* Xin ông cho biết mục đích chính của việc ban hành Luật Dược. Tư duy mới về quản lý dược ở cấp độ Nhà nước được thể hiện ở những khía cạnh nào trong đạo luật này?
- Mục đích của việc ban hành Luật Dược trước hết là để thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về dược, cụ thể là đảm bảo cung ứng thuốc có chất lượng cho nhân dân, sử dụng thuốc hợp lý, an toàn, có hiệu quả. Những hoạt động về kinh doanh thuốc, đăng ký, lưu hành thuốc, cung ứng thuốc, thông tin, quảng cáo thuốc, thử thuốc trên lâm sàng, quản lý thuốc gây nghiện, thuốc hướng tâm thần, tiền chất dùng làm thuốc phóng xạ, tiêu chuẩn chất lượng và kiểm nghiệm thuốc đều thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Dược và những quy định điều chỉnh các hoạt động đó để phù hợp với tình hình hiện nay.
Về tính chất của văn bản, Luật Dược bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, đồng bộ và thống nhất trong hệ thống pháp luật, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội hiện nay; đồng thời cũng tạo điều kiện cho ngành trong việc hội nhập với khu vực và quốc tế. Về nội dung, luật thể hiện sự quản lý chặt chẽ và nhất quán các hoạt động về sản xuất, phân phối lưu thông, xuất nhập khẩu, giá thuốc, thông tin quảng cáo thuốc bảo vệ quyền và lợi ích của người tiêu dùng v.v...
Nghị quyết số 46-NQ/TƯ ngày 23-2-2005 của Bộ Chính trị về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới đã thể hiện tư duy mới của Đảng về ngành Dược. Trong phần II của nghị quyết này ghi: "Phát triển ngành Dược thành một ngành kinh tế - kỹ thuật mũi nhọn. Phát triển mạnh công nghiệp dược, nâng cao năng lực sản xuất thuốc trong nước, ưu tiên các dạng bào chế công nghiệp cao. Quy hoạch và phát triển các vùng dược liệu, các cơ sở sản xuất nguyên liệu hóa dược. Củng cố mạng lưới lưu thông, phân phối và cung ứng thuốc đế ổn định thị trường thuốc phòng và chữa bệnh cho nhân dân. Đẩy mạnh nghiên cứu và sản xuất vắc-xin, sinh phẩm y tế. Phát triển công nghiệp trang thiết bị y tế theo hướng hiện đại ". Tư tưởng chỉ đạo này đã được thể hiện trong Điều 3 và điều 15 của Luật Dược.
Một điểm nữa trong tư duy mới về quản lý dược, là không phân biệt hành nghề dược theo hình thức sở hữu công hay tư, mà luật quy định theo điều kiện kỹ thuật: Khi chủ thể quyết định kinh doanh theo hình thức nào thì phải đáp ứng những yêu cầu về điều kiện kinh doanh và kỹ thuật quy định đối với hình thức đó.
Giá thuốc là vấn đề khá đặc biệt trong Luật Dược của Việt Nam. Luật Dược các nước không quy định hoặc quy định rất ít về kiểm soát giá thuốc: Luật Dược của ta đã thể hiện vai trò của Nhà nước trong quản lý giá thuốc để bảo vệ lợi ích của cả doanh nghiệp lẫn lợi ích người mua. Đồng thời, luật quy định Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các Bộ khác thực hiện quản lý Nhà nước về giá thuốc.
Một tư duy mới nữa được đưa vào Luật Dược, là yêu cầu các hình thức kinh doanh dược phải đạt tiêu chuẩn Thực hành tốt, tùy thuộc loại hình sản xuất, bán buôn, bán lẻ, bảo quản hay kiểm nghiệm thuốc. Thực hành tốt là khái niệm mới của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đề ra những điều kiện nhất định, đòi hỏi cơ sở kinh doanh phải tuân thủ để đảm bảo chất lượng thuốc đến tay người dân vẫn duy trì được tốt.
* Theo ông, liệu Luật Dược sẽ mang lại những đổi thay gì cho lĩnh vực dược nhìn từ góc độ nhà quản lý, sản xuất, kinh doanh dược và người tiêu dùng? Cụ thể, người dân sẽ được hưởng lợi gì từ Luật Dược?
- Luật Dược có mang lại những thay đổi gì, có cơ bản hay không còn phụ thuộc nhiều yếu tố. Những thay đổi có thể nhìn thấy ngay là:
- Sự quan tâm của Nhà nước đối với ngành Dược. Từ chỗ lo lắng Luật Dược chưa được đưa vào kế hoạch xây dựng và thông qua các văn bản pháp luật của Quốc hội đến chỗ dự án Luật Dược được Quốc hội thông qua, rồi nay mai Nghị định sẽ được Chính phủ xem xét. Các Bộ, ngành, UBND các cấp cũng quan tâm và sẽ cùng Bộ Y tế triển khai các quy định của Luật Dược. Đây là yếu tố quan trọng và quyết định cho sự phát triển của ngành Dược.
Sản xuất thuốc trong nước 10 năm qua đã duy trì mức phát triển cao, từ 10 đến 13% mỗi năm. Nay được Luật Dược tạo điều kiện pháp lý cho việc phát triển ngành Dược thành một ngành kinh tế - kỹ thuật mũi nhọn, ưu tiên phát triển công nghiệp dược, phát triển vùng trồng dược liệu, ưu tiên sử dụng thuốc trong nước... Mạng lưới lưu thông, phân phối thuốc cũng vậy, không những được chấn chỉnh hợp lý mà còn được nâng cấp và mở rộng ở vùng sâu, vùng xa... Tất cả những quy định thực hiện các bộ tiêu chuẩn về Thực hành tốt đối với các doanh nghiệp dược đã được vạch ra và các doanh nghiệp được đảm bảo tốt hơn. Nếu thực hiện được lộ trình này (quy định đến năm 2010) bộ mặt của nền công nghiệp dược Việt Nam sẽ thay đổi và đạt ngang tầm với các nước tiên tiến.
Một khi việc quản lý Nhà nước về giá thuốc quy về một đầu mối, không phân tán như trước đây, lại được Bộ chủ quản là Bộ Y tế chủ trì và điều hành, khi nắm bắt được các chi tiết về nhập khẩu sản xuất, lưu thông và sử dụng thuốc, Bộ quản lý giá thuốc sẽ hợp lý hơn. Hy vọng rằng, giá thuốc sẽ được ổn định và quyền lợi người sử dụng thuốc được đảm bảo tốt hơn...
Bên cạnh đó, người dân cũng sẽ được hưởng những lợi ích khác nhau từ Luật Dược như: Thuốc trong các cơ sở khám chữa bệnh được cung ứng đủ; mạng lưới cung ứng thuốc, trước hết ở vùng sâu, vùng xa sẽ phát triển; chất lượng thuốc được đảm bảo tốt hơn; giá thuốc được quản lý theo quy định và sẽ được ổn định hơn. Thuốc của bệnh viện (mua bằng ngân sách Nhà nước hoặc bằng tiền bảo hiểm y tế) thông qua đấu thầu với giá cạnh tranh: giá thuốc được kê khai và niêm yết. Nhiều biện pháp quản lý và bình ổn khác về giá thuốc được tiến hành để đảm bảo cho người dân bớt lo lắng về giá thuốc, việc thông tin và hướng dẫn sử dụng thuốc cho nhân dân được đẩy mạnh; quảng cáo thuốc sai, quá mức sẽ bị xử lý theo pháp luật; các thủ tục hành chính như đăng ký, xét duyệt đơn hàng, giấy phép hành nghề... được công khai hóa; thời gian giải quyết các thủ tục được rút ngắn.
* Ông đánh giá như thế nào về tính khả thi của Luật Dược? Việc ban hành văn bản hướng dẫn, triển khai thực hiện, xử lý vi phạm... sẽ phải tiến hành như thế nào để nâng cao hơn nữa tính khả thi đó?
- So với một số ngành kinh doanh, ngành Dược đã có truyền thống về tổ chức và kỷ luật vì không những là ngành kinh doanh có điều kiện, mà còn đảm bảo thuốc - chất đưa vào cơ thể con người để phòng chữa bệnh, phải được quản lý nghiêm ngặt. Đó là mối quan tâm và lợi ích của cả hai phía: người sử dụng và nhà quản lý. Vì vậy, tính khả thi của Luật Dược khá cao. Có hai điểm nổi cộm nhất trong việc thực hiện Luật Dược, là quản lý giá thuốc và việc người sử dụng thuốc không theo hướng dẫn của thầy thuốc. Vấn đề giá thuốc sẽ được xử lý dần dần. Vấn đề sử dụng thuốc không hợp lý phụ thuộc không chỉ vào thầy thuốc mà còn vào sự hiểu biết và ý thức của người dân, nên không thể một sớm một chiều giải quyết được.
Về công tác ban hành các văn bản hướng dẫn, triển khai thực hiện, xử lý vi phạm, Chính phủ sẽ ban hành Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Dược. Nhiều văn bản hướng dẫn khác của Bộ Y tế và liên Bộ cũng sẽ được ban hành nhằm thi hành Luật Dược. Vấn đề quan trọng, là làm sao các quy định pháp quy về dược, các kiến thức cơ bản về sử dụng thuốc, quyền và lợi ích của người dân, trách nhiệm của họ đối với việc mua, bán, sử dụng thuốc đến được từng người dân và nâng cao được ý thức của họ đối với Luật Dược, quy chế dược và với việc sử dụng thuốc. Việc biên soạn, phát hành và phổ biến các văn bản pháp quy về dược, các thông tin về thuốc... cần tiến hành rộng rãi, có sự phân công trách nhiệm, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý dược và cơ quan tuyên truyền, phổ biến pháp luật một cách thường xuyên và sâu rộng.
* Xin cảm ơn ông!
|