Luật Đấu thầu: đề cao tính công khai, minh bạch
Các Website khác - 26/12/2005
Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XI đã có 14 Dự án Luật được thông qua, trong đó 13 Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2006. Luật Đấu thầu là Luật duy nhất có hiệu lực thi hành từ ngày 1-4-2006, sớm hơn các Luật khác ba tháng.
Với sự ra đời của Luật này, công tác đấu thầu theo Quy chế Đấu thầu hiện hành sẽ bước sang trang mới với những quy định chặt chẽ và chế tài xử lý đầy đủ hơn. Ngày 21-12, Chủ tịch nước đã ký và công bố Luật Đấu thầu gồm 6 chương, 77 điều, có một số nội dung chủ yếu sau:

1. Chống khép kín

Về hình thức chỉ định thầu, Luật Đấu thầu cũng đã quy định chặt chẽ hơn, nhưng lại linh hoạt hơn, phù hợp với yêu cầu của thực tế so với các quy định hiện có trong Quy chế Đấu thầu.


Khép kín là một trong những vấn đề được công luận quan tâm đặc biệt, bởi đây được coi là nguồn gốc của tiêu cực, thất thoát chất lượng công trình không bảo đảm... dẫn đến làm giảm tính cạnh tranh, làm cho nguồn tiền Nhà nước sử dụng kém hiệu quả.

Do vậy, Điều 1 với tên gọi "đảm bảo cạnh tranh" là nhằm khắc phục tình trạng này, tạo ra sự độc lập trong việc thực hiện hợp đồng giữa cơ quan quản lý, nhà thầu thi công thực hiện hợp đồng và nhà tư vấn giám sát thực hiện hợp đồng. Quy định này sẽ được Chính phủ hướng dẫn thực hiện trong nghị định, nhưng chắc chắn sẽ là một động lực thúc đẩy cạnh tranh mang lại hiệu quả trong việc sử dụng các nguồn tiền còn hạn hẹp của Nhà nước.

2. Tiêu chuẩn hóa cán bộ tham gia hoạt động đấu thầu

Đây là quy định nhằm nâng cao năng lực cũng như nâng cao tính chuyên nghiệp đối với các cán bộ, cá nhân tham gia hoạt động đấu thầu sử dụng vốn Nhà nước.

Tại Điều 9 quy định các thành viên thuộc bên mời thầu, Tổ chuyên gia đấu thầu phải đảm bảo các điều kiện, như am hiểu pháp luật về đấu thầu, có kiến thức về dự án, am hiểu nội dung của gói thầu. Thành viên Tổ chuyên gia đấu thầu phải có chứng chỉ tham gia khóa học về đấu thầu, có tối thiểu ba năm công tác trong lĩnh vực liên quan. Trong trường hợp đấu thầu quốc tế, sử dụng nguồn tài trợ ODA, cá nhân tham gia bên mời thầu phải có trình độ ngoại ngữ theo yêu cầu. Tiêu chuẩn hóa cán bộ sẽ nâng cao chất lượng, hiệu quả của công việc đấu thầu, đảm bảo sự công bằng, rút ngắn thời gian trong các khâu của quá trình đấu thầu.

3. Hình thức lựa chọn nhà thầu

Đây là một vấn đề hết sức nhạy cảm đối với xã hội. Theo thống kê về tình hình thực hiện đấu thầu hằng năm do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, trong năm 2004, chỉ có 15% tổng số gói thầu trong cả nước (28.000 gói) là được tổ chức đấu thầu rộng rãi (tuy về giá trị của 15% số gói thầu này chiếm tới trên 50% tổng giá trị trúng thầu). Điều này khiến cho các đại biểu Quốc hội cũng như công luận thấy rằng, cần phải có quy định chặt chẽ hơn nhằm hạn chế các hình thức lựa chọn mang tính đặc thù như chỉ định thầu, tính đặc thù như chỉ định thầu, đấu thầu hạn chế... và phải làm sao để hình thức đấu thầu rộng rãi là hình thức tạo ra sự cạnh tranh, công bằng, hiệu quả chiếm ưu thế.

Do vậy, Luật Đấu thầu đã dành cả Chương II để quy định về nội dung lựa chọn nhà thầu. Theo đó, tại Điều 18 quy định việc lựa chọn nhà thầu để thực hiện các gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật phải áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi. Những hình thức lựa chọn khác chỉ được áp dụng khi có những đặc thù.

Nhưng điều quan trọng là theo quy định của Luật, hình thức lựa chọn nhà thầu (dù là đấu thầu rộng rãi hay chỉ định thầu) phải được người có thẩm quyền xem xét, quyết định trong kế hoạch đấu thầu (Điều 6) và người phê duyệt kế hoạch đấu thầu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình. Như vậy, tuy Luật có quy định nhiều hình thức lựa chọn nhà thầu khác nhau, nhưng không phải chủ đầu tư được quyền tự lựa chọn mà phải thông qua người có thẩm quyền cho phép trong kế hoạch đấu thầu trên cơ sở ý kiến của đơn vị thẩm định về kế hoạch đấu thầu. Quy định này nhằm tránh tình trạng tùy tiện trong việc áp dụng các hình thức lựa chọn, đồng thời trao quyền cho người có thẩm quyền trách nhiệm quyết định hình thức lựa chọn nhà thầu tùy theo đặc thù của từng gói thầu, tùy địa bàn, sao cho đảm bảo các mục tiêu đấu thầu.

Về hình thức chỉ định thầu, Luật Đấu thầu quy định chặt chẽ hơn, nhưng lại linh hoạt hơn, phù hợp với yêu cầu của thực tế so với các quy định hiện có trong Quy chế Đấu thầu Tại Điều 20 quy định hình thức chỉ định thầu được áp dụng cho mua vật tư, thiết bị để phục hồi, duy tu, mở rộng công suất nhà máy, mở rộng công suất nhà máy, dây chuyền công nghệ mà trước đó đã mua từ một nhà cung cấp do phải bảo đảm tính tương thích. Luật cũng quy định Thủ tướng được quyền quyết định chỉ định thầu đối với các gói thầu thuộc dự án bí mật quốc gia, dự án cấp bách vì lợi ích quốc gia, an ninh, an toàn năng lượng khi thấy cần thiết.

Theo quy định trong Luật, sau khi được người có thẩm quyền quyết định trong kế hoạch đấu thầu cho phép áp dụng hình thức chỉ định thầu thì khi triển khai thực hiện phải lựa chọn một nhà thầu có đủ năng lực, kinh nghiệm theo quy trình do Chính phủ quy định.

Bên cạnh chỉ định thầu, hình thức tự thực hiện quy định tại Điều 23 cũng được điều chỉnh so với Quy chế Đấu thầu. Theo đó, khi chủ đầu tư là nhà thầu có đủ năng lực, đủ kinh nghiệm thực hiện gói thầu mà mình quản lý và sử dụng thì được áp dụng hình thức tự thực hiện, nhưng dự toán phải được duyệt và đơn vị tư vấn giám sát phải độc lập với chủ đầu tư về tổ chức và tài chính.

4. Hợp đồng

Vấn đề hợp đồng gắn liền trực tiếp với kết quả lựa chọn nhà thầu và là cơ sở cho việc thực hiện cũng như thanh toán. Những quy định về hợp đồng trong Quy chế Đấu thầu hiện hành đã được xem xét điều chỉnh và được quy định điều chỉnh và được quy định chi tiết, linh hoạt hơn trong Luật Đấu thầu. Theo đó, có bốn hình thức hợp đồng là trọn gói, theo đơn giá, theo thời gian và theo tỷ lệ phần trăm. Một hợp đồng cho một gói thầu có thể chỉ là một hình thức, nhưng cũng có thể bao gồm nhiều hình thức hợp đồng khác nhau.

Quy định này sẽ giúp tháo gỡ nhiều tình huống trong đấu thầu hiện nay mà áp dụng chỉ theo một loại hợp đồng trọn gói hay đơn giá đều không phù hợp.

Đồng thời, trong Luật quy định (Điều 58) giá trị hợp đồng và các điều kiện cụ thể về thanh toán được ghi trong hợp đồng là cơ sở để chủ đầu tư thanh toán cho nhà thầu. Hy vọng với điều này những khó khăn, tranh luận, phiền hà trong thanh toán hợp đồng sẽ dần được khắc phục.

Bên cạnh đó, quy định ở Điều 57 cho phép được điều chỉnh hợp đồng trong những trường hợp Nhà nước thay đổi chính sách về thuế, tiền lương, có sự thay đổi tăng giảm khối lượng, số lượng trong khi thực hiện hợp đồng, nhưng không do lỗi của nhà thầu. Khi giá nhiên liệu, vật tư, thiết bị trong hợp đồng do nhà nước kiểm soát có biến động lớn thì báo cáo người có thẩm quyền xem xét, quyết định. Các nội dung quy định về hợp đồng trong Luật Đấu thầu lần này sẽ giúp khắc phục các quy định cứng nhắc trong Quy chế Đấu thầu, song vẫn bảo đảm Đấu thầu, vẫn bảo đảm trách nhiệm của các bên tham gia hợp đồng và phù hợp với bản chất của từng công việc thuộc hợp đồng.

5. Giải quyết kiến nghị trong đấu thầu

Đây là một nội dung hoàn toàn mới được đề cập trong Luật Đấu thầu. Kiến nghị ở đây theo định nghĩa ở Điều 4, khoản 37 là việc nhà thầu tham gia đấu thầu đề nghị xem xét lại kết quả lựa chọn nhà thầu và những vấn đề liên quan đến quá trình đấu thầu khi thấy quyền, lợi ích của mình bị ảnh hưởng. Tại Điều 73 quy định trách nhiệm và trình tự giải quyết các kiến nghị của nhà thầu. Đầu tiên là Bên mời thầu, sau đó là chủ đầu tư và cuối cùng là người có thẩm quyền có trách nhiệm giải quyết kiến nghị trong đấu thầu.

Trường hợp kiến nghị của nhà thầu về kết quả lựa chọn nhà thầu liên quan tới trách nhiệm giải quyết của người có thẩm quyền thì có thêm một tổ chức giúp việc gọi là "Hội đồng tư vấn về giải quyết kiến nghị". Trong thời gian không quá 20 ngày kể từ khi nhà thầu nộp đơn, Hội đồng này phải hoàn thành báo cáo của mình. Hội đồng gồm Chủ tịch là đại diện cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu thành viên là đại diện của người có thẩm quyền và đại diện của hiệp hội nghề nghiệp liên quan.

Tất nhiên, nhà thầu có kiến nghị có quyền khởi kiện ngay ra tòa án hoặc khi không đồng ý với cách giải quyết của người có thẩm quyền thì khởi kiện ra tòa án.

6. Xử lý vi phạm

Lần đầu tiên, trong quy định về đấu thầu, chế tài xử lý các vi phạm được đề cập một cách chi tiết trong Luật. Tại Điều 75 quy định ba hình thức xử lý gồm: hình thức cảnh cáo được quy định áp dụng cho các vi phạm ngoài Điều 12; hình thức phạt tiền được quy định áp dụng đối với các hành vi gây ra thiệt hại; hình thức cấm tham gia hoạt động đấu thầu được quy định áp dụng cho các vi phạm Điều 12.

Các cá nhân vi phạm Luật Đấu thầu sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật về hình sự nếu hành vi đó cấu thành tội phạm. Các hành vi vi phạm sau khi bị xử lý đều được đăng tải trên tờ báo về đấu thầu và trang thông tin điện tử (trang web) về đấu thầu.

Quy định về xử lý vi phạm sẽ là một công cụ đắc lực để mọi đối tượng của Luật phải quán triệt tuân thủ các quy định của Luật. Chính phủ sẽ có hướng dẫn chi tiết trong Nghị định hướng dẫn thực hiện đối với nội dung này, nhưng điều quan trọng là cần có các biện pháp giám sát, kiểm tra, thanh tra để quy định này thật sự trở thành một công cụ hữu hiệu phục vụ cho công tác quản lý nhà nước về đấu thầu.

7. Một số quy định khác

a) Các thông tin về đấu thầu

Theo quy định của Luật, các thông tin về đấu thầu phải được đăng tải công khai trên tờ báo về đấu thầu (thay cho bản tin về đấu thầu hiện nay) và trang web về đấu thầu do cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu quản lý (Điều 5). Theo Điều 68 của Luật thì cơ quan này là Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

b) Đấu thầu qua mạng

Với tư cách là một luật gốc về đấu thầu, trong Luật Đấu thầu đã có các quy định cho tương lai và nhằm đáp ứng quá trình hội nhập quốc tế. Những tồn tại trong đấu thầu như tiêu cực, kéo dài thời gian, dùng quan hệ quen biết áp đặt suy nghĩ chủ quan luôn làm ảnh hưởng tới các hoạt động đấu thầu. Một trong các biện pháp hữu hiệu để giảm thiểu các ảnh hưởng vừa nêu là áp dụng đấu thầu qua mạng. Trong bối cảnh chúng ta có các công cụ thông tin, cùng với đội ngũ cán bộ có trình độ thì trong tương lai gần, chúng ta đủ điều kiện để hình thành hệ thống đấu thầu qua mạng. Vì vậy, tại Điều 30 quy định nội dung này và giao cho cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu đảm trách.

Theo (Đầu tư)