* Thưa ông, Dự án Luật Đấu thầu điều chỉnh những hoạt động đấu thầu nào, và ông đánh giá thế nào về những quy định đó?
- Theo tờ trình của Chính phủ thì phạm vi điều chỉnh của Dự án Luật Đấu thầu bao gồm những hoạt động sử dụng nguồn vốn Nhà nước để đầu tư, mua sắm tài sản, bao gồm các hoạt động đấu thầu để lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp đối với gói thầu thuộc ba nhóm dự án.
Cụ thể là: Dự án sử dụng vốn Nhà nước từ 30% trở lên cho mục tiêu đầu tư phát triển, trừ dự án thuộc bí mật quốc gia (với 5 loại dự án chi tiết); Dự án sử dụng vốn Nhà nước để mua sắm, nhằm duy trì hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, đơn vị vũ trang; Dự án sử dụng vốn Nhà nước để mua sắm, nhằm phục vụ việc cải tạo, sửa chữa lớn các thiết bị, dây chuyền sản xuất, công trình, nhà xưởng đã đầu tư của doanh nghiệp nhà nước.
Tôi đồng ý với những quy định của Dự thảo Luật. Chúng ta cần có một luật chung về đấu thầu để có căn cứ pháp lý điều chỉnh các hoạt động đầu tư, mua sắm sử dụng vốn Nhà nước, nhằm hạn chế những tiêu cực, gây lãng phí, thất thoát, tham nhũng vốn Nhà nước và để sử dụng hiệu quả hơn vốn Nhà nước.
* Tình trạng không công khai trong đấu thầu là nguyên nhân của không ít tiêu cực trong thời gian qua. Điều này đã được khắc phục như thế nào trong Dự thảo Luật?
- Dự thảo Luật đã quy định về những trường hợp, nội dung cần thiết phải công khai, đăng tải trên tờ thông tin về đấu thầu và trang thông tin điện tử về đấu thầu của cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu, bao gồm các thông tin về kế hoạch đấu thầu; thông báo mời sơ tuyển; mời thầu đối với đấu thầu rộng rãi; kết quả lựa chọn nhà thầu; thông tin xử lý vi phạm pháp luật về đấu thầu... Những quy định này sẽ bảo đảm cho hoạt động đấu thầu được công khai, minh bạch, khắc phục được tiêu cực trong hoạt động này.
* Nhiều ý kiến cho rằng, thời gian qua, trong hoạt động đầu tư phát triển nói chung, đầu tư xây dựng cơ bản nói riêng, tình trạng "khép kín" là nguyên nhân của nhiều tiêu cực. Dự thảo Luật đã xử lý vấn đề này ra sao?
- Khép kín trước hết là quan hệ giữa chủ đầu tư, tư vấn, thẩm định, xây dựng, nghiệm thu. Do vậy, cần có quy định chặt chẽ để tiến tới xóa bỏ tình trạng này. Tôi cho rằng, cốt lõi của việc xóa bỏ tình trạng "khép kín " là cần tách bạch chức năng quản lý nhà nước của các bộ, ngành, địa phương và chức năng tổ chức hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp, nhà thầu; quy định rõ trách nhiệm pháp lý của từng cá nhân, tổ chức và xử lý nghiêm khi vi phạm pháp luật.
Vì vậy, tôi đồng ý với quy định của Dự án Luật về bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu theo hướng tách bạch các chủ thể và công việc có liên quan đến các khâu của quá trình đấu thầu như: nhà thầu và nhà tư vấn lập hồ sơ mời thầu, chủ đầu tư và cơ quan quản lý nhà thầu... Tuy nhiên, đây là vấn đề về tổ chức bộ máy và cơ chế vận hành nằm trong chương trình tổng thể cải cách hành chính của Chính phủ, việc thực hiện các quy định này cần có thời gian quá độ, chậm nhất là ba năm, để Chính phủ, các bộ, ngành liên quan chuẩn bị.
* Từ thực tế có nhiều tiêu cực và việc lựa chọn nhà thầu còn rất hình thức, Dự án Luật đã quy định những hành vi bị cấm trong đấu thầu. Theo ông những quy định này đã đủ sức ngăn chặn tiêu cực chưa?
- Tôi tán thành với các quy định này, nhưng theo tôi, không chỉ nêu hành vi bị cấm, mà còn cần phải quy định chế tài xử lý nghiêm khắc khi vi phạm, nhất là các hành vi vi phạm mà dư luận xã hội quan tâm, như: dùng ảnh hưởng cá nhân để tác động, can thiệp; cấu kết, thông đồng giữa bên mời thầu với nhà thầu; cố ý chia nhỏ dự án một cách không hợp lý thành nhiều gói thầu để thực hiện chỉ định thầu; tiết lộ những tài liệu, thông tin về đấu thầu; cố tình sắp đặt để cha mẹ đẻ, cha mẹ vợ hoặc chồng, vợ hoặc chồng, con đẻ, anh, chị em ruột tham gia các gói thầu mà mình làm bên mời thầu hoặc là thành viên tổ chuyên gia trong đấu thầu, tổ chuyên gia thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu...
|