Thủ đoạn làm giả rất tinh vi: dùng đăng ký và bảo hiểm xe ô-tô thật đưa vào máy in mầu, tẩy xóa chỉnh sửa các nội dung để in ra các đăng ký xe ô-tô và giấy chứng nhận bảo hiểm xe ô-tô giả có mầu sắc và phông chữ gần giống như thật.
Khoảng tháng 6 năm 2003, Nguyễn Thành Công, Giám đốc Công ty cổ phần xây dựng Việt Bắc và Nguyễn Kinh Thành, Giám đốc Công ty cổ phần thi công và xây dựng cơ giới số 4, đều ở tại xã Hà Thạch, thị xã Phú Thọ ra Hà Nội bàn nhau làm đăng kýxe ô-tô giả để vay tiền ngân hàng. Tại cửa hiệu "phô-tô, in mầu" ở 26B Bà Triệu, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Công đưa cho Nguyễn Ngọc Hiếu là nhân viên cửa hiệu một đăng ký xe ô-tô thật biển kiểm soát (BKS) 19L- 3713 mang tên Nguyễn Thành Công làm mẫu để Hiếu đưa vào máy Scan (máy quét ảnh), quét hai lần và in ra mặt trước và sau đăng ký này trên cùng một mặt giấy A4. Thấy bản phô-tô mầu in ra giống đăng ký thật, Công tiếp tục đưa cho Hiếu một đăng ký xe ô-tô BKS 29M- 8383, tên chủ xe là Nguyễn Ngọc Oánh để Hiếu quét ảnh và sửa tên chủ xe thành Nguyễn Kinh Thành trên máy vi tính rồi chỉnh sửa mầu cho giống thật, các nội dung khác vẫn giữ nguyên. Khi chế in xong đăng ký xe giả, Hiếu được trả 50.000 đồng tiền công.
Vì in ra hai mặt của đăng ký tách rời, cho nên Công và Thành đã đến một cửa hàng ép plastic để ép thành đăng ký xe ô-tô giả hoàn chỉnh. Sau lần này, Công đã năm lần cùng Thành và hai anh em Trần Văn Định, Giám đốc Công ty cổ phần xây dựng và PTNT Vĩnh Phú; Trần Đăng Quyết, Giám đốc Công ty cổ phần xây dựng và thương mại Thượng Hải liên hệ với Hiếu để làm giả đăng ký xe ô-tô và giấy chứng nhận bảo hiểm xe ô-tô giả. Vẫn thủ đoạn như trước là quét và chỉnh sửa các nội dung theo yêu cầu, Hiếu đã làm trót lọt 18 giấy đăng ký xe ô-tô giả và 19 giấy chứng nhận bảo hiểm xe ô-tô giả để lấy tiền công là 1,4 triệu đồng.
Thông qua Trần Công Tâm là người cùng làng đang buôn bán tại Hà Nội, khoảng tháng 5-2004, Công và Định đã làm quen được với Quán Minh Đức, ở 781 Bạch Đằng, phường Bạch Đằng (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Sau khi làm phụ xe tải, Đức vào làm nhân viên hiệu ảnh Mặt Trời, tại đường Kim Mã, Hà Nội. Công đặt vấn đề nhờ Đức phô-tô mầu, chỉnh sửa in cho một số đăng ký xe ô-tô, trong đó đổi tên, biển số và thay địa chỉ của chủ xe... theo nội dung yêu cầu được ghi sẵn ra giấy. Sở dĩ, Công và Định phải nhờ Đức bởi sợ Hiếu không làm giả ngay được tám giấy bảo hiểm xe ô-tô và hai đăng ký xe giả. Tuy nhiên, Hiếu đã làm xong và giao cho Định toàn bộ số giấy tờ giả nói trên. Còn Đức, sau khi nhận lời Công đã chế được mười đăng ký xe ô-tô giả và được nhận 300.000 đồng tiền thù lao.
Sau khi có được giấy đăng ký xe ô-tô giả và bảo hiểm xe ô-tô giả, Trần Văn Định, Trần Đăng Quyết, Nguyễn Thành Công, Nguyễn Kinh Thành đã dùng 23 đăng ký và 12 giấy bảo hiểm xe ô-tô thế chấp vào Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Xuân Lũng, Phòng giao dịch Hùng Sơn thuộc Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Thao; Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xã Phú Hộ thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thị xã Phú Thọ và Phòng giao dịch Hùng Vương thuộc Ngân hàng Công thương thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ để vay gần 3,5 tỷ đồng. Do không phát hiện được số giấy tờ trên là giả, cho nên ngân hàng đã đồng ý xét cho vay và hiện nay các đối tượng đã thanh toán trả hết nợ ngân hàng.
Cũng với thủ đoạn nói trên, Nguyễn Tiến Lương, sinh năm 1981, trú tại phường Phong Châu, thị xã Phú Thọ đã mượn giấy đăng ký xe và giấy chứng nhận bảo hiểm xe ô-tô của Trần Văn Định, thuê một số đối tượng là nhân viên hiệu ảnh, hiệu phô-tô, in mầu ở phía sau cổng Trường đại học Bách Khoa, Hà Nội để làm giả 14 đăng ký xe ô-tô và 11 giấy chứng nhận bảo hiểm xe, chi phí hết 828.000 đồng. Sau đó, Lương đã cùng bố đẻ là Nguyễn Công Hội và anh trai là Nguyễn Văn An dùng mười đăng ký xe ô-tô giả và năm giấy chứng nhận bảo hiểm xe ô-tô giả thế chấp vay của các chi nhánh ngân hàng 2,695 tỷ đồng, đến nay mới chỉ thanh toán được 201,4 triệu đồng.
Toàn bộ số tiền vay đã được đầu tư vào mua phương tiện máy móc, xây dựng trang trại bò thịt của Công ty TNHH xây dựng thủy lợi Diên Hồng do Hội làm Giám đốc tại xã Cò Nòi (Mai Sơn, Sơn La). Ngoài ra, qua điều tra, cơ quan công an đã làm rõ hành vi dùng giấy đăng ký xe ô-tô giả BKS 19L- 3294 của Phạm Văn Bình ở khu 2, xã Hà Thạch, thị xã Phú Thọ, Giám đốc Công ty cổ phần xây dựng Hoàng Bảo để thế chấp vay 100 triệu đồng tại Phòng giao dịch Hùng Sơn thuộc Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lâm Thao.
Kết thúc điều tra, cơ quan công an đã khởi tố mười bị can về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức, thu giữ 36 đăng ký xe ô-tô giả, 20 giấy chứng nhận bảo hiểm xe ô-tô giả, hơn 1,16 tỷ đồng (một số giấy tờ làm giả khác do không thể sử dụng đã bị các đối tượng tiêu hủy, cho nên không thu hồi được). Kết quả điều tra không phát hiện có tư lợi, móc nối giữa cán bộ ngân hàng và các đối tượng.
Tuy nhiên, vụ án này cũng bộc lộ nhiều sơ hở, thiếu sót của các ngân hàng; vì trình độ hạn chế, thiếu trách nhiệm trong thẩm định hồ sơ vay vốn, tài sản thế chấp, xem xét khả năng thanh toán của khách hàng, đã để các đối tượng lợi dụng dùng giấy tờ giả vay số tiền rất lớn. Nếu cán bộ ngân hàng đối chiếu, kiểm tra kỹ lưỡng vẫn có thể kịp thời phát hiện được. Mặt khác, vụ án còn tiếp tục cảnh báo về tình trạng dùng các phương tiện kỹ thuật tối tân như máy quét, máy phô-tô mầu để làm giấy tờ giả đang ngày càng gia tăng, đòi hỏi các cơ quan quản lý cần có biện pháp quản lý chặt chẽ, tránh để kẻ xấu lợi dụng phục vụ những mục đích làm ăn phi pháp.
|