Kỷ niệm 60 năm ngày thành lập lực lượng CAND (19.8.1945 - 19.8.2005) "Hỏi chuyện" người chết Mạnh Duy Công an thành phố Hà Nội vốn nổi tiếng với việc khám phá nhanh những vụ trọng án. Nhưng đằng sau những chiến công ấy, ít ai biết tới những đóng góp không nhỏ của lực lượng kỹ thuật hình sự (KTHS), những cán bộ chiến sĩ của 2 đội Khám nghiệm hiện trường và Giám định pháp y thuộc Phòng Kỹ thuật hình sự - CA TP.Hà Nội.
Khởi đầu của mọi khởi đầu Nhiệm vụ của cán bộ chiến sĩ làm KNHT là thu thập những dấu vết để lại tại hiện trường để phục vụ cho quá trình điều tra vụ án. Trung tá Đỗ Văn Thu - Đội trưởng đội KNHT với 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực này thổ lộ: "Nếu công tác KNHT làm tốt thì vụ án đã được khám phá tới 70- 80%". Nói thì đơn giản nhưng thực tế công việc không hề dễ dàng chút nào. Theo Trung tá Thu, người KNHT giỏi là người phải có mặt kịp thời để thu thập tối đa những dấu vết, vật chứng còn lại hiện trường, từ đó phân tích, tổng hợp, nhận định và giải đáp hàng loạt câu hỏi như: Thời gian gây án, đặc điểm nhận dạng, thói quen, nghề nghiệp đối tượng gây án, hung khí và động cơ gây án... Đòi hỏi lớn nhất công việc này là tính thời điểm và độ chính xác cao. Đây cũng là nét đặc trưng, thậm chí là phẩm chất của người lính làm nhiệm vụ KNHT. Họ luôn là người có mặt đầu tiên trong mọi vụ việc, bất kể thời gian, hoàn cảnh, địa điểm. Từ nửa đêm gà gáy hay sáng sớm tinh mơ, bất kể mưa hay nắng, xa hay gần, họ luôn phải túc trực để làm cái nhiệm vụ "khởi đầu của mọi khởi đầu" ấy. Chỉ cần đến hiện trường chậm 10 phút sẽ khó lòng thu được vết nước bọt hoặc nước tiểu của đối tượng bởi hiện trường luôn có thể thay đổi từng phút do tác động của ngoại cảnh. Tỉ mẩn, săm soi, tập trung cao độ, đôi khi công việc biến các anh thành những "bà mẹ chồng khó tính". Chỉ cần bỏ qua một chi tiết nhỏ như một sợi tóc, một mẩu da là có thể mất dấu vết như chơi và vụ án có thể đi vào thế bế tắc. Đã hỏng là hỏng luôn, không có chỗ cho sai lầm vì không thể dựng lại hiện trường. Anh Lưu, người trực tiếp KNHT nhiều vụ án phức tạp, kể: "Có những vụ án khó đọc lên bản chất không phải vì thủ đoạn của đối tượng tinh vi mà do hiện trường đã không còn nguyên dạng ban đầu. Nhiều khi hướng điều tra của mình cứ dựa trên kết quả khám nghiệm sai thành ra quân ta lại cứ điều tra... quân mình". Thành công trong việc truy bắt thủ phạm vụ giết người đồng tính luyến ái xảy ra tại Xuân La, Xuân Đỉnh làm xôn xao dư luận vừa qua có công rất lớn của các anh. Đối tượng ở tận Sơn La và mới chỉ biết nạn nhân có 3 ngày, nhưng từ chiếc ví với mẩu giấy nhỏ và vân tay sót lại, các anh đã nhanh chóng truy xét được thủ phạm. Đỗ Mạnh Dũng (sinh năm 1981), em út của đội, tâm sự: "Lần đầu tiên sau khi đi KNHT vụ giết một cháu bé 5 tuổi, suốt đêm đó em không ngủ được. Thậm chí vài ngày sau vẫn không dám ăn cơm". Tuy nhiên chỉ sau một năm công tác, Dũng đã cứng cáp lên rất nhiều: "Bây giờ, chuyện đi KNHT cả tháng với những xác chết là điều bình thường". Với mức lương 1,2 triệu đồng/tháng, riêng tiền thuê nhà đã hết 500 trăm nghìn, Dũng bảo: "Đi làm rồi mà gia đình vẫn phải hỗ trợ, kể cũng ngại. Các anh, các chú ở trong đội cứ nói vui: Làm ở đây chẳng có màu mè gì đâu, gắng mà chịu! Nhưng rồi ai cũng sống khoẻ và làm tròn trách nhiệm của mình". Đôi khi, nghĩ cũng thấy "tủi thân" cho các anh bởi dù đóng góp không nhỏ trong việc phá án, nhưng công việc thầm lặng của các anh mấy khi được mọi người trong xã hội biết đến mà ghi nhận, ngoài những người đồng đội và cấp trên. Những người "hỏi chuyện" người chết Nhắc đến những từ "bác sĩ pháp y", chắc hẳn nhiều người đã hình dung ra công việc suốt ngày "làm việc" với người chết,. Tuy nhiên đó cũng mới chỉ là bề nổi "rùng rợn" của công việc này. Bác sĩ Nguyễn Quốc Hải - Đội phó đội GĐPY- tâm sự rất thật với chúng tôi: "Nghề này chẳng ai muốn vào, thậm chí có người vào một thời gian rồi cũng sợ quá mà bỏ. Đội tôi có 4 người, bao nhiêu năm nay muốn tuyển thêm mà không có người. Tuy tôi là người ít tuổi nhất ở đây nhưng cũng đã gần 20 năm nghề rồi đấy". Môi trường làm việc độc hại, thường xuyên phải tiếp xúc với xác người chết thuộc đủ mọi thành phần trong xã hội, trong đó nghiện hút nhiều vô kể. Có ngày các anh phải đi khám nghiệm 4 vụ người nghiện hút bị chết và cùng với đó là nguy cơ lây nhiễm nhiều loại bệnh nguy hiểm như viêm gan B, AIDS... rất cao trong khi phương tiện bảo hộ thì rất sơ sài. Vụ án giết người rồi vứt xác xuống sông ở xã Liên Ninh, Thanh Trì dịp Tết năm 2004, giữa trời rét, các anh phải bỏ giầy tất, cởi quần áo lội ra kéo xác vào bờ. Vừa động vào tay nạn nhân, cả bàn tay rụng ra vì đã rữa. Về nhà tắm xà phòng mãi mà vẫn không hết mùi. Anh Hải bảo, kinh nghiệm của các anh là: "Nếu phải làm việc lâu với tử thi thối rữa, bọn mình phải đốt bồ kết hơ cho hết mùi, nhưng cái cảm giác thì khó mà hết được. Nhiều người chỉ nghe đã phát buồn nôn rồi, chưa nói gì đến chuyện làm việc với những xác chết ấy". Còn trung tá Ngô Quốc Tuấn thì nhớ lại: "Cái thời mà con anh còn nhỏ, mỗi lần sau khi khám nghiệm tử thi xong, anh không dám về nhà vì sợ con bị sài, đẹn. Có khi phải ở cơ quan cả tuần liền". Vậy mà, áp lực công việc của những bác sĩ pháp y cũng không phải là nhỏ. Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2005 họ đã phải khám nghiệm 350 vụ. Có những ngày phải làm 3-4 vụ, trung bình một tháng là khoảng 40 ca giám định. Khi được hỏi cơ duyên nào đã đưa đẩy họ đến với cái nghề mà đối với nhiều người là cả một nỗi khiếp sợ và lại còn gắn bó lâu dài với nó, tất cả các giám định viên đều thừa nhận: Đó là cái duyên cái số và âu cũng là sự phân công xã hội. "Bản thân chúng tôi chỉ biết làm việc hết mình. Còn sự gắn bó và tình yêu với công việc thì tự nó đến lúc nào không hay", BS Nguyễn Vinh - Đội trưởng đội GĐPY - như nói thay cho tâm sự của cả đội. |
▪ Khám phá một đường dây “chạy” vào đại học, cao đẳng ở Hà Tây (13/08/2005)
▪ Đàn em Hai Chi tiếp tục ra đầu thú (13/08/2005)
▪ Trịnh Nguyên Thủy 'bành trướng' xây dựng trang trại (13/08/2005)
▪ Vị cựu luật sư và những phi vụ lừa đảo (13/08/2005)
▪ Những lô đất 'vàng' đang bị bỏ hoang (13/08/2005)
▪ Kẻ tạt axít thẩm phán TAND Đống Đa ra đầu thú (13/08/2005)
▪ Áo giặt rồi vẫn tiết lộ dấu vết tội ác (13/08/2005)
▪ Hạ “què” lĩnh án 12 tháng tù giam (12/08/2005)
▪ Người tố cáo được hứa bảo đảm tính mạng (12/08/2005)
▪ Khởi tố bị can đối với nguyên Bí thư, Chủ tịch và Phó Chủ tịch thị xã Đồ Sơn (12/08/2005)