Từ những lá đơn tố cáo của người dân
Năm 2004, tỉnh Đồng Tháp tiến hành thực hiện quy hoạch khu dân cư ở khóm 3, phường 1, thị xã Cao Lãnh. Đây là dự án được người dân địa phương ủng hộ bởi lẽ phục vụ thiết thực cho đời sống của họ. Theo như hồ sơ quy hoạch, diện tích dự án chiếm hàng ngàn mét vuông đất nhằm phục vụ cho việc xây dựng trường học, nhà trẻ... Một người dân ở phường 1 cho biết, khu dân cư được quy hoạch cách đây 20 năm. Người dân dài cổ chờ với hy vọng sắp tới địa phương có khu dân cư mới. Thế nhưng, khi tiến hành đền bù giải tỏa người dân phát hiện tiêu cực.
Theo hồ sơ vụ án, trước khi nên phương án đền bù, thị xã Cao Lãnh đã thành lập Hội đồng đền bù, kiểm tra việc kê khai sử dụng đất của người dân. Hội đồng đền bù giao nhiệm vụ trên cho tổ chuyên môn gồm: Cao Văn Tùng - cán bộ phòng giao thông xây dựng làm tổ trưởng, Huỳnh Văn Bình - cán bộ thuế phường 1, Phan Văn Nàng - cán bộ địa chính thị xã Cao Lãnh và Nguyễn Minh Luân - cán bộ địa chính phường 1. Đáng lý ra, bốn cán bộ trên hoàn thành tích cực nhiệm vụ được giao để xúc tiến xây dựng khu dân cư phục vụ nhu cầu bức bách tại địa phương thì trái lại, họ đã câu kết tìm cách bòn rút tiền nhà nước.
Từ khi nhận nhiệm vụ là tổ trưởng tổ chuyên môn, Tùng thường xuyên lân la đến những hộ dân. Bên cạnh y lúc nào cũng có các “cộng sự” đắc lực gồm: Bình, Nàng và Luân. Bề ngoài "ê kíp" của Tùng làm việc rất đắc lực, đầu giờ làm việc là họ xuất hiện tại hiện trường để đo vẽ và ghi chép. Đến khi khâu đền bù giải tỏa hoàn thành thì lãnh đạo địa phương liên tục nhận được đơn tố giác của hàng chục hộ dân về việc tổ chuyên môn có dấu hiệu "ăn chặn" tiền nhà nước.
Sự thật được phơi bày
Nhận được đơn tố giác của người dân, cơ quan chức năng tỉnh Đồng Tháp vào cuộc. Cơ quan điều tra khẳng định: bốn cán bộ trong tổ chuyên môn của Hội đồng đền bù giải tỏa thị xã Cao Lãnh đã phù phép hồ sơ hiện trạng đất lâu năm thành đất thổ cư để hưởng chênh lệch giá 675.000 đồng/m2. Bốn ông cán bộ còn hào phóng chi 19 trường hợp tiền đền bù đất thổ cư giá 766.000 đồng/m2 nhưng thực ra diện tích đất trên là đất trồng cây lâu năm theo quy định của địa phương chỉ 91.000 đồng.
Làm việc với cơ quan điều tra, các đối tượng trên đã khai nhận hành vi phạm tội của mình. Để dễ dàng rút tiền nhà nước, họ hợp tác khá chặt chẽ với nhau. Trước tiên, Huỳnh Văn Bình tự ý cho các hộ dân trên đóng thuế đất thổ cư hàng năm. Bình tiếp tục ghi biên lai thu thuế đất thổ cư. Vốn biết rõ quy định nhà nước về thu thuế đất để chuyển đổi đất lâu năm thành đất ở phải có quá trình sử dụng đất thổ cư từ ba năm trở lên nên Bình ra biên lai truy thu thuế từ năm 1999 đến năm 2002. Có biên lai thu thuế, hai cán bộ địa chính Phan Văn Nàng và Nguyễn Minh Luân nhận nhiệm vụ vẽ lại hồ sơ hiện trạng sử dụng đất trên bản đồ. Những hộ dân có diện tích đất trồng cây lâu năm rộng, Nàng - Luân phân ra thành nhiều khu đất nhỏ để chia lô cho các hộ dân từ 100 đến 200m2.
Trong khoảng thời gian này, UBND thị xã Cao Lãnh chủ trương quy định những hộ dân chưa được cấp giấy chủ quyền chỉ cần giấy chứng nhận của phòng địa chính. Lợi dụng chủ trương trên, Nàng – Luân liền làm giấy xác nhận "đất thổ" thay sổ đỏ rồi lên danh sách đền bù. Do diện tích mà Nàng - Luân phân nhỏ ra quá nhiều nên họ đã hào phóng cấp giấy xác nhận cho những hộ không có nhà, đất trong khu dự án để nhận tiền đền bù. Khi hồ sơ thủ tục hoàn thành, tổ trưởng Cao Văn Tùng trình ký mà không kiểm tra, khảo sát. Vì vậy, tất cả những hồ sơ giả trên được Chủ tịch Hội đồng đền bù Nguyễn Hữu Dũng ký duyệt tất tần tật.
Theo kết luận của các cơ quan chức năng tỉnh Đồng Tháp, với thủ đoạn trên bốn cán bộ địa chính, thuế biến 3.000 m2 đất trồng cây lâu năm thành đất thổ cư rút nhà nước hơn 1,6 tỷ đồng. Hiện nay họ vẫn quanh co cho rằng số tiền trên đã chi nhầm cho 19 hộ dân(?!). Cơ quan điều tra đang tiếp tục làm rõ số tiền trên thực chất chi cho ai bởi 4 cán bộ trên không dễ đồng ý biếu không cho những hộ dân không có tên trong dự án.
|