![]() |
Ma túy đá không chỉ gây nghiện mà còn khiến cho những người sử dụng có dấu hiệu bị hoang tưởng, ảo giác, rối loạn tâm thần
Theo báo cáo tình hình, kết quả công tác phòng chống HIV/AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy mại dâm 6 tháng đầu năm 2016 của UBND tỉnh Thanh Hóa, tính đến hết tháng 6/2016, toàn tỉnh có 6.833 người nghiện có hồ sơ quản lý, tăng 124 người so với cuối năm 2015. Các loại ma túy do người nghiện sử dụng: thuốc phiện 1,2%, heroin khoảng 82%, ma túy tổng hợp khoảng từ 15-17% (tăng 3% so với cùng kỳ).
Cũng theo đánh giá của các cơ quan chức năng thì tình hình người nghiện sử dụng ma túy tổng hợp dạng “đá” đang có xu hướng gia tăng trong giới trẻ, các đối tượng lợi dụng tiệc sinh nhật, liên hoan, đám cưới để thuê nhà nghỉ, khách sạn, quán karaoke tổ chức sử dụng ma túy, gây khó khăn cho công tác phòng ngừa và đấu tranh.
Cùng với khó khăn trong việc phát hiện và bắt giữ, việc áp dụng các biện pháp cai nghiện đối với các đối tượng này cũng gặp khó khăn. Bởi, theo khoản 3, Điều 5, Nghị định 221 quy định “không áp dụng biện pháp đưa người vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện đang tham gia điều trị chất thuốc phiện” và quy định tại Điều 21 Nghị định 96/2012/NĐ-CP nên các đối tượng nghiện tìm mọi cách tham gia chương trình cai thay thế bằng các chất dạng thuốc phiện methadone, nhưng trên thực tế họ vẫn sử dụng các chất ma túy dạng thuốc phiện để tránh bị lập hồ sơ đưa vào cai nghiện bắt buộc, dẫn đến không giảm được “cầu”, chặn được “cung”.
Để chủ động phòng ngừa và đấu tranh, ngăn chặn tội phạm và tệ nạn ma túy, thời gian qua, Công an tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp với các cấp, các ngành và các tổ chức đoàn thể xã hội làm tốt công tác rà soát, nắm tình hình, chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền và ban chỉ đạo phòng chống ma túy các cấp triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 21 của Bộ Chính trị về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng chống, kiểm soát ma túy trong tình hình mới; chương trình hành động phòng chống ma túy của Chính phủ; huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tích cực tham gia công tác phòng ngừa, đấu tranh, tố giác tội phạm và tệ nạn ma túy, xây dựng xã, phường, thị trấn không có tệ nạn ma túy.
Trong đó, tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và ý thức, trách nhiệm của toàn dân, nhất là đối với thanh, thiếu niên, học sinh, không để kẻ xấu lợi dụng lôi kéo vào các hoạt động liên quan đến ma túy; tuyên truyền, vận động nhân dân vùng miền núi, biên giới không trồng hoặc tái trồng các loại cây có chứa chất ma túy..
Do làm tốt công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy nên 6 tháng đầu năm 2016, lực lượng cảnh sát điều tra (CSĐT) tội phạm về ma túy (Công an tỉnh Thanh Hóa) đã phát hiện, xử lý 398 vụ, 456 đối tượng liên quan đến ma túy. Khởi tố gần 300 vụ, hơn 300 bị can. Thu giữ hơn 9 kg heroin, 1,2 kg ma túy tổng hợp dạng đá, gần 3 kg và 2.000 viên ma túy tổng hợp các loại.
Riêng phòng CSĐT tội phạm về ma túy đã xác lập và triệt xóa 12 chuyên án ma túy liên huyện, liên tỉnh và xuyên quốc gia. Điển hình như ngày 9/3/2016, Phòng CSĐT tội phạm về ma túy đã bắt quả tang 4 đối tượng gồm: Nguyễn Văn Đính, sinh năm 1970 ở phường Tân Thành, TP Thái Nguyên; Nguyễn Thị Bé, sinh năm 1989, ở huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên; Nghiêm Văn Trọng, sinh năm 1989, ở xã Nga Thủy và Trịnh Văn Thành, sinh năm 1989 ở xã Nga Thành, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa đang mua bán trái phép 2,1 kg ma túy dạng đá. Đây là đường dây vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy tổng hợp dạng đá lớn nhất từ Lạng Sơn qua Thái Nguyên về Thanh Hóa tiêu thụ.
Tiếp đó, ngày 1/5/2016, Phòng CSĐT tội phạm về ma túy đã bắt quả tang 2 vợ chồng Vi Văn Thưởng và Vi Thị Êu, ở xã Mường Lý, huyện Mường Lát đang vận chuyển trái phép 2 bánh heroin đi tiêu thụ.
Việc sử dụng ma túy tổng hợp dạng đá không chỉ gây nghiện mà còn khiến cho những người sử dụng có dấu hiệu bị hoang tưởng, ảo giác, rối loạn tâm thần nếu sử dụng trong thời gian dài. Đối với những người đã từng nghiện heroin khi chuyển sang dùng ma túy dạng đá thì bị rối loạn tâm thần còn nhanh hơn. Đặc biệt, người sử dụng ma túy dạng đá dễ bị kích động, dễ nổi giận, không kiểm soát được cảm xúc, hành vi...
Trước tình hình trên, nhằm ngăn chặn tình trạng buôn bán, sử dụng ma túy nói chung và ma túy tổng hợp nói riêng, các ngành chức năng cần đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông tạo phong trào sâu rộng khuyến khích người dân phát hiện, tố giác và tham gia đấu tranh phòng, chống ma túy. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền; kiềm chế phát sinh người nghiện mới và nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện; tăng cường sự phối kết hợp chặt chẽ giữa các lực lượng liên quan, giữa lực lượng công an với các cơ quan, nhà trường, gia đình trong công tác phòng, chống ma túy.
Đồng thời thực hiện đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để kịp thời phát hiện, ngăn chặn xử lý tội phạm và tệ nạn ma túy.
Cùng với công tác phòng chống tội phạm ma túy của công an, ngành chức năng, cộng đồng, gia đình cần quan tâm, giáo dục con em không sa vào các tệ nạn cũng như sử dụng ma túy, góp phần đảm bảo an ninh trật tự ở địa phương.
▪ Rà soát các cơ sở sử dụng lao động trẻ em, lao động cưỡng bức (16/08/2016)
▪ Phá án ngoạn mục: Lật tẩy ông trùm gái gọi qua mạng (16/08/2016)
▪ Nhổ và hủy 3.000 m2 cần sa trên núi (15/08/2016)
▪ Xây dựng Tòa ma túy: Vai trò của ngành LĐTBXH (13/08/2016)
▪ Bắt nhóm “ma cô” ép “gái gọi” đi bán dâm (12/08/2016)
▪ Hà Giang bác thông tin 16 vụ bắt cóc trẻ em lấy nội tạng (11/08/2016)
▪ Vụ bé 6 tuổi bị xâm hại ở Vũng Tàu: Cần sự công tâm của pháp luật (10/08/2016)
▪ Áp dụng biện pháp hành chính đưa người nghiện đi cai: “Nghẽn” từ khâu đầu tiên (09/08/2016)
▪ Bổ sung điều kiện cơ sở KCB được thực hiện kỹ thuật mang thai hộ (08/08/2016)
▪ Thành phố cửa khẩu nỗ lực đẩy lùi tội phạm mua bán người (04/08/2016)