Ông Hoàng được triệu tập tới trụ sở cơ quan công an từ sáng 3-10, sau đó đưa về nhà riêng và tại số 9 đường Thái Văn Lung, quận 1, để tiến hành khám xét. Tại đây, Cơ quan điều tra thu giữ một số tài liệu có liên quan vụ án.
Ông Lê Minh Hoàng sinh ngày 13-8-1945. Quê quán xã Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau. Hiện cư trú tại số 9 Thái Văn Lung, phường Bến Nghé, quận 1, TP Hồ Chí Minh. Tốt nghiệp đại học - kỹ sư điện. Là đại biểu Quốc hội khóa X và khóa XI. Từ 1996 đến 1998: ông Hoàng làm Phó giám đốc Công ty Điện lực 2. Từ 1998 đến tháng 7-2005, làm Giám đốc Công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh (ông Hoàng xin từ chức sau khi xảy ra vụ điện kế điện tử). Ông Hoàng có vợ là bà Ngô Thị Bích Lan, hiện công tác tại bộ phận hành chính thuộc Công ty Điện lực 2, có ba người con, trong đó hai người con đang công tác tại Công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh. | Ngay sau đó, ông Hoàng tiếp tục được đưa về nơi làm việc cũ tại Công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh, số 12 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Đa Kao, quận 1 để chứng kiến việc khám xét, công bố các thủ tục tố tụng. Cùng lúc, ông Trần Thành Long, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh cũng đã có mặt tại Công ty Điện lực TP để trao nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An ký tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội đối với ông Lê Minh Hoàng - đại biểu Quốc hội khóa XI.
Sau khi khám xét, thực hiện các thủ tục tố tụng tại Công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh, ông Lê Minh Hoàng được đưa về trại tạm giam của Bộ Công an.
Hành vi cố ý làm trái của ông Lê Minh Hoàng
Do có nhiều sai phạm trong việc tổ chức đấu thầu, ký kết hợp đồng mua 312.000 điện kế điện tử (được xác định là hàng giả), Giám đốc Điện lực TP Hồ Chí Minh Lê Minh Hoàng cùng những người khác đã gây thiệt hại cho nhà nước hơn 185 tỷ đồng, chưa tính thiệt hại do lắp đặt, tháo dỡ những thiết bị không đạt tiêu chuẩn này và bồi thường cho khách hàng.
Trong quá trình điều tra, Cơ quan điều tra đã xác định vai trò, trách nhiệm của ông Lê Minh Hoàng trong vụ án này là “cố ý làm trái”. Hành vi “cố ý làm trái” của nguyên Giám đốc Lê Minh Hoàng được thể hiện trong các sai phạm chính xảy ra tại Công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh trong quá trình ký kết, thực hiện hợp đồng mua điện kế điện tử (ĐKĐT) của Công ty Linkton Singapore.
Cụ thể, mặc dù Tổng Công ty Điện lực Việt Nam đã duyệt kế hoạch đấu thầu để mua 40.000 chiếc ĐKĐT một pha với đơn giá 340.000 đồng/chiếc nhưng khi lập hồ sơ mời thầu, Công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh đã tự ý thay đổi số lượng ĐKĐT và tăng giá lên 580.000 đồng/chiếc. Trong quá trình lập tiêu chuẩn xét thầu không đặt ra tiêu chuẩn về việc xem xét đến năng lực nhà thầu và chứng chỉ ISO của nhà sản xuất.
Tổ chức nhận hồ sơ thầu, xem xét, đánh giá và công nhận nhà thầu Công ty Linkton Singapore trúng thầu trong khi hồ sơ đấu thầu không đủ điều kiện tiên quyết đặt ra trong tiêu chuẩn xét thầu như đăng ký kinh doanh hết hạn, trong đăng ký kinh doanh không có chức năng sản xuất ĐKĐT, không có hồ sơ chứng minh năng lực tài chính, mẫu hàng nộp sau khi đã mở thầu không đúng với loại hàng trong hồ sơ mời thầu, không có biên bản thử nghiệm điển hình sản phẩm.
Khi ký kết hợp đồng không qua bước thương thảo hợp đồng trình cấp có thẩm quyền phê duyệt mà tự ý ký kết. Nội dung hàng hóa (ĐKĐT) trong hợp đồng ghi rõ là nhà sản xuất tại Singapore nhưng các điều kiện khác của hợp đồng lại xác định nguồn gốc hàng hóa từ Công ty Linkton Vina.
Nghiêm trọng hơn, Công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh còn dễ dàng chấp nhận để Công ty Linkton Vina thực hiện một phần hợp đồng trong khi hồ sơ mời thầu không cho phép ủy quyền; chỉ tổ chức đấu thầu 10.000 chiếc ĐKĐT, sau đó tự ý ký kết 13 hợp đồng mua 302.000 chiếc ĐKĐT của Công ty Linkton Vina sản xuất và lắp ráp tại Việt Nam.
Trong suốt quá trình mở thầu, đánh giá đấu thầu, xét thầu... hầu hết các quyết định từ Công ty Điện lực đều do ông Hoàng phê duyệt và ký.
Liên quan vụ án, cơ quan điều tra đã phê chuẩn lệnh khởi tố, tạm giam và khám xét với sáu người về tội cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; hai trường hợp về hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả.
Như vậy từ những sai phạm việc mua 312.000 ĐKĐT, Cơ quan điều tra đã bắt, tạm giam 8 bị cáo: Lê Minh Hoàng (nguyên Giám đốc Công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh), Lê Văn Hoành (nguyên Phó giám đốc Công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh), Huỳnh Ngọc Thành (nguyên Phó phòng kinh doanh), Lê Ngô Hữu Thiện Tâm (Trưởng phòng hợp tác quốc tế), Lê Văn Tinh (nguyên Trưởng phòng vật tư), Nguyễn Văn Hiệp (nguyên Trưởng phòng kỹ thuật), Thiều Túc (nguyên Phó giám đốc Trung tâm thí nghiệm điện) và Trần Công Điền (nguyên Phó giám đốc Công ty Điện lực, sau là Phó giám đốc Công ty Linkton Vina).
Tổng Giám đốc Tổng Công ty điện lực (EVN) Đào Văn Hưng: "EVN xin lỗi nhân dân cả nước" Trao đổi với báo chí chiều tối ngày 3-10, ông Đào Văn Hưng nói: "Qua những vụ việc như thế này mới thấy rằng, mặc dù việc tuyển chọn cán bộ dựa trên tiêu chí lấy người có tài và có đức, nhưng vì cám dỗ vật chất mà những người này gây ra những hậu quả đáng tiếc. Song trong vụ việc này, EVN cũng nhận thấy có những khuyết điểm như chưa phát huy hết tính chủ động, tích cực của thanh tra tại đơn vị, chưa kết hợp tốt kế hoạch thanh tra, nội dung thanh tra và lĩnh vực thanh tra với các cơ quan chức năng của Nhà nước... Chúng tôi coi đây là một bài học lớn trong công tác quản lý kinh tế. Tập thể lãnh đạo EVN xin lỗi và nhận khuyết điểm trước nhân dân TP Hồ Chí Minh và trong cả nước". Về trách nhiệm cá nhân của người lãnh đạo EVN trong vụ việc này, ông Hưng phát biểu: "Sau khi vụ việc xảy ra, Chính phủ cũng đã có cuộc họp xem xét và kết luận về vấn đề này. Chính phủ cho rằng, việc thay thế côngtơ cơ bằng côngtơ điện tử để từng bước hiện đại hoá ngành điện là chủ trương đúng và cần thiết... Trong vụ việc xảy ra tại Điện lực TP Hồ Chí Minh, bộ quản lý ngành, Tổng Công ty Điện lực Việt Nam và chính quyền địa phương chưa phối hợp tốt và thực hiện đầy đủ chức năng kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện. Chính phủ đã yêu cầu nghiêm túc kiểm điểm và rút kinh nghiệm về vụ việc này. Chúng tôi đã có bản tường trình thực hiện đúng yêu cầu của Thủ tướng. Nếu tại kỳ họp tới, Quốc hội có yêu cầu giải trình, thì đây cũng là dịp để chúng tôi có thể nói cho rõ hơn vấn đề. Còn nếu Quốc hội chỉ ra khuyết điểm thì chúng tôi sẽ xin nhận".
|
|