Bắt buộc giấy khai sinh phải có công chứng, chứng thực là trái pháp luật
Các Website khác - 04/10/2005
Những quy định của pháp luật về việc cấp bản sao giấy khai sinh như thế nào? Ông Trần Thất - Vụ trưởng Vụ Hành chính Tư pháp, Bộ Tư pháp cho biết:
- Giấy khai sinh có thể đăng ký tại nơi đăng ký hộ khẩu thường trú của người mẹ, nơi tạm trú có thời hạn của mẹ hoặc nơi đứa trẻ được sinh ra (nơi sinh). Về nguyên tắc, việc đăng ký khai sinh chỉ được thực hiện ở một nơi, bản chính giấy khai sinh chỉ cấp một lần.

Theo Nghị định 75/2002/NĐ-CP về công chứng, chứng thực, bản sao từ sổ gốc hoặc bản sao từ bản chính do phòng công chứng chứng thực hoặc do UBND cấp huyện (mà nay tại TP Hồ Chí Minh là cấp xã, phường) hoặc đại diện ngoại giao của lãnh sự Việt Nam tại nước ngoài cấp đều có giá trị pháp lý như nhau.

* Trong trường hợp trẻ sinh ra và đăng ký khai sinh tại TP Hồ Chí Minh nhưng hộ khẩu thường trú của mẹ lại ở Hà Nội thì việc cấp bản sao giấy khai sinh được thực hiện theo quy trình như thế nào?

Thông tư 12/TT-BTP ngày 25-6-1999 hướng dẫn Nghị định 83/1998/NĐ-CP về đăng ký hộ tịch hướng dẫn: Sau khi đăng ký khai sinh cho trẻ tại nơi sinh thì UBND cấp xã nơi đã đăng ký khai sinh cho trẻ có trách nhiệm gửi thông báo kèm theo một bản sao giấy khai sinh của đứa trẻ đó cho UBND cấp xã nơi thường trú của người mẹ, nơi này sẽ tiếp nhận ghi vào sổ đăng ký khai sinh và có thẩm quyền cấp bản sao giấy khai sinh từ sổ gốc cho đứa trẻ.

Quy định này nhằm đề phòng trường hợp sinh con thứ 3, thứ 4 lợi dụng việc được đăng ký khai sinh tại nơi sinh mà nơi đăng ký hộ khẩu thường trú không quản, không biết được. Tới đây khi sửa đổi, bổ sung Nghị định 83 quy định này sẽ bỏ. Để giản tiện cho người đi xin bản sao, theo quy định, người đi xin bản sao không nhất thiết phải đến tận nơi mà có thể liên hệ qua đường bưu điện.

* Thưa ông, hầu hết các trường hiện nay từ bậc tiểu học cho đến đại học đều yêu cầu nộp bản sao khai sinh từ sổ gốc hoặc có công chứng chứng thực thậm chí có trường còn quy định chỉ nhận bản sao từ sổ gốc gây khó dễ cho học sinh. Vậy quy định này của các trường có đúng với những quy định của pháp luật?

- Sau khi Nghị định 75/2002/NĐ-CP về công chứng, chứng thực có hiệu lực, năm 2003, Bộ Tư pháp đã có công văn gửi một số bộ như Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu cho rà soát, hủy bỏ những quy định về công chứng, chứng thực bản sao trái với Nghị định 75. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn trả lời rằng Bộ không có văn bản nào quy định bắt buộc phải có công chứng, chứng thực, việc các trường yêu cầu học sinh phải nộp bản sao có công chứng, chứng thực là do các trường tự đặt ra, tự quy định.

Pháp luật quy định rất rõ, theo Nghị định 75, cơ quan yêu cầu xuất trình giấy tờ không bắt buộc đương sự phải nộp bản sao có công chứng hoặc chứng thực mà tự đối chiếu bản chụp (bản photo) từ bản chính của giấy tờ. Và như vậy, các trường không được yêu cầu đương sự phải nộp bản sao có công chứng chứng thực hay sao y bản gốc. Quy định của các trường là trái với luật. Thậm chí quy định của các trường còn to hơn cả Hiến pháp. Các trường làm sai, trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo ở đây là phải hướng dẫn các trường làm đúng pháp luật.

* Xin cảm ơn ông!

Theo Pháp luật Việt Nam