Giải pháp nào cho vấn đề khiếu nại, tố cáo của công dân?
Các Website khác - 24/08/2005
Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh
Lê Thanh Hải (bên trái)
trực tiếp giải quyết những kiến nghị
của người dân.
Tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC) của công dân là việc làm bình thường trong hoạt động quản lý của Nhà nước. KNTC là quyền của công dân được pháp luật ghi nhận và bảo vệ. Nếu vụ việc KNTC được xem xét giải quyết thấu tình đạt lý ngay từ cơ sở, thì sẽ không có chuyện khiếu kiện vượt cấp phức tạp như hiện nay.
Phải mất khá nhiều lần hẹn, tôi mới được ông Nguyễn Kim Châu, Phó Vụ trưởng Vụ tiếp dân, xử lý đơn thư (Thanh tra Chính phủ), thu xếp công việc để tiếp. Nhưng rồi buổi làm việc của chúng tôi liên tục gián đoạn bởi điện thoại từ khắp nơi gọi về. Chưa hết, chốc chốc ông Châu lại xin lỗi đi xử lý công việc. Dưới sân, trong khuôn viên hơn 100 m2, gần 200 con người đi kiện, ngột ngạt và ồn ào. Ai đó, chắc bức xúc quá, vừa nói vừa giậm chân thình thình. Mấy chục người dân ở Tiền Giang thì lại khác, nhác thấy bóng ông Binh phía cổng (ông Binh là cán bộ Thanh tra Chính phủ, tháng trước vừa vào Tiền Giang giải quyết việc khiếu kiện của họ) liền nhao nhao chạy ra chặn trước đầu xe máy: "Chú hứa nhé, hôm nay mà không tiếp, chúng tôi sẽ kéo đến nhà chú xin cơm ăn một tháng đấy!".

Vì sao có tình trạng khiếu kiện vượt cấp?

Theo thống kê của Thanh tra Chính phủ, lực lượng nòng cốt ở Văn phòng tiếp công dân của T.Ư Ðảng và Nhà nước (số 1 Mai Xuân Thưởng, Ba Ðình, Hà Nội), trung bình mỗi ngày Văn phòng phải tiếp khoảng 100 lượt công dân đến khiếu kiện. Hơn 20 cán bộ tiếp dân thuộc các cơ quan của T.Ư Ðảng và Nhà nước ở đây, ngày nào cũng phải đối mặt và xử lý cả chồng đơn thư. Người dân kéo đến đây từ khắp nơi, gần thì Hà Nội, Hà Tây, Vĩnh Phúc; xa thì TP Hồ Chí Minh, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau. Việc kiện tụng, tố cáo của dân cũng muôn hình muôn vẻ, người thì kiện vì buộc thôi việc vô lý hoặc bị trù dập, người thì kiện vì tranh chấp đất đai nhà cửa hoặc giải tỏa đền bù không đúng chế độ.

Con đường khiến nhiều người dân phải khăn gói quả mướp lên tỉnh, ra Hà Nội để khiếu nại, tố cáo (KNTC) thật muôn hình vạn trạng, khó mà nói cho hết. Trong hàng nghìn người dân đến số 1 Mai Xuân Thưởng để gửi đơn, mỗi người một hoàn cảnh, chẳng ai giống ai. Có lần, tôi tình cờ làm quen với bà Tư, ở Long Mỹ, Hậu Giang khi bà đang lần tìm mẩu bánh mỳ ăn dở trong chiếc túi nilon nhàu nát. Suốt từ năm 1997 đến nay, bà Tư đưa đơn đi kiện khắp nơi, rồi nghe người ta mách thế là ra Hà Nội, đến Mai Xuân Thưởng. Thanh tra Chính phủ tiếp và có công văn đề nghị huyện Long Mỹ thực hiện việc trả đất cho bà theo quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh Cần Thơ cũ. Trớ trêu thay, vụ việc của bà Tư cũng có công văn của Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo giải quyết theo hướng khác. Sự không thống nhất giữa các cơ quan nhà nước trong giải quyết KNTC của công dân, đã vô tình đẩy bà Tư rơi vào tình thế bị mắc kẹt, tiến không được mà lui cũng không xong. Không biết rồi đây vụ việc của bà Tư sẽ được giải quyết theo hướng nào?

Trường hợp của bà Thả ở Gò Vấp (TP Hồ Chí Minh) đi kiện thì lại khác, việc đòi lại đất cho người khác mượn của bà đã có quyết định giải quyết cuối cùng của UBND thành phố, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng có văn bản nhất trí với việc trả đất cho bà Thả như đã nêu trong quyết định của thành phố, nhưng gần một năm qua, mọi việc vẫn chỉ nằm trên giấy.

Có nhiều lý do khác nhau khi giải thích về tình trạng khiếu kiện của công dân năm sau cao hơn năm trước và ngày càng có xu hướng phức tạp, kéo dài: Kinh tế phát triển, mối quan hệ xã hội đa dạng kéo theo các mâu thuẫn, tranh chấp; công cuộc đô thị hóa, công nghiệp hóa cần đất phải giải tỏa đền bù và phát sinh khiếu kiện; rồi pháp luật còn mâu thuẫn, chồng chéo, hiểu biết của người dân thì hạn chế dẫn đến khiếu kiện không đúng, kiện lấy được... Song dù thế nào thì yếu tố chủ quan từ phía các cơ quan, cán bộ nhà nước có thẩm quyền, vẫn là nguyên nhân chủ yếu và trực tiếp nhất.

Nếu vụ việc KNTC được xem xét giải quyết thấu tình đạt lý ngay từ cơ sở, thì đâu có chuyện khiếu kiện vượt cấp phức tạp như hiện nay. Chẳng thế mà trong một báo cáo gần đây của Thanh tra Chính phủ tổng kết công tác giải quyết KNTC của công dân, đã thẳng thắn: Sau năm năm triển khai Luật KNTC, công tác tiếp dân ở nhiều nơi còn mang tính hình thức, kém hiệu quả, chưa gắn việc tiếp công dân với giải quyết KNTC. Thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước một số nơi chưa thực hiện việc tiếp dân định kỳ hoặc đột xuất theo quy định của pháp luật. Nhiều nơi chưa xem xét, kết luận, giải quyết kịp thời những khiếu kiện ngay từ cơ sở. Nhiều quyết định giải quyết đã có hiệu lực pháp luật nhưng cơ quan có liên quan lại không tổ chức thực hiện hoặc cơ quan ra quyết định không có biện pháp tích cực để tổ chức thực hiện. Không ít trường hợp đã được thanh tra kết luận rõ ràng nhưng cấp có thẩm quyền vẫn chậm trễ trong việc xử lý sai phạm, thu hồi kinh tế, xử lý cán bộ, chưa khôi phục kịp thời quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, khiến người dân bất bình, thiếu tin tưởng vào pháp luật.

Theo Phó Chánh Văn phòng Thanh tra Chính phủ Phạm Khắc Diễn, nếu mỗi xã, phường, quận, huyện, các sở, ngành, cơ quan đều làm tốt công tác tiếp dân, giải quyết KNTC của công dân cũng như các kiến nghị, thắc mắc của cán bộ, công chức trong đơn vị, thì công tác này sẽ có những chuyển biến mạnh mẽ, tình trạng công dân kéo đến Văn phòng tiếp dân của Trung ương Ðảng và Nhà nước sẽ giảm đi trông thấy.

Cách đây không lâu, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Ðình Ðấu dẫn đầu Ðoàn công tác liên ngành đi thanh tra, kiểm tra việc giải quyết KNTC của công dân ở một số tỉnh phía nam, trực tiếp lắng nghe và giải quyết kiến nghị, thắc mắc của công dân. Kết quả thu được là khá tốt, song những điều mà Ðoàn công tác đã nghe, nhìn và rút ra được, cũng khiến chúng ta không khỏi giật mình: Tại An Giang, một tỉnh thuộc đồng bằng Nam Bộ, qua kiểm tra 21 vụ, đã phát hiện 12 vụ (chiếm tỷ lệ 57%) giải quyết chưa phù hợp pháp luật, cần giải quyết lại hoặc điều chỉnh lại. Tính đến ngày 18-5-2005, toàn tỉnh An Giang tồn đọng 1.159 vụ khiếu tố (chưa tính số đơn thư tồn đọng của 150 xã, phường trong tỉnh). Chưa giải quyết yêu cầu, bức xúc của dân, nhưng trong báo cáo của TP Long Xuyên và một số huyện trong tỉnh về tình hình giải quyết KNTC của công dân, người ta vẫn vô tư ghi rằng: "Ba năm liền không phát sinh đơn tố cáo!". Không chỉ có An Giang mà nhiều địa phương khác ở Nam Bộ cũng trong tình trạng tương tự.

Tính phức tạp của tình hình KNTC của người dân, có việc người này người kia lợi dụng quyền khiếu kiện để bịa đặt, thậm chí là vu khống cán bộ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền; hoặc vụ việc đã được người có trách nhiệm giải quyết thấu đáo, đúng chính sách, đúng pháp luật, song đương sự vẫn cố tình đi kiện, cố tình gây rối, làm cho tình hình khiếu kiện vốn dĩ đã phức tạp, lại càng phức tạp thêm. Tổng hợp kết quả giải quyết KNTC năm 2004 ở 39 địa phương cho thấy: Tỷ lệ đơn tố cáo sai chiếm 35,3%, khiếu nại sai là 50,6%. Song nhìn chung những người đi kiện đều ít nhiều có tâm tư, nguyện vọng cần giãi bày; hoặc quyền, lợi ích hợp pháp của họ bị xâm phạm cần pháp luật đứng ra bảo vệ. Năm 2004, qua giải quyết 79.841 đơn thư KNTC của công dân, các cơ quan chức năng đã phát hiện và khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp của công dân 14 tỷ 851 triệu đồng và 111,83 ha đất; kiến nghị thu hồi cho Nhà nước 16,7 tỷ đồng, 126,5 ha đất; minh oan và khôi phục quyền lợi cho 140 người, xử lý kỷ luật hành chính 446 cán bộ, chuyển cơ quan điều tra 18 vụ với 20 người có liên quan.

Theo thống kê, hơn 80% đơn thư KNTC là tranh chấp, khiếu kiện về đất đai, nhà cửa, mà sự phức tạp của nó thật khó có thể nói hết. Ngay cả những người có chuyên môn trong các lĩnh vực này, thường xuyên va chạm, tiếp xúc mà nhiều lúc, nhiều trường hợp vẫn thấy bí, không biết giải quyết thế nào cho đúng, để dân khỏi kiện. Gần 20 người dân ở Tiền Giang kéo ra Mai Xuân Thưởng tìm gặp ông Binh, cũng không ngoại lệ. Bà con kéo ra đây nêu kiến nghị, yêu cầu, nguyên nhân thì nhiều, song theo ông Binh, chủ yếu vẫn là vì chính sách quản lý, điều chỉnh đất đai ở địa phương có những bất cập.

Rõ ràng là, sự thiếu công khai, minh bạch trong quản lý, sử dụng đất đai của không ít địa phương lâu nay cũng đang là một trong những nguyên nhân làm cho việc kiện cáo, tranh chấp của công dân thêm phần phức tạp. Cả một cộng đồng dân cư với hàng trăm con người đang sống yên ổn, bỗng chốc nhà đất của họ rơi đúng vào chỗ quy hoạch để xây dựng công trình công ích. Khổ nỗi, trăm hộ dân ấy, gia cảnh mỗi nhà mỗi khác. Nhà thì đất cả sào, nhà thì chỉ vài chục m2; nhà thì xây bề thế, lắm hạng mục, nhưng cũng có hộ chỉ cấp bốn lụp xụp. Sự bất cập trong quy hoạch, quản lý đất đai; sự cứng nhắc, thiếu nhất quán trong chính sách giải tỏa đền bù và cả sự tắc trách, thiếu công tâm của những người có trách nhiệm trong việc này, vô tình đã đẩy không ít gia đình vào vòng xoáy của kiện tụng.

Giải quyết đơn thư KNTC của công dân ở các địa phương, sở, ngành, theo ông Nguyễn Kim Châu, ngoài sự hạn chế, yếu kém về chuyên môn, nghiệp vụ, sự tắc trách trong công việc của một bộ phận cán bộ, công chức, còn có cả yếu tố tiêu cực. Vì lợi ích cá nhân hay lý do nào đó, người ta đã lợi dụng chức trách được giao để đưa vào hồ sơ những chứng cứ, tài liệu không đúng, làm thay đổi bản chất vụ việc, đổi trắng thành đen, khiến người dân bất bình và tất nhiên là họ phải đi kiện để đòi lại công bằng, lẽ phải. Không chỉ có bà Xanh ở Quảng Ngãi, bà Tha ở An Giang, mà còn là trường hợp của ông Chữ ở Ba Ðình (Hà Nội), ông Tư ở Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc), bà Thu ở Hóc Môn (TP Hồ Chí Minh). Chung quanh việc giải quyết cho bà Thu, một số cán bộ có tiêu cực đã bị cơ quan cảnh sát điều tra khởi tố, bắt giam để làm rõ hành vi, mức độ sai phạm. Ðó còn là trường hợp của bà Thó ở Tú Sơn, Kiến Thụy (Hải Phòng), khi UBND thành phố ra quyết định cuối cùng khôi phục quyền lợi hợp pháp, thì bà Thó đã "về giời" vì tuổi cao sức yếu.

Giải quyết chuyện lớn bắt đầu từ việc nhỏ

Dân ta thường lấy câu "an cư lạc nghiệp" để nói về sự yên ổn trong phạm vi hẹp của một gia đình. Tầm quốc gia, câu nói đó vẫn có nhiều ý nghĩa. Việc kiện cáo của công dân là vấn đề "quốc gia đại sự", ảnh hưởng trực tiếp đến sự ổn định và phát triển của cả một đất nước. Chuyện lớn cần bắt đầu từ việc nhỏ, đại sự quốc gia phải được khởi nguồn từ chính những hành động, việc làm đầy tinh thần trách nhiệm của mỗi địa phương, cơ sở.

Gần 10 năm qua, để phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, đô thị hóa, chính quyền TP Ðà Nẵng đã thực hiện giải tỏa đền bù hàng triệu m2 đất ở của dân. Nhưng, hầu như người dân ở Ðà Nẵng không kéo ra Mai Xuân Thưởng khiếu kiện. Tất nhiên, với công tác giải tỏa, đền bù nhà đất, thì dù có cố gắng đến mấy cũng khó có thể tránh được những sai sót. Trong hàng nghìn hộ dân thuộc diện bị giải tỏa, chuyển đến nơi ở mới, với cả núi công việc phải xử lý, tránh sao được chuyện người này thoải mái vui vẻ, người kia bất bình, khiếu kiện. Song điều quan trọng là, Ðà Nẵng luôn xác định tư tưởng sẵn sàng đối mặt những phức tạp, mâu thuẫn nảy sinh với một tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm cao nhất. Từ chính quyền cấp thành phố cho đến cơ sở, đều chủ động và thường xuyên tiếp dân theo chức trách, nhiệm vụ được giao, kịp thời giải quyết những vướng mắc, kiến nghị chính đáng của dân. Giải quyết KNTC của công dân, chính quyền TP Ðà Nẵng xác định rõ, cách tốt nhất và hiệu quả nhất là trực tiếp đối thoại với dân để cùng tìm ra cách giải quyết hợp lý, công bằng.

Nghệ An là địa phương cũng biết cách làm tốt công tác tiếp dân, giải quyết KNTC của công dân. Thời kỳ 1998 - 2000, cũng như nhiều địa phương khác trong cả nước, tình hình khiếu kiện ở Nghệ An cũng khá phức tạp và bức xúc. Trong số các công dân kéo đến số 1 Mai Xuân Thưởng để kiện tụng, người xứ Nghệ chiếm tỷ lệ không nhỏ. Ðể làm yên tình hình và vực dậy diện mạo kinh tế - xã hội của mảnh đất này, Thường vụ Tỉnh ủy ra Chỉ thị chuyên đề về công tác tiếp dân, giải quyết KNTC của công dân, trong đó nhấn mạnh vai trò của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, lấy kết quả trong công tác giải quyết KNTC làm tiêu chí đánh giá, phân loại cán bộ, đảng viên. Cấp dưới không làm tốt công tác này thì cấp trên trực tiếp cũng phải liên đới chịu trách nhiệm. Bí thư Tỉnh ủy và nhiều cán bộ chủ chốt của tỉnh, giám đốc các sở, ngành chủ động xuống huyện, xuống cơ sở để đôn đốc và trực tiếp kiểm tra, xem xét việc giải quyết KNTC của công dân. Tỉnh xuống huyện, huyện xuống xã, xã xuống từng hộ dân có mâu thuẫn, khiếu kiện bức xúc. Chưa đầy hai năm sau, tình hình khiếu kiện phức tạp, dai dẳng ở Nghệ An đã giảm trông thấy. Các huyện như Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu, những nơi có nhiều "điểm nóng" về khiếu kiện, cũng nhanh chóng ổn định trở lại.

Tâm sự với chúng tôi, Bí thư Huyện ủy Diễn Châu Cao Ðăng Vĩnh thẳng thắn: May mà hồi đó Thường vụ Tỉnh ủy ra Chỉ thị kịp thời, nếu không tình hình bây giờ không biết thế nào. Chánh thanh tra tỉnh Nghệ An Thái Văn Hằng cho rằng: Ðã xuống huyện, xuống xã để giải quyết KNTC của công dân mà ra quán "chén chú chén anh" với cán bộ huyện, cán bộ xã là thể nào dân cũng xì xào, có ý kiến, lúc kết luận thì dù có đúng dân cũng không tin.

Ở Hà Nội, nơi đất chật người đông, tấc đất tấc vàng ấy, không cứ gì quận Hai Bà Trưng, quận nào mà chẳng bức xúc, phức tạp về đất đai, khiếu kiện. Song, giải quyết vấn đề này, Hai Bà Trưng có cách đi riêng. Phó Chủ tịch UBND quận Nguyễn Văn Hiếu cho rằng, giải quyết khiếu kiện của dân, trước hết phải làm tốt việc này ngay từ cơ sở. Với nhận thức đó, từ năm 2001, Thanh tra quận Hai Bà Trưng đề xuất với lãnh đạo quận mở các lớp tập huấn, trao đổi chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ cấp cơ sở vào các ngày nghỉ trong tuần. Thanh tra quận Hai Bà Trưng còn nghiên cứu, biên soạn quy trình tiếp dân, giải quyết KNTC của công dân, bảo đảm ngắn gọn, dễ hiểu, dễ thực hiện, song vẫn giữ được các nguyên tắc, quy định của pháp luật về KNTC. Nhìn vào đó, cán bộ, công chức trong quận, đặc biệt là đội ngũ cán bộ cấp phường sẽ biết phải thao tác những gì, nội dung ra sao trước một yêu cầu, kiến nghị hay một đơn thư tố cáo của công dân.

Tiếp dân và giải quyết KNTC của công dân là việc làm bình thường trong hoạt động quản lý của Nhà nước. KNTC là quyền của công dân được pháp luật ghi nhận và bảo vệ. Ðà Nẵng, Nghệ An, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) cũng như nhiều địa phương khác trong cả nước, không phải đã hết người đi kiện, không phải không còn những bức xúc trong công tác tiếp dân, giải quyết KNTC của công dân, nhưng những gì mà các địa phương này đang làm, đã đáp ứng được phần lớn tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người dân. Thiết nghĩ, nếu địa phương nào, cấp chính quyền nào cũng làm tốt công tác tiếp dân, giải quyết KNTC của công dân, nếu cán bộ giải quyết việc cho dân luôn khách quan, công bằng, có tinh thần trách nhiệm cao, chắc chắn tình hình sẽ khác.

Sự chậm trễ của không ít cơ quan, đơn vị trong việc giải quyết KNTC theo thẩm quyền, nhiệm vụ được giao cũng là một trong những nguyên nhân cơ bản làm cho tình hình này thêm phức tạp, bức xúc. Trong mấy chục sở, ban, ngành trên địa bàn Hà Nội, Sở Tài nguyên-Môi trường và nhà đất là đơn vị có lượng công việc bị tồn đọng nhiều nhất. Ðó là việc giải quyết đơn khiếu nại của các công dân ở xã Trung Văn, huyện Từ Liêm; việc xử lý những nội dung phản ánh của Công ty TNHH phát triển ứng dụng công nghệ mới về thuê mặt bằng trong quy hoạch khu triển lãm nông nghiệp Việt Nam; việc thẩm tra nhu cầu sử dụng đất của các tổ chức, cá nhân sử dụng đất theo quy định của Luật Ðất đai 2003... Chung quanh các vụ việc nêu trên, UBND thành phố Hà Nội đã có Công văn gửi Sở Tài nguyên-Môi trường và nhà đất (và một số sở, ngành có liên quan), đôn đốc nhắc nhở, đồng thời yêu cầu khẩn trương tổ chức thực hiện và báo cáo sớm để thành phố biết.

Chánh Thanh tra TP Hà Nội
LÊ TIẾN HÀO

Việc chấp hành quy định về trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại ở một số nơi chưa đúng, thiếu công khai, dân chủ. Một số vụ việc thẩm tra, xác minh còn thiếu khách quan, chứng cứ không đầy đủ dẫn đến giải quyết sai. Tổng hợp kết quả xem xét, giải quyết 64 vụ việc đã có quyết định giải quyết cuối cùng của các cấp có thẩm quyền (trong thời gian ba năm, từ 2001 đến 2003), Thanh tra Chính phủ chỉ thống nhất với nội dung và cách thức giải quyết của 30 quyết định (chiếm 47%), còn lại 34 vụ (chiếm 53%) là đề nghị sửa đổi, bổ sung cho phù hợp pháp luật.

Sáu tháng đầu năm nay, qua công tác thanh tra việc quản lý, sử dụng đất đai tại một số điểm nổi cộm, đã phát hiện nhiều sai phạm. Trong đó, cấp đất trái thẩm quyền 44,7 ha; buông lỏng quản lý, đất bị lấn chiếm 337,1 ha; tự ý sang nhượng đất trái phép 26,4 ha; sử dụng đất sai mục đích 281,2 ha.

Nguồn: Thanh tra Chính phủ

Trung bình mỗi ngày Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận được 50 đơn thư KNTC của công dân từ khắp nơi gửi về. Bức xúc và phức tạp nhất chủ yếu vẫn là những khiếu kiện liên quan việc bồi thường, giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư. Tình hình đơn thư KNTC của công dân từ năm 1995 đến nay theo tôi chẳng những không giảm mà còn có xu hướng gia tăng. Nguyên nhân là do chính sách đất đai của ta chưa được ổn định, thường xuyên và liên tục thay đổi (tất nhiên theo hướng tích cực); công tác quản lý nhà nước về đất đai, nhất là ở cấp cơ sở còn nhiều bất cập, giải quyết quyền lợi cho người có đất bị thu hồi nhiều trường hợp chưa thỏa đáng, thậm chí không ít cán bộ địa chính còn vi phạm pháp luật trong khi thi hành nhiệm vụ, điều này khiến người dân bức xúc và tất nhiên họ phải đi khiếu kiện.

Chánh thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường
PHẠM CÔNG RUYẾN


HỒNG THANH