đối tượng bắt đầu móc nối với nhau nhập linh kiện chính của ĐKĐT từ Trung Quốc về lắp ráp tại 43E-F Hồ Văn Huê, quận Phú Nhuận, riêng phụ kiện thì được các “công ty gia đình” của Lê Văn Hoành và một số cán bộ Công ty Điện lực khác đảm nhiệm cung ứng.
Cơ quan điều tra cũng đã làm rõ những hành vi cố ý làm trái trong việc nâng giá ĐKĐT. Cụ thể, Tổng công ty Điện lực Việt Nam (EVN) duyệt cho Công ty Điện lực 340.000 đồng/chiếc ĐKĐT trong gói thầu 40.000 ĐKĐT, nhưng Lê Ngô Hữu Thiện Tâm lại đề xuất “chẻ” làm nhiều lô hàng, với đơn giá 580.000 đồng/ ĐKĐT. Tính chung, Công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh đã ký 14 hợp đồng (13 hợp đồng không qua đấu thầu) với Linkton Singapore cung cấp 312.000 chiếc ĐKĐT, nhưng thực tế toàn bộ số lượng này đều được Công ty Linkton Vina nhập linh kiện về và lắp ráp tại Việt Nam.
Vấn đề mà cơ quan điều tra còn tiếp tục làm rõ là số tiền chênh lệch từ việc nâng khống đơn giá điện kế thực chất đã “chảy vào túi” ai?
|