Doanh nghiệp chưa ý thức cần được tư vấn luật
Trong quá trình hội nhập kinh tế thế giới, nhiều doanh nghiệp Việt Nam phải đối đầu với hệ thống luật pháp rất chặt chẽ và hàng rào kỹ thuật cao của các nước phát triển. Không có các chuyên viên luật pháp tư vấn, doanh nghiệp Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn khi tham gia cuộc chơi. Vụ kiện cá basa bán phá giá tại Hoa Kỳ là sự cảnh báo về điều này. Vụ kiện tôm bán phá giá tại EU là bài học tiếp theo.
Sau các vụ kiện này, vai trò cực kỳ quan trọng của Hiệp hội ngành nghề và của luật sư đã được khẳng định. Luật sư Lê Công Định (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh) là một trong những người được biết đến trong vụ kiện cá basa, với những nỗ lực chuẩn bị từ phía luật sư, đã giảm thiểu được nhiều thiệt hại cho doanh nghiệp trong quá trình xử lý tranh chấp.
Hiện nay, Hiệp hội Da Giày Việt Nam và các doanh nghiệp trong ngành đang nhờ luật sư Lê Công Định chuẩn bị hồ sơ ban đầu để ứng phó với vụ kiện bán phá giá giày dép vào thị trường châu Âu. Vấn đề ở chỗ các doanh nghiệp thường không để ý việc cập nhập và lưu trữ số liệu sổ sách trong quá trình hoạt động của mình theo yêu cầu thông lệ của các nước mà chỉ theo quy định của nước mình. “Để giúp doanh nghiệp điều chỉnh số liệu cho phù hợp với yêu cầu của nước sẽ xuất khẩu đến, luật sư phải rất chuyên nghiệp trong những lĩnh vực mà mình tham gia tư vấn”. Ông Định cho biết như vậy.
Rõ ràng vai trò của luật sư ngày càng trở nên quan trọng trong các hoạt động thương mại. Bởi chỉ tính riêng thị trường Mỹ đã có rất nhiều quy định ràng buộc cấp liên bang, mỗi bang lại có các luật riêng, do vậy, mỗi doanh nghiệp không thể tự thu thập được thông tin đầy đủ, khó am hiểu toàn diện các luật lệ dẫn đến khó biết cách bảo vệ mình khi xảy ra sự cố. Luật sư là sự lựa chọn tốt nhất trong những trường hợp này. Ở các nước khác trên thế giới, doanh nghiệp nào cũng thuê một hoặc nhiều luật sư tư vấn pháp lý, nhất là trong các hoạt động thương mại xuất khẩu. Trong khi đó phần lớn các doanh nghiệp trong nước lại rất “tiết kiệm” chi phí này.
Diện mạo mới của Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh
Luật sư Nguyễn Đăng Trừng, Trưởng đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh cho rằng, TP Hồ Chí Minh là nơi có hoạt động kinh tế rất sôi động và rất cần đến vai trò tư vấn pháp lý chuyên nghiệp của luật sư. Thật ra, người dân TP Hồ Chí Minh đã rất quen với việc thuê luật sư trong các hoạt động giao dịch nói chung, do vậy, hoạt động của Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh luôn hết sức sôi động.
Hiện nay, Đoàn Luật sư có 1.669 hội viên, trong đó có nhiều luật sư giỏi, thông thạo ngoại ngữ, có thể tư vấn tốt cho các doanh nghiệp trong nhiều vấn đề liên quan đến pháp lý trong – ngoài nước như luật sư Nguyễn Văn Viễn, chuyên về bảo hộ sở hữu trí tuệ và nhập khẩu song song; tiến sĩ Mai Hồng Quỳ, nguyên là luật sư của Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh, nay là Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh là người có thể cố vấn cho doanh nghiệp những biện pháp tự vệ trong khuôn khổ WTO, biện pháp tự vệ được áp dụng khi hàng hóa nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam quá mức gây thiệt hại cho sản xuất trong nước; áp dụng các biện pháp tự vệ trong phạm vi và mức độ cần thiết để ngăn ngừa và hạn chế thiệt hại, tạo điều kiện nâng cao khả năng cạnh tranh như tăng mức thuế nhập khẩu, áp dụng hạn ngạch nhập khẩu và các biện pháp khác do Chính phủ quy định v.v…
Với những nỗ lực gần đây, nhất là thông qua Hội nghị châu Á - Thái Bình Dương về Luật Thương mại quốc tế lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam, Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh càng có nhiều khả năng phối hợp với doanh nghiệp nhằm xây dựng hành lang pháp lý an toàn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp không chỉ trong nước mà còn trên thị trường thế giới.
Hội nghị Luật châu Á-Thái Bình Dương về Luật Thương mại Quốc tế sẽ diễn ra tại khách sạn Rex, TP Hồ Chí Minh, với các chủ đề: Khu vực tự do thương mại-các vấn đề hiện nay, toàn cầu hóa thương mại và dịch vụ, tội phạm rửa tiền và tội phạm hình sự khác trong thương mại quốc tế, tác động của thương mại đến mối quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ, Luật Sở hữu trí tuệ và những vấn đề phát triển gần đây, Luật Thương mại điện tử, Luật Thương mại và tổ chức WTO, giải quyết tranh chấp thương mại qua trọng tài.
|
|