Thu hồi rừng cao su của dân chia cho quan chức
Các Website khác - 06/09/2005
Lô cao su ở Bàu Rã.

Không chỉ lợi dụng các chủ trương của Nhà nước mà còn bằng nhiều thủ đoạn tinh vi, hàng loạt quan chức của tỉnh Tây Ninh đã "phù phép" hàng trăm ha đất công thành của riêng.

Từ TP HCM đi gần 200 km là tới rừng cao su ngút ngàn tầm mắt ở khu Bàu Rã, xã Thạnh Bắc, Tân Biên, Tây Ninh. Lô đất nằm ngay bên con đường nhựa đủ rộng cho 2 xe tải thênh thang chạy. "Với những khu như vậy, giá hiện nay không dưới 100 triệu đồng một mẫu, nhất là lúc cao su được giá", một người dân cho biết.

Trong khu này, những mảnh cao su rộng hàng chục ha, "đẹp" nhất đều của những cán bộ quyền cao chức trọng của tỉnh. Một số vị đã sang tay cho tư nhân hoặc nhờ người thân đứng tên để giấu tung tích.

Ngày 14/12/1993, UBND tỉnh Tây Ninh căn cứ thỏa thuận phê duyệt của Ủy ban Kế hoạch Nhà nước (nay là Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã phê duyệt Dự án phát triển nông lâm công nghiệp Bàu Rã do UBND tỉnh làm chủ dự án. Quy mô dự án 5.380 ha gồm: 1.000-1.200 ha cao su, 200 ha điều, 1.900 ha rừng tự nhiên, 1.200 ha lúa... Tổng vốn đầu tư gần 11 tỷ đồng. Mục tiêu của dự án là sử dụng hiệu quả đất trống đồi trọc hình thành cơ cấu nông lâm nghiệp gắn liền phát triển kinh tế, củng cố quốc phòng với tổng số hộ tham gia hơn 1.650.

Tháng 6/1994, Ban Quản lý nông lâm công nghiệp Bàu Rã ra đời do ông Trần Văn Thành (Mười Thành) làm trưởng ban. Tháng 6/1995, Ban kết hợp với UBND xã Thạnh Bình (huyện Tân Biên) và UBND huyện Tân Biên thu hồi đất của 106 hộ dân nằm trong khu vực dự án với giá đền bù công khai phá từ 400.000 đến 1,2 triệu đồng/ha.

Nhưng 2 năm sau, người dân phát hiện tất cả đất của họ bị thu hồi đã được Ban quản lý giao cho các cá nhân sử dụng, trong đó phần lớn lại là cán bộ nhà nước. Khiếu kiện nổ ra.

Khi mọi việc chưa được giải quyết rốt ráo, tháng 3/1996 UBND tỉnh sát nhập Ban quản lý dự án Bàu Rã với dự án Chàng Riệc thành Ban quản lý rừng phòng hộ Chàng Riệc. Người dân vẫn tiếp tục khiếu kiện nên tháng 8/1996, UBND tỉnh buộc phải ra quyết định thành lập đoàn thanh tra. Kết luận của đoàn cho thấy, đất đai sau khi thu hồi thay vì giao cho các hộ dân để cải thiện cuộc sống, phát triển kinh tế lại bị Ban quản lý Bàu Rã giao cho các cán bộ và tư nhân. Cụ thể, giao hơn 430 ha đất cho 51 tổ chức và cá nhân, trong đó có 24 cán bộ cấp tỉnh. Riêng việc đưa ra mức giá bồi hoàn công khai phá cho dân, Ban quản lý Bàu Rã cũng không tham khảo và không được sự phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền.

(Theo Thanh Niên)