![]() |
15,8kg ma túy tổng hợp vận chuyển quá cảnh Trung Quốc-Việt Nam-Campuchia-Thái Lan để tiêu thụ (vụ việc do lực lượng Hải quan bắt giữ ngày 3-6-2016). Ảnh do Cục Điều tra chống buôn lậu cung cấp) |
260 triệu đồng/kg ma túy tổng hợp
Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm ma túy (C47-Bộ Công an) Nguyễn Anh Tuấn cho biết: Trong những năm qua, tuyến biên giới Việt Nam-Trung Quốc luôn được xác định là tuyến trọng điểm, phức tạp về hoạt động phạm tội ma túy, nhất là tình trạng mua bán, vận chuyển ma túy tổng hợp. Thực tiễn đấu tranh, ma túy chủ yếu là heroin được mua bán, chuyển từ Lào về Việt Nam tiêu thụ hoặc tiếp tục vận chuyển sang Trung Quốc qua địa bàn các tỉnh như Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai… và ma túy tổng hợp dạng đá từ Trung Quốc được mua bán, vận chuyển ngược lại về Việt Nam.
Ông Nguyễn Anh Tuấn chỉ rõ: Hiện Việt Nam có khoảng 203.000 người nghiện ma túy. Qua theo dõi, lượng ma túy tổng hợp từ Trung Quốc thẩm lậu vào Việt Nam chiếm trên 90% lượng ma túy tiêu thụ trong nước. Hầu hết các vụ mua bán, vận chuyển ma túy (là heroin) lớn vận chuyển sang Trung Quốc chiếm trên 70%, còn lại tiêu thụ trong nước. Từ năm 2010 và năm 2011, ma túy tổng hợp thẩm lậu vào Việt Nam có giá thành khoảng 2 tỷ đồng/kg; đến thời điểm tháng 8-2016, giá thành khoảng 260 triệu đồng/kg. Nguyên nhân là do xuất hiện ngày càng nhiều các loại ma túy tổng hợp hoặc giá nguyên liệu sản xuất ma túy tổng hợp giảm.
Đồng tình với quan điểm trên, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống tội phạm ma túy (Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng) Ngô Thái Dũng khẳng định: Heroin từ Lào, Myanmar vào Việt Nam qua dọc tuyến biên giới Việt-Lào; trên dọc tuyến biên giới Việt-Trung, ma túy tổng hợp vẫn là số 1. Qua thực tế đấu tranh, số lượng ma túy tổng hợp bị bắt giữ năm 2015 tăng 2,5% so với năm 2014. Trong 6 tháng đầu năm 2016, lượng ma túy (heroin, ma túy tổng hợp) tăng 4,6% so với cùng kỳ. Trung Quốc vẫn là quốc gia sản xuất ma túy tổng hợp chủ yếu.
Trong tháng 6-2016, thực hiện tháng cao điểm phòng, chống ma túy, lực lượng Biên phòng đã phát hiện, thu giữ 22kg ma túy tổng hợp trên tuyến biên giới Việt-Trung. Để triệt phá những đường dây vận chuyển ma túy tổng hợp trên tuyến này buộc lực lượng chức năng phải triển khai các biện pháp nghiệp vụ, xây dựng mạng lưới cộng tác viên vững chắc. Song hiện nay, lực lượng Biên phòng gặp nhiều khó khăn về cơ sở bí mật trên tuyến biên giới Việt -Trung. Lượng ma túy qua lại biên giới sẽ giảm nếu hai bên cùng quyết liệt đấu tranh phòng, chống ma túy. Tuy nhiên, trên thực tế, công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng hai nước Việt-Trung mới dừng lại ở việc tuần tra chung cũng như xây dựng các cặp bản kết nghĩa.
Phối hợp đồng bộ nội địa và biên giới
Để vận chuyển trót lọt ma túy, các đối tượng thường triệt để khai thác sự thông thương tại các cửa khẩu, cũng như sự qua lại thuận tiện giữa hai nước thông qua đường mòn, đường tiểu ngạch để vận chuyển ma túy từ Việt Nam sang Trung Quốc và ngược lại. Tham gia vận chuyển thường là các đối tượng phạm tội ở Việt Nam, cũng như người Việt Nam sinh sống ở Trung Quốc để hình thành các đường dây mua bán, vận chuyển ma túy xuyên quốc gia. Tinh vi hơn, bọn chúng lợi dụng những người lao động phổ thông, không có nghề nghiệp, thu nhập không ổn định, cư trú vùng giáp biên giới để vận chuyển ma túy thuê. Mặt khác, một số đối tượng người Trung Quốc tìm cách thâm nhập sâu vào trong nội địa Việt Nam móc nối với đối tượng người Việt để mua bán, vận chuyển ma túy sang Trung Quốc tiêu thụ. Ma túy được giấu trên phương tiện, giấu lẫn cùng các loại hàng hóa, hàng nông sản XK, NK qua biên giới.
Ông Ngô Thái Dũng đề nghị, các lực lượng thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn hoạt động của tội phạm và tệ nạn ma túy. Trong đó, lực lượng chuyên trách thực hiện đấu tranh và công tác tuyên truyền thì chính quyền, địa phương phải là nòng cốt. Do vậy, lực lượng Biên phòng, Hải quan, Công an các tỉnh biên giới phía Bắc tập trung tham mưu cho UBND các tỉnh để làm tốt công tác tuyên truyền từ cấp tỉnh, huyện, xã, phường, thôn, bản. Bên cạnh đó, giảm áp lực cho lực lượng chức năng từ biên giới bằng cách giảm nhu cầu sử dụng ma túy, kéo theo giảm lợi nhuận ngay từ trong nước. Do vậy, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy phải được thực hiện đồng bộ từ trong nội địa đến khu vực biên giới và ngược lại. Tăng cường hơn nữa công tác phối hợp, hợp tác giữa các cơ quan nghiệp vụ của các lực lượng chức năng hai bên biên giới (Biên phòng, Công an, Hải quan), nhất là các đơn vị đóng trên địa bàn trọng điểm tích cực hợp tác với các lực lượng chức năng các tỉnh: Vân Nam, Quảng Tây trong triển khai các phương án, kế hoạch.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, đến hết 15-6, lực lượng Hải quan đã chủ trì và phối hợp với lực lượng chức năng bắt giữ 65 vụ/62 đối tượng; thu giữ 14,1kg heroin; 36kg cocain; 42,4kg cần sa; 8,5kg thuốc phiện; 27.717 viên ma túy tổng hợp và 2,5kg ephedrine.
Điển hình là ngày 3-6, Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) xác lập chuyên án, phối hợp với Cục Hải quan Tây Ninh, Chi cục Hải quan cửa khẩu Xa Mát tiến hành kiểm tra lô hàng quá cảnh thuộc tờ khai 500043222640 ngày 31-5-2016 của nhóm tội phạm gốc Phi vận chuyển quá cảnh Trung Quốc-Việt Nam-Campuchia-Thái Lan để tiêu thụ; thu giữ 15,8 kg ma túy. |
▪ Thanh Hóa: Gia tăng tội phạm sử dụng ma túy tổng hợp (18/08/2016)
▪ Rà soát các cơ sở sử dụng lao động trẻ em, lao động cưỡng bức (16/08/2016)
▪ Phá án ngoạn mục: Lật tẩy ông trùm gái gọi qua mạng (16/08/2016)
▪ Nhổ và hủy 3.000 m2 cần sa trên núi (15/08/2016)
▪ Xây dựng Tòa ma túy: Vai trò của ngành LĐTBXH (13/08/2016)
▪ Bắt nhóm “ma cô” ép “gái gọi” đi bán dâm (12/08/2016)
▪ Hà Giang bác thông tin 16 vụ bắt cóc trẻ em lấy nội tạng (11/08/2016)
▪ Vụ bé 6 tuổi bị xâm hại ở Vũng Tàu: Cần sự công tâm của pháp luật (10/08/2016)
▪ Áp dụng biện pháp hành chính đưa người nghiện đi cai: “Nghẽn” từ khâu đầu tiên (09/08/2016)
▪ Bổ sung điều kiện cơ sở KCB được thực hiện kỹ thuật mang thai hộ (08/08/2016)