Trịnh Thị Thanh Hảo (SN 1958), trú ở Hữu Hòa (Thanh Trì, Hà Nội) chỉ là một người chuyên “chạy” đưa… bánh cốm cho các nhà hàng, quán nước trên địa bàn Hà Nội, Hà Tây... và văn hóa mới hết lớp 7. Nhờ chân chạy bánh cốm này mà Hảo quen biết khá nhiều người và cũng nắm được không ít thông tin tuyển sinh ở các trường. Có điều đáng chú ý, thị “chạy” cho các cháu vào đại học, cao đẳng chỉ hoàn toàn nhờ thông tin... “vỉa hè” và các “nhân viên” vô công rồi nghề ngồi… quán nước.
Vào đầu năm 2004, Hảo bắt quen được với Nguyễn Phong Tân (SN 1975), quê ở thị trấn Tân Kỳ (Nghệ An), hiện thuê nhà trú trọ ở tổ 2, Định Công (Hà Nội). Tốt nghiệp hệ cao đẳng Bách khoa, hiện Tân đang thất nghiệp. Tân được Hảo bắt mối nhờ “chạy” cho một số trường hợp vào hệ cao đẳng Bách khoa. Gã tự giới thiệu là nhân viên của "Trung tâm xúc tiến việc làm" thuộc "Công ty cổ phần Hướng nghiệp và Phát triển giáo dục”, nơi trước đây anh ta có vào làm hợp đồng một thời gian ngắn, có thể lo cho học sinh vào hệ cao đẳng Bách khoa với giá 11 triệu đồng một trường hợp. Hảo nhanh chóng thu gom được 15 bộ hồ sơ xin vào học đem nộp cho Tân cùng 90 triệu đồng tiền đặt “cọc” như thỏa thuận (6 triệu/hồ sơ). Sau đó ít ngày, Hảo lại nộp tiếp cho Tân 25 triệu đồng nữa, vị chi là 115 triệu đồng để gã lo mọi chuyện. Quả thật 15 thí sinh cũng được gọi vào học nhưng là học... dự thính. Sau đó, chỉ có bốn trong số 15 cháu được dự thi vào hệ cao đẳng. Kết quả có ba cháu thi đỗ, trong đó có cháu Nguyễn Thế H. (sn 1984), trú ở Ba La, Quang Trung (TX Hà Đông). Thông qua người quen, Hảo tìm được Vũ Tuấn T (ở Yên Bái - Bắc.. Giang) đang rất "muốn" vào lớp Trung cấp Công an, bao nhiêu cũng chấp nhận nên khi chị ta "hét" giá 95 triệu đồng, T vui vẻ chấp nhận ngay. Ngày 23-11-2004, T giao hồ sơ cho Hảo kèm theo 30 triệu đồng. Đến 23-3-2005, T lại đưa tiếp 49 triệu, tổng cộng là 79 triệu đồng. Số tiền còn lại, có giấy gọi vào trường T sẽ giao nốt. Có tiền, Hảo giao một lúc cho Tú 40 triệu đồng và bộ hồ sơ. Tú mang bộ hồ sơ đến nhờ ông Hoàng Xuân Quỳnh, Giám đốc Công ty TNHH Đại Hoàng xin cho T vào học lớp trung cấp CSGT và giao cho ông 23 triệu đồng. Nhưng Hảo không biết rằng, việc tuyển sinh của Lực lượng Công an có quy chế hết sức chặt chẽ nên phi vụ không thành. Nghe tin Hảo bị bắt vào ngày 12-4-2005, ông Quỳnh vội mang hồ sơ và 23 triệu đồng trả cho Tú.
Khi bắt giữ Hảo, các điều tra viên thu giữ được bốn cuốn sổ khổ giấy A4 ghi chi chít việc Hảo "chạy” cho các trường hợp vào các trường đại học, cao đẳng. Không chỉ "tuyển sinh" vào cao đẳng, đại học, Hảo còn "tuyển" việc làm các ngành nghề mà toàn... cao cấp cả có trường hợp Hảo ra giá tới 40 triệu đồng.
Hiện có hơn 50 trường hợp là nạn nhân của Hảo ở các tỉnh, thành phố Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Tây, Nam Định, Hà Nam, Hòa Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh... Điển hình, anh L trú ở Hàng Cót (Hà Nội) nhờ Hảo xin cho cháu vào học ở Trường đại học Kinh tế quốc dân với giá 60 triệu đồng. Cũng anh L nhờ một trường hợp khác vào Học viện Chính trị - quân sự với giá 40 triệu đồng.
Không chỉ “chạy” hồ sơ vào các đại học, cao đẳng, Hảo còn móc nối với Nguyễn Thị Thanh Huyền ở thị xã (TX) Hà Tĩnh để lập đường dây “chạy” các loại giấy phép lái xe (GPLX). Hảo tìm gặp anh Nguyễn Xuân Trường, trú ở Ba La (Hà Đông) vốn là địa chỉ đưa bánh cốm và anh Đặng Xuân Thành, trứ ở Hải Hậu (Nam Định), chỗ thân quen thông báo, có "mối" làm GPLX với giá 6 triệu đồng/ GPLX ôtô và 500 ngàn đồng/ GPLX mô tô.
Tháng 1-2005, anh Trường gom được 14 hồ sơ xin cấp GPLX mô tô và 2 hồ sơ xin cấp GPLX ôtô ở khu vực Hà Đông. Còn anh Thành cũng gom được 18 hồ sơ xin cấp GPLX mô-tô ở khu vực Nam Định chuyển cho Hảo. Sau khi nhận số hồ sơ này, Hảo chuyển vào cho Huyền cùng với số tiền là 33.150.000 đồng. Huyền liên hệ với Trần Trung Kiên, cán bộ Trung tâm xúc tiến việc làm TX Hà Tĩnh rồi chuyển cho Kiên toàn bộ số hồ sơ cùng 16,5 triệu đồng. Sau đó, Kiên lại chuyển hồ sơ và số tiền rút đi còn 15,5 triệu đồng cho Nguyễn Văn Đình, giáo viên Trường THPT Hoàng Xuân Hãn (TX Hà Tĩnh). Đến khi Đình chuyển 32 hồ sơ cho Bùi Vặn Thịnh (SN 1978), trú ở khối 7, Hà Huy Tập (TX Hà Tĩnh), hiện là cán bộ Phòng Vận tải quản lý phương tiện và người lái Sở GTVT Hà Tĩnh, là người "cấp" GPLX thì số tiền ấy chỉ còn 11 triệu đồng.
Nói về Bùi Văn Thịnh. Sau khi tốt nghiệp Đại học GTVT, tháng 10-2002 Thịnh được nhận vào làm ở Sở GTVT Hà Tĩnh. Trẻ tuổi, có trình độ lại chịu khó nên Thịnh được sự tín nhiệm của mọi người. Thế nên, khi các điều tra viên Công an Hà Tây thông báo, Thịnh phạm tội làm giả GPLX ai nấy hết sức ngạc nhiên. Thì ra, Thịnh được giao nhiệm vụ quản lý toàn bộ số phôi (mẫu GPLX), con dấu... nên việc làm giả quá đơn giản. Lợi dụng một ngày nghỉ đầu tháng 4-2005, Thịnh mò đến cơ quan, lấy phôi tự in ấn rồi dán ảnh người được cấp GPLX vào, sau đó ký giả chữ ký của ông trưởng phòng. Còn việc đóng dấu đỏ, dấu nổi cũng không khó khăn gì bởi tròng tay Thịnh cả. Chỉ non một tiếng đồng hồ, Thịnh đã hoàn tất 32 GPLX.
Điều Thịnh không thể ngờ được, sau khi giao "hàng" cho Đình, chỉ ít ngày sau , vào 17 giờ ngày 12-4, khi Hảo đang trao 14 GPLX cho vợ anh Trường thì bị các trinh sát hình sự Công an Hà Tây bắt giữ. Khám xét nơi ở của Hảo, Cơ quan CSĐT thu giữ 18 GPLX mà chị ta nhận làm cho anh Thành. Trong bản kết luận giám định số 13/ PC21 của Công an Hà Tây xác định, số GPLX ấy là giả. Biết không thể trốn tránh được tội lỗi Thịnh đã đến Công an Hà Tây xin đầu thú.
Hiện Phòng CSĐT tội phạm về TTXH Công an Hà Tây vẫn đang tập trung điều tra vụ án. Do số người bị hại ở trên địa bàn nhiều tỉnh, thành phố nên ai là nạn nhân của Trịnh Thị Thanh Hảo xin mời liên hệ: Phòng CSĐT tội phạm về TTXH Công an Hà Tây, số máy 034889269, 034889059 hoặc các số máy di động 0913288169, 0912025946.
|