Đừng tưởng giặt quần áo là có thể giấu được tội ác. Các nhà nghiên cứu cho biết, những kẻ tội phạm chỉ tốn thời gian tẩy xoá giấu vết, vì giờ đây họ đã có phương pháp mới lôi chúng ra ánh sáng, kể cả khi đã được giặt kỹ trong máy.
Tiến sĩ Rebecca Watt, từ Trung tâm khoa học pháp y tại Đại học Công nghệ, Sydney, Australia và cộng sự hy vọng kỹ thuật mới sẽ giúp cảnh sát tìm kiếm bằng chứng dễ dàng hơn ngay cả sau khi chúng đã đi qua máy giặt.
"Thường thì tội phạm sẽ giặt quần áo của chúng sau khi thực hiện tội ác để xoá dấu vết. Nạn nhân của các vụ xâm hại tình dục cũng thường cố gắng làm sạch mình bằng cách cho đồ vào máy giặt", Watt nói.
Trong khi sợi vải là một trong những loại bằng chứng phổ biến nhất tìm thấy tại hiện trường, thì chúng lại ít được sử dụng để tìm ra kẻ gây án. Đó là vì, theo Watt, một sợi vải thường giống hệt như loại sợi khác cùng vật liệu và màu sắc. Vì thế, ngay cả sau khi phân tích kỹ càng, các chuyên gia cũng không chắc chắn xuất xứ của nó.
Chẳng hạn, nếu sợi vải rơi ra từ áo nạn nhân lại giống với vải trên áo nghi phạm, người ta có thể cho rằng nó dính vào từ những quần áo khác trong quá trình giặt trong máy.
Để giải quyết những tình huống như vậy, Watt đã thử thu thập thông tin cơ sở về khả năng các loại sợi vải khác nhau dính vào quần áo trong máy giặt. Về lý thuyết, loại sợi càng ít gặp, càng ít có khả năng nó rơi ra từ máy giặt, và càng nhiều khả năng nó là bằng chứng có giá trị.
Watt đã giặt chiếc áo thun màu trắng trong 5 chiếc máy giặt cửa trên và 5 chiếc máy giặt cửa trước. Sau đó, bà sử dụng băng dính để thu thập các sợi vải dính vào chiếc áo trong quá trình giặt, và kiểm tra bộ sưu tập này dưới kính hiển vi.
Tổng cộng, bà đã kiểm tra 12.178 sợi vải, hầu hết dài chưa đầy 2 milimét, và thuộc về 36 nhóm, phụ thuộc vào nguồn gốc vật liệu, độ dài và màu sắc. Vật liệu phổ biến nhất là cotton, chiếm 70% các sợi. Sợi tổng hợp chiếm 24%. Len và lông thỏ rất hiếm. Màu sợi vải thường gặp nhất là đen/xám, chiếm tới 40%. Sau đó là xanh dương và đỏ. Ít gặp nhất là màu tía, cam, vàng, xanh lục và nâu.
Watt không thu thập những sợi trắng vì bà không thể biết chúng rơi ra từ chiếc áo thun hay không phải. Nhìn chung, sợi vải cotton màu đỏ, xanh dương, đen/xám chiếm 2/3 tất cả các sợi vải thu được trong máy giặt. Sợi polyester màu tía và cam là ít nhất.
Watt cho biết đây có thể là một công cụ bổ trợ để giúp xác định khả năng sợi vải nghi ngờ tìm thấy trên quần áo nghi phạm là rơi ra từ máy giặt, chứ không phải của nạn nhân.
"Nếu bạn tìm thấy sợi vải hiếm gặp nhất cả về màu sắc và vật liệu, chẳng hạn sợi polyester màu cam và tía, thì nhiều khả năng chúng là chứng cứ hơn là sợi vải cotton màu xanh dương", Watt nói.
Bà cũng cho biết nghiên cứu có thể có ích trong trường hợp nạn nhân giặt đồ của mình.
T. An (theo ABConline)
▪ Đàn em Hai Chi tiếp tục ra đầu thú (13/08/2005)
▪ Vị cựu luật sư và những phi vụ lừa đảo (13/08/2005)
▪ Hạ “què” lĩnh án 12 tháng tù giam (12/08/2005)
▪ Người tố cáo được hứa bảo đảm tính mạng (12/08/2005)
▪ Khởi tố bị can đối với nguyên Bí thư, Chủ tịch và Phó Chủ tịch thị xã Đồ Sơn (12/08/2005)
▪ Về sự khác nhau giữa khiếu nại và tố cáo (12/08/2005)
▪ Nhiều người không đủ tiền để làm “sổ đỏ” (12/08/2005)
▪ Tra khảo 'tình địch' ở nghĩa trang (12/08/2005)
▪ Khởi tố 3 người nguyên là lãnh đạo thị xã (12/08/2005)
▪ Cần hướng dẫn cụ thể việc quản lý thu thuế thu nhập doanh nghiệp từ chuyển quyền sử dụng đất (12/08/2005)