Qua công tác nắm tình hình tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng, lực lượng An ninh Kinh tế - Công an TP Hà Nội phát hiện từ cuối năm 2004 đến nay, xuất hiện một số đối tượng mang quốc tịch của các nước châu Phi, nhập cảnh vào Việt Nam với mục đích tìm đến các ngân hàng mở tài khoản cá nhân để thực hiện các giao dịch chuyển tiền có giá trị lớn từ các ngân hàng nước ngoài gửi về. Những giao dịch này vốn không có gì bất thường. Điều lạ lùng là, sau khi chủ tài khoản người châu Phi thực hiện giao dịch rút tiền, các ngân hàng Việt Nam đã nhận được thông báo từ nước ngoài gửi về đề nghị thu lại số tiền đã bị rút với lý do: Giao dịch bị giả mạo.
Theo kết quả xác minh tại Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), tháng 12-2004, Chi nhánh cấp II Chương Dương của ngân hàng này có mở tài khoản cho khách hàng tên là Beche Rudolf, sử dụng cuốn hộ chiếu mang số 425428547 do CH Nam Phi cấp. Tháng 4-2005, một khoản tiền trị giá 25.800 euro từ nước ngoài đã được gửi vào tài khoản này. Ngay trong ngày hôm sau, khách hàng đã rút toàn bộ số tiền, tương đương 30.000 USD và 51.200.000 VND. Mười ngày sau, Vietcombank nhận được yêu cầu thoái hối số tiền trên nhưng đi xác minh về khách hàng thì không thể tìm được để đòi lại tiền.
Tương tự, ngày 9-8-2005, Chi nhánh cấp II Thành Công của Vietcombank đã mở tài khoản cho Interseas Tranding Financing corp đăng ký bởi một khách hàng mang số hộ chiếu 446212285 do CH Nam Phi cấp. Ngày 11-10, tài khoản này đã thực hiện giao dịch chuyển 35.000 euro từ nước ngoài chuyển về và ngay trong ngày, khoản tiền này đã bị rút ra từ một ngân hàng ở Việt Nam. Sáu ngày sau, Vietcombank cũng nhận được yêu cầu thoái hối số tiền trên và tiến hành liên lạc với khách hàng để đòi tiền nhưng người rút tiền đã bặt vô âm tín...
Những vị khách cần được các ngân hàng đặc biệt cảnh giác 1. BECHE RUDOLF, Số hộ chiếu 425428547, cấp ngày 20-11-2001 2. INTERSEAS TRANDING FINANCING CORP, số hộ chiếu 446212285, cấp ngày 11-3-2003 3. VOLGA DNEPR ALRLINES, số hộ chiếu 403254786, cấp ngày 14-8-2004 4. PATRICE NOUANOU NOU, số hộ chiếu 40324741 , cấp ngày 14-8-2004 5. NGOULOU JEAN NOEL, số hộ chiếu 403254346, cấp ngày 14-8-2004 6. GOETZER SAMUEL, số hộ chiếu 432587462, cấp ngày 26-9-2002 7. TALJAARD LOUIS, số hộ chiếu 432587462, cấp ngày 12-2-2003 8. GORECKI JOHN, số hộ chiếu 435489652 , cấp ngày 10-1 -2002 Toàn bộ 8 cuốn hộ chiếu nêu trên đều ghi là do CH Nam Phi cấp, có thể bị giả mạo tên tuổi, đơn vị với mục đích mở tài khoản tại các ngân hàng Việt Nam.
|
Từ những thông tin được xác minh tại các ngân hàng thương mại, Công an TP Hà Nội xác định trên địa bàn thành phố đã xuất hiện một nhóm tội phạm người nước ngoài, nhập cảnh vào Việt Nam với mục đích giao dịch, rút ra những khoản tiền mờ ám từ các tài khoản quốc tế. Nhóm tội phạm này có thể mạo danh một cá nhân hay tổ chức quốc tế để lập tài khoản tại các ngân hàng Việt Nam nhưng đều sử dụng tên tuổi, giấy tờ, điện thoại và địa chỉ liên hệ giả. Ngay sau khi thực hiện trót lọt các giao dịch rút tiền, bọn chúng lập tức hủy những tấm hộ chiếu hay số điện thoại có liên quan khiến cho các ngân hàng khi nhận được yêu cầu thoái hối khoản tiền đã trả cho khách hàng đều không thể liên lạc được.
Quyết tâm không để Việt Nam trở thành địa bàn bị bọn tội phạm ngân hàng lợi dụng để thực hiện các giao dịch bất hợp pháp, Công an TP Hà Nội đã liên hệ với các ngân hàng, tổ chức giăng bẫy bọn tội phạm quốc tế nêu trên. 15 giờ ngày 28-1 0-2005 , khi một đối tượng lấy danh nghĩa tập đoàn Interseas Tranding Financing corp có số hộ chiếu 446212285 do CH Nam Phi cấp, trùng khớp với số hộ chiếu đã được sử dụng trong phi vụ rút 35.000 euro tại Vetcombank hai tháng trước đó để mở tài khoản tại Chi nhánh Cầu Giấy của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển, lực lượng An ninh Kinh tế phối hợp Phòng An ninh Điều tra và Công an quận Cầu Giấy đã lập tức có mặt. Biết bị lộ đối tượng đã cố tình tiêu hủy hai tờ giấy liên quan đến việc đề nghị mở tài khoản.
Tại cơ quan công an, đối tượng khai nhận tên thật là Musasa Paul, SN 1972, quốc tịch Zambia, nhập cảnh vào Việt Nam ngày 7-8-2005 qua cửa khẩu quốc tế Nội Bài bằng cuốn hộ chiếu mang số ZJ 02949 do Zambia cấp. Đáng chú ý là ngoài cuốn hộ chiếu "xịn" nêu trên dùng để xuất, nhập cảnh vào Việt Nam, Musasa Paul còn sở hữu tám cuốn hộ chiếu khác do CH Nam Phi cấp. Bước đầu, cơ quan điều tra xác định, những tờ thị thực nhập cảnh do Đại sứ quán Việt Nam tại CH Nam Phi cấp và dấu nhập cảnh tại cửa khẩu Nội Bài liên quan tới tám cuốn hộ chiếu này đều là giả.
Bước đầu, Musasa Paul khai nhận, đã sử dụng tám cuốn hộ chiếu nghi là giả này để mở bốn tài khoản cá nhân tại các ngân hàng tại Hà Nội, trong đó, đã thực hiện giao dịch rút tiền trót lọt tại Vietcombank với số tiền 35.000 euro và 13.200 USD.
Công an TP Hà Nội đã tạm giữ tám cuốn hộ chiếu nêu trên của Musasa Paul, 48.000 USD cùng nhiều giấy tờ liên quan đến việc mở tài khoản tại ngân hàng. Vụ án đang được Phòng An ninh Điều tra - Công an TP Hà Nội phối hợp với các ngân hàng và cảnh sát quốc tế nhằm làm rõ nguồn gốc của những số tiền bất hợp pháp đã được chuyển từ nước ngoài vào các tài khoản ngân hàng tại Việt Nam.
|