Tám cá nhân liên quan bị đề nghị xử lý hình sự gồm: Lê Văn Hoành - nguyên phó giám đốc Công ty Điện lực (đã bị cho thôi chức); Lê Văn Tinh, trưởng phòng vật tư; Lê Ngô Hữu Thiện Tâm, nguyên trưởng phòng hợp tác quốc tế; Thiều Túc, phó giám đốc Trung tâm thí nghiệm điện; Huỳnh Ngọc Thành, phó phòng kinh doanh; Nguyễn Văn Hiệp, trưởng phòng kỹ thuật; Trần Công Điền, nguyên phó giám đốc Công ty Điện lực thành phố (hiện là phó giám đốc Công ty Linkton Vina); và Nguyễn Trọng Hiếu, trưởng phòng kinh doanh Công ty Linkton Vina.
Hành vi sai phạm của tám cá nhân nói trên đều tập trung vào quá trình thực hiện các công đoạn đấu thầu mua sắm và lắp đặt 312.000 chiếc ĐKĐT. Năm 2003, Tổng công ty Điện lực Việt Nam (EVN) phê duyệt kế hoạch đấu thầu cung cấp vật tư, thiết bị cho các công trình sửa chữa lớn, vận hành và sửa chữa thường xuyên lưới điện năm 2004 của Công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh. Trong đó, EVN phê duyệt kế hoạch đấu thầu gói 44 điện kế kỹ thuật số 1 pha với số lượng 40.000 cái, đơn giá 340.000 đồng/chiếc, tổng trị giá lên đến 13,6 tỷ đồng.
Tuy nhiên, ông Lê Ngô Hữu Thiện Tâm - nguyên trưởng phòng hợp tác quốc tế, lại có tờ trình giám đốc Lê Minh Hoàng (đã từ chức) về kế hoạch đấu thầu quốc tế mua sắm ĐKĐT nhiều giá, trong đó gói số 2 có 10.000 ĐKĐT được nâng khống đơn giá lên 580.000 đồng/chiếc. Sau khi nhập trót lọt số lượng hàng đã được “chẻ” nhỏ ra này, công ty lại tiếp tục ký thêm 13 hợp đồng cung cấp ĐKĐT với nhà thầu Linkton theo hình thức mua sắm trực tiếp (không qua đấu thầu), số lượng lên đến 312.000 chiếc. Toàn bộ số ĐKĐT này đều do Công ty Linkton Vina lắp ráp tại Việt Nam. Như vậy, so giữa giá duyệt của EVN với giá nâng khống, số tiền chênh lệch từ việc mua 312.000 ĐKĐT là hơn 99 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, hồ sơ dự thầu của nhà thầu Linkton chào ĐKĐT là hàng nhập nguyên chiếc từ Singapore nhưng lại chào giá giao tại kho của công ty ở trong nước song vẫn được chấp nhận. Sau đó lại báo cáo không đúng sự thật về điện kế mẫu trong hồ sơ mời thầu. Khi phát hiện ĐKĐT do Linkton cung cấp có biên độ hiệu chỉnh sai số quá lớn, không đạt các yêu cầu kỹ thuật trong hợp đồng, Trung tâm thí nghiệm điện đã báo cáo Công ty Điện lực và trả lại theo yêu cầu của phòng vật tư, nhưng sau đó lại đồng tình với việc nhận lại toàn bộ số điện kế không đạt yêu cầu nói trên.
Trách nhiệm của EVN cũng cần phải được xem xét khi đã duyệt gói thầu 40.000 ĐKĐT với giá 340.000 đồng/chiếc cho Công ty ĐLTP. Việc không kiểm tra của EVN dễ dàng cho những "người đứng sau" nâng khống số tiền lên đến 67,2 tỷ đồng. Ấy là chưa kể việc Nhà nước phải mất thêm hơn 100 tỷ đồng để khắc phục hậu quả từ 312.000 ĐKĐT do "Công ty gia đình" của lãnh đạo Công ty ĐLTP cung cấp.
Sau khi có quyết định khởi tố vụ án cơ quan điều tra sẽ chuẩn bị thực hiện các quy trình tố tụng tiếp theo.
|