- Vấn đề bức xúc nhất chính là gấp rút hoàn thành các văn bản quy phạm pháp luật về đất đai, những cái thiếu thì phải bổ sung, cái bất cập thì phải chỉnh sửa. Cụ thể, chúng tôi kiến nghị Chính phủ cần chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng các luật thuế có liên quan đến đất, đặc biệt là Luật thuế sử dụng đất; sớm ban hành Nghị định về tiền thuê đất cũng như Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai.
Đối với các tỉnh thì phải gấp rút hoàn thành năm loại văn bản gồm: bảng giá đất; bồi thường, hỗ trợ tái định cư; hạn mức đất ở, trình tự thủ tục hành chính giải quyết các vấn đề về đất đai và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Nếu không làm xong những loại văn bản liên quan đến các công việc trên thì sẽ không giải quyết được vấn đề gì cả. Bởi lẽ chỉ cần không làm xong hạn mức đất ở thì cũng không tiến hành cấp được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất...Hiện nay mới chỉ có ba tỉnh có đầy đủ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về đất đai.
* Thưa ông, nhiều địa phương, người dân bị thu hồi đất với giá còn thấp, nhất là giá đất nông nghiệp, việc này sẽ được tính toán ra sao?
- Đúng vậy! Bộ TN-MT sẽ đề nghị Chính phủ điều chỉnh giá đất nông nghiệp hiện đang quá thấp, nhất là ở các khu vực kinh tế đang phát triển cũng chỉ vào khoảng 100.000 đồng/m2. Bên cạnh đó cũng cần phải có hướng dẫn chi tiết về việc thu hồi, đền bù, hỗ trợ tái định cư giải phóng mặt bằng từ khâu lập, xét duyệt, công khai quy hoạch đến khâu cưỡng chế phải qua các bước gì, mỗi bước bao nhiêu ngày để các địa phương thực hiện cho nhất quán, không để mỗi nơi làm mỗi cách.
* Riêng việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ)- nhiệm vụ được Chính phủ coi là trọng tâm trong năm nay- nhưng qua kiểm tra vẫn thấy tiến độ khá ì ạch?
- Việc này cũng đã làm được nhiều nhưng không đạt được mục tiêu hết năm 2005 là cấp xong sổ đỏ. Tiến độ cấp sổ đỏ chậm tập trung chủ yếu vào đất ở tại đô thị, đất lâm nghiệp và đất chuyên dùng cho các tổ chức.
Chúng tôi thấy nguyên nhân chính là do nhận thức của cấp huyện- nơi cấp sổ đỏ cho dân- là chưa tốt, những trường hợp theo luật được cấp thì luật đã quy định rõ như ban ngày nhưng cán bộ huyện lại hiểu theo cách khác làm cho người này phải nộp nghĩa vụ về tài chính, người kia không được cấp... thành ra làm cho tiến độ chậm và dân bức xúc. Thứ đến là thủ tục hành chính luật quy định đã rõ nhưng một số địa phương triển khai lại rườm rà; các địa phương cũng chưa quán xuyến hết được hoạt động của cơ quan chuyên môn nên dân vẫn bị phiền nhiễu; bộ phận thụ lý cũng gây phiền phức đã có giấy không cấp, giải thích vòng vo, hẹn đi hẹn lại, muốn “làm ăn” trên việc cấp giấy cũng có khá nhiều... Đó cũng chính là những việc cần phải chấn chỉnh vì về pháp luật chưa thấy có quy định nào bất hợp lý.
* Một trong những vấn đề nổi cộm qua đợt kiểm tra vừa rồi là tình hình khiếu nại, tố cáo về đất đai có xu hướng ngày càng phức tạp và dường như chưa có lối ra?
- Đầu tiên, Bộ TN-MT sẽ yêu cầu các địa phương chấn chỉnh công tác tiếp dân, hiện nay nhiều nơi làm tốt nhưng cũng khá nhiều nơi chưa quan tâm đến việc này. Có khi dân đến cơ quan chức năng còn đùn đẩy tránh nhiệm, nhiều khi làm cho dân khó chịu. Chúng tôi đề nghị các địa phương phải tổ chức nghiêm quy định phải có đường dây nóng để tiếp nhận ý kiến của dân.
Hiện nay vẫn còn 23 tỉnh chưa có hệ thống đường dây nóng về đất đai. Đặc biệt là việc giải quyết khiếu nại tố cáo, tranh chấp về đất đai đang có xu hướng tăng mạnh với xu thế người dân đang cảm thấy mình bị áp lực do chính quyền tạo nên trong việc xử lý kiến nghị của dân. Việc này cần phải đổi mới.
* Thưa ông, khiếu nại về đất đai luôn chiếm đa số tổng số khiếu nại từ nhiều năm nay. Vậy đổi mới việc giải quyết khiếu nại, tố cáo sẽ theo hướng nào?
- Chúng tôi đã kiến nghị Chính phủ cho thành lập cơ quan tài phán trung ương về đất đai, việc này sẽ giúp cho việc giải quyết các khiếu nại về đất đai khách quan thuận lợi hơn. Trước đây chúng ta có xu hướng dồn việc giải quyết khiếu nại tố cáo cho địa phương nhưng qua kiểm tra chúng tôi thấy để các địa phương giải quyết là rất khó. Nói thật, ở địa phương một mặt họ rất nhiều việc, một mặt ông Chủ tịch tỉnh xử lý ông Chủ tịch huyện cũng khó, vì mối quan hệ giữa lãnh đạo theo kiểu gia đình ở địa phương có vẻ nặng hơn ở Trung ương. Khi lập cơ quan tài phán, khiếu nại tố cáo về đất sẽ được xử lý lần đầu theo cấp hành chính, nếu các bên không chấp thuận thì để cơ quan tài phán xử lý, cơ quan này không có gì ràng buộc với địa phương nên việc giải quyết sẽ công bằng, khách quan hơn.
* Đến nay, qua tổng hợp tình hình quản lý đất đai sau khi kiểm tra, các ông thấy những địa phương nào tình hình đất đai là phức tạp nhất?
- Những địa phương có nhiều ý kiến của dân, thậm chí có nhiều đơn tố cáo quyết liệt thì có thể nói được ngay là Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Nghệ An, Hà Tĩnh, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Đồng Nai, Bà Rịa- Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh, Long An, Tiền Giang, Kiên Giang.
* Đối với những tỉnh, thành phố này Bộ TN-MT có kiến nghị gì với Chính phủ để yêu cầu họ giải quyết các yêu cầu bức xúc của dân?
- Riêng việc này bản thân Bộ TN-MT phải có trách nhiệm đôn đốc các địa phương phải giải quyết các vấn đề mà dân bức xúc. Hiện nay chúng tôi đang làm những việc sau đây về kết quả kiểm tra: Báo cáo kết quả lên Chính phủ; báo cáo về tình hình giải quyết khiếu nại, tố cáo - đây là việc phát sinh trong quá trình kiểm tra, còn trong nội dung đợt kiểm tra vừa rồi không có việc nhận đơn tố cáo của dân; các đoàn kiểm tra phải có kết luận kiểm tra gửi cho từng tỉnh... Bộ TN-MT sẽ có công văn chung gửi cho tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó sẽ nói rõ từng mặt mạnh, mặt yếu trong việc quản lý, sử dụng đất đai ở từng tỉnh và các giải pháp cần thực hiện để tiếp tục triển khai thi hành Luật Đất đai, giải quyết những vướng mắc cũng như bức xúc của dân.
* Xin cảm ơn ông!
|