Sai phạm tại công trình Nhà luyện tập và thi đấu thể dục thể thao Thanh Hóa
Các Website khác - 29/09/2005
Đã 2 năm nay,
công trình vẫn cứ thế này…
Những năm gần đây, Thanh Hóa rầm rộ triển khai xây dựng nhiều "đại công trình" nhằm thay đổi bộ mặt của tỉnh; đồng thời tạo đà thu hút đầu tư... Thế nhưng, từ khâu lập dự án đến thi công nhiều công trình đều phát hiện có sai sót, gây thiệt hại hàng tỷ đồng ngân sách. Công trình Nhà luyện tập và thi đấu TDTT là một thí dụ.
Sai sót từ khâu lập dự án

Nhà luyện tập và thi đấu Thể dục thể thao (LT&TĐ TDTT) tỉnh Thanh Hóa được khởi công gói thầu một ngày 1-12-1999; gói thầu hai ngày 19-8-2001; chủ đầu tư ban đầu là Sở TDTT; tổng mức vốn đầu tư hơn 31 tỷ đồng. Theo kế hoạch, công trình sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng ngày 30-3-2003...

Cần phải nói thêm, công trình này ra đời nhằm “đón lõng” kế hoạch của Ủy ban TDTT sẽ đầu tư một số công trình phục vụ SEA Games 22, đồng thời nhân dịp này, một tỉnh có bề dày thành tích TDTT với gần 4 triệu dân sẽ có một cơ sở LT&TĐ xứng tầm. Để lấy được đầu tư của Ủy ban TDTT, UBND tỉnh Thanh Hóa đã “đi tắt đón đầu” bằng việc lập dự án (DA), phê duyệt thiết kế công trình này với tiêu chuẩn có thể thi đấu một số môn thể thao quốc gia và quốc tế. Đáng tiếc là, UB TDTT ra quyết định chỉ đầu tư các công trình có bán kính trong vòng 100 km, tính từ trung tâm Thủ đô. Thanh Hóa cách Hà Nội gần 160 km. Thế là kế hoạch bị đổ bể… Dù vậy, UBND tỉnh Thanh Hóa cũng khắc phục bằng cách lấy vốn ngân sách đầu tư theo kế hoạch hằng năm để xây dựng công trình tầm cỡ này.

Chẳng biết do thấy chủ đầu tư ban đầu là Sở TDTT không đủ năng lực hay là do yêu cầu hoạt động của Ban quản lý xây dựng cơ bản tỉnh (BQL XDCB) vừa được thành lập mà ngày 10-8-2003, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã quyết định chuyển chủ đầu tư sang BQL XDCB. Và từ đây, những sai sót, yếu kém từ khâu khảo sát, lập DA đến thiết kế kỹ thuật, thi công công trình đã được các cán bộ BQL phát hiện...

Theo hợp đồng kinh tế, Trung tâm tư vấn và chuyển giao công nghệ xây dựng (Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội; sau đây gọi tắt là Trung tâm TV&CGCNXD) là đơn vị chịu trách nhiệm lập DA đầu tư, thiết kế kỹ thuật và dự toán, lập hồ sơ mời thầu… nhưng đã để xảy ra nhiều sai sót. Chẳng hạn, mặc dù đây là DA XDCB cấp 1, tiêu chuẩn quốc tế nhưng đơn vị tư vấn thiết kế lại không đưa các hạng mục tối thiểu như bảng điện tử, máy phát điện dự phòng; đền bù giải phóng mặt bằng, khảo sát địa chất cũng nằm ngoài hồ sơ dự toán.

Nhiều thiết bị thi đấu thể thao được đưa vào dự toán nhưng không đồng bộ và không sát với biểu giá thực tế. Xin lấy thí dụ: trong dự toán, 16 bộ đấu kiếm chỉ được định giá 8 triệu đồng (thời điểm 1999); trong khi đó, theo báo giá của một công ty chuyên doanh thiết bị và dụng cụ TDTT thì, lúc đó, mỗi chiếc mặt nạ giá cũng 4 - 6 triệu đồng, áo bảo hiểm 6 triệu đồng/chiếc, thiết bị kiểm tra tổng hợp các dụng cụ phục vụ thi đấu kiếm 110 triệu đồng/bộ. Đấy là chưa kể giá các loại kiếm. Hậu quả của sự yếu kém trong lập DA và thiết kế sơ bộ này là đã phải điều chỉnh mức vốn đầu tư tăng gần 5 tỷ đồng! Thế nhưng, không hiểu sao, chủ đầu tư là Sở TDTT - đơn vị am hiểu nhất về lĩnh vực này vẫn chấp nhận phê duyệt dự toán và thiết kế sơ bộ.

Dư luận cho rằng, đơn vị tư vấn lập dự toán là Trung tâm TV&CGCNXD đã “cóp” tài liệu từ một số công trình khác trước đó quá lâu nên giá trị thiết bị không sát với thực tế. Đồng thời, đơn vị này không có năng lực tư vấn trong lĩnh vực TDTT nên mới tư vấn kiểu… qua loa như thế? Thậm chí có ý kiến còn cho rằng, đây là sản phẩm của một nhóm sinh viên trong trường được các thầy giao cho?

Thiết kế càng… sai

Trước hết là cốt sàn thi đấu. Theo tiêu chuẩn TCVN 4529-1998, mặt sàn chỉ được phép cách mặt bậc cuối cùng của khán đài từ 0,9 đến 1,15 m. Thế nhưng, đơn vị tư vấn lại thiết kế cốt mặt sàn +0,050 (tức là cách mặt bậc khán đài cuối cùng 3,1m), làm che lấp tầm nhìn khán giả. Theo cốt sàn này, gần 1/2 khán giả trên khán đài sẽ không nhìn thấy hết sàn thi đấu.

Hệ thống giàn không gian mái cũng có nhiều sai sót. Theo thiết kế ban đầu, quả cầu được nhập ngoại; toàn bộ thanh ống và phụ kiện khác sản xuất trong nước, với diện tích giàn không gian mái 2.553m2, tổng trọng lượng 71.790 kg, tương đương 3 tỷ đồng. Theo tư vấn của Trung tâm TV&CGCNXD, chủ đầu tư đã tiến hành đấu thầu thiết kế sơ bộ giàn nhập ngoại có phần di dộng (nhập đồng bộ của hãng APORA - Indonesia); toàn bộ phần thiết kế, chế tạo do Trung tâm TV&CGCNXD chịu trách nhiệm (có sự thẩm định của cơ quan chức năng). Thế nhưng, khi triển khai, hãng APORA lại không nhận thiết kế chế tạo phần di động của giàn. Thế là, đương nhiên, thiết kế này không được thực hiện, mặc dù đã đấu thầu… Toàn bộ phần sai sót này đã làm mức đầu tư tăng lên gần 1 tỷ đồng.

Những sai sót trong khâu thiết kế phần mái che nhà LT&TĐ TDTT cũng để lại hậu quả không nhỏ. Theo thiết kế đã được phê duyệt, phần mái che gồm 5 lớp: tôn Austnam, giấy dầu, bông khoáng cách nhiệt, tôn sóng Austnam, xà gồ thép đen Vinapie. Thế nhưng, qua thẩm định, lớp bông khoáng cách nhiệt có tính chất độc hại; lớp dưới là tôn sóng sẽ gây mất mỹ quan khi nhìn từ dưới lên; lớp mái trên lợp kính sẽ không an toàn khi có biến động và bị chói nắng - ảnh hưởng đến chất lượng thi đấu của vận động viên… Để khắc phục những sai sót này cần ít nhất 2,6 tỷ đồng (theo đơn giá năm 2004)!

Ngoài ra, công trình này còn nhiều sai sót trong thiết kế như: Theo thiết kế, 13 bóng điện 1.000 w chiếu sàn thi đấu gây chói vận động viên. Với sức chứa 2.500 người nhưng công trình này không có hệ thống âm thanh và trang âm trong thiết kế? Chỉ riêng phần khối lượng dự toán thiết kế tính thiếu cũng đã “đội” mức đầu tư tăng thêm gần 1,7 tỷ đồng!

Không ai chịu trách nhiệm?

Theo phụ biểu chi tiết của Sở Kế hoạch và Đầu tư đề xuất ngày 10-5-2005, tổng mức vốn đầu tư được phê duyệt tăng lên so với thiết kế ban đầu (gần 31,2 tỷ đồng) là 11,5 tỷ (làm tròn). Để mức đầu tư công trình “đội” lên 1/3 giá trị được phê duyệt ban đầu, trách nhiệm thuộc về ai?

Sở TDTT Thanh Hóa là đơn vị chịu trách nhiệm trước hết. Đáng lẽ, với tư cách là chủ đầu tư (sau này chuyển sang BQL XDCB), Sở TDTT phải nghiên cứu kỹ hồ sơ tư vấn DA và thiết kế sơ bộ do Trung tâm TV&CGCNXD trình trước khi đấu thầu. Là cơ quan chuyên môn về lĩnh vực TDTT nhưng Sở đã phê duyệt hồ sơ với các thiết bị và dụng cụ TDTT một cách cẩu thả và không hiểu biết gì lĩnh vực này. Theo hợp đồng, bên A (Chủ đầu tư - Sở TDTT) được giữ lại 10% chi phí thiết kế của bên B (Trung tâm TV&CGCNXD) để giám sát tác giả đến khi công trình hoàn thành. Thế nhưng, Sở TDTT đã không làm việc này, khiến sự ràng buộc giữa bên A và bên B lỏng lẻo.

Ngay cả Sở Kế hoạch và Đầu tư là đơn vị thẩm định DA, Sở Xây dựng là đơn vị thẩm định dự toán công trình cũng không phát hiện các sai sót. Đã thế, những sai sót làm “đội” ngân sách cả chục tỷ đồng này đến nay vẫn chưa có ai chịu trách nhiệm.

Ông Lê Thế Bắc - Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết: Tổng mức đầu tư điều chỉnh theo đề nghị của các sở, ban, ngành sẽ được UBND tỉnh xem xét, phê duyệt. Trong cuộc họp sắp tới, UBND tỉnh sẽ xác định trách nhiệm của từng đơn vị, cá nhân liên quan và có hình thức xử lý thích đáng. Cũng theo ông Bắc, chưa bàn đến chất lượng cũng có thể khẳng định được thiết kế công trình thi đấu tầm cỡ quốc gia và quốc tế này đã quá lạc hậu. Hàng chục tỷ đồng đã đầu tư không phát huy được hiệu quả sử dụng cũng là bài học lớn cho tỉnh Thanh Hóa.


Theo Tiền phong