Ưu đãi với lĩnh vực đặc thù
Các dịch vụ bảo hiểm sau đây không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT được thông tư quy định.
Thứ nhất là bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm học sinh và các dịch vụ bảo hiểm con người như bảo hiểm tai nạn thuỷ thủ, thuyền viên, bảo hiểm tai nạn con người (bao gồm cả bảo hiểm tai nạn, sinh mạng, kết hợp nằm viện), bảo hiểm tai nạn hành khách, bảo hiểm khách du lịch, bảo hiểm tai nạn lái - phụ xe và người ngồi trên xe, bảo hiểm cho người đình sản, bảo hiểm trợ cấp nằm viện phẫu thuật, bảo hiểm sinh mạng cá nhân và các bảo hiểm khác liên quan đến con người.
Thứ hai là bảo hiểm vật nuôi, cây trồng và các dịch vụ bảo hiểm nông nghiệp khác.
Thứ ba là, các loại bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm lao động, bảo hiểm thất nghiệp.
Thứ tư là các dịch vụ bảo hiểm cung cấp cho phương tiện vận tải quốc tế, như bảo hiểm thân tàu hoặc thân máy bay, bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ tàu hoặc trách nhiệm dân sự chung đối với máy bay. Phương tiện vận tải quốc tế là phương tiện có doanh thu về vận tải quốc tế đạt trên 50% tổng doanh thu về vận tải của phương tiện đó trong năm; đối với phương tiện vận tải quốc tế là máy bay thì phải có số giờ bay quốc tế đạt trên 50% tổng số giờ bay của máy bay đó trong năm.
Thứ năm là bảo hiểm các công trình, thiết bị dầu khí (kể cả tàu chứa dầu mang quốc tịch nước ngoài) do nhà thầu dầu khí hoặc nhà thầu phụ nước ngoài thuê để hoạt động tại vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam (kể cả vùng biển chồng lấn mà Việt Nam và các quốc gia có bờ biển tiếp liền hay đối diện đã thoả thuận đặt dưới chế độ khai thác chung). Thứ sáu là bảo hiểm hàng hóa vận chuyển đường bộ, đường biển, đường sông, đường sắt và đường hàng không của hàng hóa xuất khẩu, dầu thô bán cho nước ngoài.
Ngoài ra, loại hình tái bảo hiểm ra nước ngoài cũng được đưa vào danh mục không chịu thuế GTGT.
Chi tiết giá tính thuế
Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung cho biết, mức thuế GTGT đối với dịch vụ bảo hiểm và dịch vụ, hàng hóa khác do các DN bảo hiểm cung ứng được xác định theo nhóm. Đối với dịch vụ bảo hiểm là phí bảo hiểm gốc chưa có thuế GTGT (bao gồm cả các khoản phụ thu và phí thu thêm ngoài giá dịch vụ mà DN bảo hiểm được hưởng, trừ các khoản phụ thu và phí DN bảo hiểm phải nộp ngân sách nhà nước) sẽ có ba trường hợp xảy ra.
Một là, việc sử dụng chứng từ đặc thù để thu phí bảo hiểm ghi giá thanh toán phí bảo hiểm bao gồm cả thuế GTGT thì phí bảo hiểm chưa có thuế GTGT được xác định là phí bảo hiểm chưa có thuế GTGT (1+ thuế suất 10%).
Hai là, trường hợp các hợp đồng bảo hiểm, đơn bảo hiểm, giấy chứng nhận bảo hiểm có thoả thuận thu phí từng kỳ thì giá tính thuế GTGT là số tiền phí bảo hiểm trả từng kỳ; nếu thoả thuận trả trước một lần thì giá tính thuế là số tiền phí bảo hiểm trả trước một lần chưa có thuế GTGT.
Ba là, trường hợp đồng bảo hiểm mà trong hợp đồng xác định rõ tỷ lệ đồng bảo hiểm thì giá tính thuế là phí bảo hiểm gốc chưa có thuế GTGT phân bổ theo tỷ lệ đồng bảo hiểm cho từng DN đồng bảo hiểm. Trường hợp đồng bảo hiểm mà trong hợp đồng chỉ có một DN đứng tên (leading) chịu trách nhiệm thu phí thì giá tính thuế là phí bảo hiểm gốc của toàn bộ giá trị hợp đồng bảo hiểm chưa bao gồm thuế GTGT.
Theo ông Trương Chí Trung, đối với dịch vụ đại lý giám định, đại lý xét bồi thường, đại lý đòi người thứ ba bồi hoàn, đại lý xử lý hàng bồi thường 100% hưởng tiền công hoặc tiền hoa hồng thì giá tính thuế GTGT là tiền công hoặc tiền hoa hồng được hưởng (chưa trừ một khoản phí tổn nào) mà doanh nghiệp bảo hiểm thu được, chưa có thuế GTGT. Còn đối với hàng hóa, dịch vụ khác thuộc diện chịu thuế GTGT, giá tính thuế thực hiện theo Thông tư 120/2003/TT-BTC ngày 12-12-2003 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định 158/2003/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật thuế GTGT.
Khấu trừ thuế theo nhóm
Việc khấu trừ cũng được quy định rõ theo các nhóm và phương pháp tính thuế là thuế GTGT phải nộp bằng thuế GTGT đầu ra trừ đi thuế GTGT đầu vào. Trong đó, nếu phần thuế GTGT đầu ra bằng doanh thu dịch vụ, hàng hóa bán ra chịu thuế GTGT nhân với thuế suất tương ứng. Doanh thu về dịch vụ, hàng hóa bán ra chịu thuế GTGT bao gồm: doanh thu hoạt động kinh doanh bảo hiểm và doanh thu hoạt động kinh doanh dịch vụ, hàng hóa khác (ngoài hoạt động kinh doanh bảo hiểm) thuộc diện chịu thuế.
Trong đó, doanh thu hoạt động kinh doanh bảo hiểm gồm có phí bảo hiểm gốc của các dịch vụ bảo hiểm thuộc diện chịu thuế GTGT, doanh thu về đại lý giám định (không kể phí giám định hộ giữa các đơn vị thành viên hạch toán nội bộ trong cùng một tổng công ty, công ty), đại lý xét bồi thường, đại lý đòi người thứ ba, đại lý xử lý hàng bồi thường 100% và doanh thu khác của hoạt động kinh doanh bảo hiểm.
Đối với các khoản thu về dịch vụ, hàng hóa bán ra đã tính thuế GTGT ở khâu bảo hiểm gốc thì không phải tính thuế GTGT bao gồm thu bồi thường nhượng tái bảo hiểm và các khoản thu về bồi thường khác (nếu có), hoa hồng nhượng tái bảo hiểm và các khoản thu khác về nhượng tái bảo hiểm, phí nhận tái bảo hiểm và các khoản thu khác về nhận tái bảo hiểm (bao gồm phí nhận tái bảo hiểm từ các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm hoạt động trong lãnh thổ Việt Nam và ngoài lãnh thổ Việt Nam). Doanh nghiệp bảo hiểm được khấu trừ thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ mua vào sử dụng cho hoạt động kinh doanh bảo hiểm chịu thuế GTGT thể hiện trên hóa đơn GTGT mua vào.
Việc khấu trừ thuế đầu vào đối với một số trường hợp cụ thể được thực hiện như: hợp đồng bảo hiểm mà trong hợp đồng chỉ có một doanh nghiệp đứng tên (leading) chịu trách nhiệm về việc thu phí, giải quyết bồi thường và chi trả các khoản phí liên quan đến hợp đồng bảo hiểm thì doanh nghiệp đứng tên được kê khai khấu trừ thuế GTGT đầu vào ghi trên hóa đơn GTGT đối với các khoản chi bồi thường, hoa hồng bảo hiểm và các khoản chi khác liên quan đến hợp đồng đồng bảo hiểm mà doanh nghiệp đứng tên chi hộ cho các đơn vị đồng bảo hiểm theo thoả thuận tại hợp đồng; đối với hàng hóa, dịch vụ mua vào đồng thời dùng cho kinh doanh dịch vụ, hàng hóa chịu thuế GTGT và không chịu thuế GTGT thì chỉ được khấu trừ số thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ dùng cho kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thuộc diện chịu thuế GTGT.
Trường hợp không hạch toán riêng được thuế đầu vào được khấu trừ thì thuế đầu vào được tính khấu trừ theo tỷ lệ (%) doanh thu của dịch vụ, hàng hóa chịu thuế GTGT so với tổng doanh thu thực hiện trong kỳ. Ông Trương Chí Trung lưu ý, doanh nghiệp bảo hiểm không được tính khấu trừ thuế đầu vào đối với hàng hóa, dịch vụ mua vào sử dụng cho hoạt động kinh doanh bảo hiểm không có hóa đơn GTGT.
|