Khó khăn, nguy hiểm trong việc vây bắt đối tượng truy nã về ma túy
Báo Tiếng chuông - 25/08/2016
Đối tượng truy nã về ma túy thường là đối tượng đặc biệt nghiêm trọng, án phạt cao, các đối tượng truy nã sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi để lẩn trốn, che dấu tung tích, đánh lạc hướng cơ quan công an.

Ảnh minh họa

 

Phát sinh nhiều đối tượng truy nã về ma túy

Theo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C47, Bộ Công an), do tính chất nguy hiểm của tội phạm ma túy và chính sách hình sự nghiêm khắc của nhà nước ta, các ổ nhóm tội phạm ma túy thường được tổ chức rất chặt chẽ nhưng hoạt động mang tính độc lập từng công đoạn và có nhiều thủ đoạn lẩn trốn, gây nhiều khó khăn cho cơ quan điều tra trong xác minh bắt giữ khi bị phát hiện.

Đối tượng truy nã về ma túy thường là đối tượng đặc biệt nghiêm trọng, án phạt cao, quá trình phạm tội thường hoạt động theo đường dây, khép kín trong dòng họ, gia đình và bạn bè thân thiết, có tổ chức chặt chẽ, lợi nhuận cao, chia nhỏ từng công đoạn, thường xuyên thay đổi phương thức hoạt động, lợi dụng thành tựu khoa học công nghệ vào hoạt động phạm tội, thủ đoạn rất tinh vi, xảo quyệt, bí mật vì vậy khi một hoặc vài đối tượng trong đường dây ổ nhóm bị bắt hoặc nghi bị bắt thì số đối tượng có liên quan lập tức bỏ trốn, đồng thời tìm mọi cách đối phó với sự phát hiện của cơ quan chức năng và quần chúng nhân dân cũng như chính quyền địa phương... nên đã phát sinh nhiều đối tượng truy nã.

Các đối tượng truy nã sử dụng nhiều thủ đoạn để lẩn trốn, che dấu tung tích, thay tên, đổi họ, thay đổi nơi cư trú, làm giả giấy tờ tạo vỏ bọc hợp pháp, trốn ngược lại theo đường dây hoạt động, trốn nơi xa xôi, hẻo lánh, sử dụng phương tiện thông tin để đánh lạc hướng cơ quan Công an. Trong quá trình lẩn trốn các đối tượng thường móc nối với đồng bọn dùng tiền để mua chuộc, làm giấy tờ giả, thậm chí dùng vũ khí đe dọa nhân dân, chính quyền cơ sở; kích động ép buộc người dân tham gia hoạt động chống đối và làm lá chắn bảo vệ cho chúng.

Nguy hiểm hơn là đối tượng truy nã phạm tội về ma túy cấu kết thành băng nhóm, tiếp tục mua bán ma túy, tự trang bị vũ khí để chống trả lại lực lượng chức năng khi bị phát hiện, vây bắt gây nhiều khó khăn và thương vong cho lực lượng truy bắt. Điển hình như việc truy bắt Vàng A Khua, tại xã Hang Kia, Mai Châu, Hòa Bình; các đối tượng Hà Công Khánh, Hà Công Thành ở Tân Sơn, Mai Châu, Hòa Bình; đối tượng Nguyễn Thị Khảnh ở Hưng Hà, Thái Bình...

Bên cạnh đó, lợi dụng chính sách mở cửa, hội nhập kinh tế thế giới của đất nước, nhiều đối tượng truy nã phạm tội về ma túy đã tìm cách trốn ra nước ngoài nhất là các nước có chung đường biên giới như Trung Quốc, Lào, Campuchia. Theo số liệu của C47, hiện còn gần 200 đối tượng truy nã có tài liệu đã trốn ra nước ngoài, trong đó có 95 đối tượng trốn sang Lào, 67 đối tượng trốn sang Trung Quốc. Bên cạnh đó, một số đối tượng là người nước ngoài, Việt kiều phạm tội về ma túy trên đất Việt Nam hoặc móc nối với các đôi tượng là người Việt Nam, khi đường dây bị bắt, cơ quan điều tra đã ra lệnh bắt thì các thông tin, tài liệu về đối tượng không đầy đủ nên phải truy nã, không thể xác minh, truy bắt.

Trước tình hình đó, C47 đã thành lập tổ theo dõi, bắt đối tượng truy nã, thường xuyên phối hợp với Cục Cảnh sát truy nã tội phạm (C52), các địa phương rà soát thống kê, trao đổi thông tin, phối hợp với các đơn vị địa phương, tổ chức xác minh, truy bắt đạt được nhiều kết quả. Đồng thời mở website tổng hợp thông tin đối tượng truy nã về ma túy lên mạng, giúp các đơn vị địa phương cập nhật thông tin phục vụ xác minh truy bắt; hàng năm đã có hàng trăm thư kêu gọi đối tượng truy nã đầu thú bước đầu đã có hiệu quả.

Bắt, vận động đầu thú, thanh loại hơn 1500 đối tượng

Phần lớn các đối tượng truy nã về ma túy đều là đối tượng truy nã đặc biệt nguy hiểm, nhiều đối tượng thường xuyên mang theo vũ khí nóng để chống trả, đối phó khi bị phát hiện nên lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã vận dụng đồng bộ, tổng hợp các biện pháp nghiệp vụ trong các chuyên án truy bắt đối tượng truy nã.

Tính đến ngày 31/12/2009, số truy nã phạm tội về ma túy chưa bắt được của toàn hệ lực lượng là 990 đối tượng. Từ ngày 1/1/2010 tới 15/5/2016 phát sinh 1.347 đối tượng, trong đó số đặc biệt nguy hiểm và nguy hiểm là 980 đối tượng, chiếm trên 72%. Với sự mưu trí, dũng cảm và tinh thần cương quyết đấu tranh chống tội phạm, trong 5 năm (2011 - 2015), Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy và các lực lượng nghiệp vụ khác đã bắt, vận động đầu thú, thanh loại 1.504 đối tượng truy nã về ma túy. Đến 31/12/2015 số chưa bắt được là 919 đối tượng, trong đó số đối tượng nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm là 623 đối tượng.

Đặc biệt một số địa phương như Bình Định, Bình Thuận, Bắc Kạn, Đà Nẵng, Phú Yên, Quảng Trị đã truy bắt, vận động đầu thú 100% số đối tượng  truy nã phạm tội về ma túy.

Tuy nhiên, công tác tuyên truyên, vận động và truy bắt đối tượng truy nã về ma túy những năm qua gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Đáng chú ý là đối tượng truy nã về ma túy thường trốn ở vùng sâu, vùng xa, vùng rừng núi hiểm trở nhiều làng bản, đường vào bản đi lại khó khăn (chỉ có 1 con đường độc đạo) rất khó cho việc tổ chức vây bắt đối tượng ma túy và đối tượng truy nã.

Đồng bào dân tộc lạc hậu, nghèo khó bị đối tượng phạm tội về ma túy mua chuộc lôi kéo, không dám tố giác hoặc ủng hộ chính quyền trong tuyên truyền vận động các đối tượng ra tự thú. Cấp ủy chính quyền của 1 số bản yếu kém, không dám đấu tranh, thậm chí liên quan hoặc có người thân liên quan đến ma túy, cho nên không ủng hộ lực lượng chức năng, có những bản như Tà Dê, Lũng Xá, xã Lóng Luông, lực lượng chức năng vào bắt tội phạm rất khó khăn. Công tác phối hợp trao đổi thông tin về tội phạm ma túy, đối tượng truy nã giữa các lực lượng nhất là giữa Công an với Bộ đội biên phòng chưa thường xuyên chưa kịp thời…

Theo Đại tá Phạm Văn Chình, Phó Cục trưởng Cục C47, công tác bắt đối tượng truy nã về ma túy là việc làm khó khăn, phức tạp, nguy hiểm, cần phải có sự quan tâm chỉ đạo của Lãnh đạo chỉ huy các cấp.

Xuất phát từ đặc điểm hình sự, đặc điểm nhân thân và tính chất họat động của các đối tượng truy nã về ma túy, lực lượng cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy cần phải làm tốt công tác nghiệp vụ cơ bản, nắm chắc tình hình, địa bàn, di biến động của đối tượng truy nã, phát hiện các mối quan hệ của đối tượng sau khi trốn để kịp thời truy bắt. Vận động thân nhân, gia đình, đối tượng đặc biệt chú ý những người có uy tín, ảnh hưởng để vận động đối tượng ra đầu thú; tuyên truyền về chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước đối với đối tượng truy nã ra đầu thú.

Bên cạnh đó, tăng cường lực lượng tích cực điều tra xác minh trao đổi thông tin phối hợp các lực lượng chức năng để truy bắt các đối tượng phạm tội về ma túy trốn truy nã đưa xử lý trước pháp luật; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc thực hiện công tác truy nã tại các đơn vị, địa phương; tăng cường hợp tác với các nước trong khu vực, các nước có chung biên giới đặc biệt là với Lào, Trung Quốc và các nước khác chủ động trao đổi thông tin phối hợp xác minh truy bắt các đối tượng truy nã của Việt Nam trốn ra nước ngoài và ngược lại.

Các địa phương cần lập tổ công tác thường xuyên trao đổi thông tin, xác minh, tạo điều kiện hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau trong điều tra, truy bắt các đối tượng phạm tội ma túy lẩn trốn ở nước ngoài.