Lộ trình xây dựng Luật Phòng, chống mại dâm
Báo Tiếng chuông - 19/04/2016
Theo Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Dự án Luật Phòng, chống mại dâm sẽ được đăng ký vào Chương trình xây dựng Luật của Quốc hội vào năm 2017; hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ V, khóa XIV vào đầu năm 2018.

Tại Văn bản số 1144 ngày 07/4/2016 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội về việc tăng cường công tác pháp chế ngành Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ đã giao cho Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội nghiên cứu, đề xuất việc nâng Pháp lệnh phòng, chống mại dâm lên thành Luật để trình Quốc hội vào năm 2018.

 

 

Theo Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, qua 10 năm triển khai và tổng kết việc thực hiện Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm, đồng thời, nghiên cứu khảo sát kinh nghiệm, mô hình phòng, chống mại dâm ở một số nước trên thế giới, kế hoạch nghiên cứu, xây dựng Luật về mại dâm sẽ dựa trên 5 quan điểm chủ đạo.

Thứ nhất, thể chế hóa quan điểm mại dâm là bất hợp pháp ở Việt Nam. Tuy nhiên, việc xây dựng chính sách, pháp luật về phòng, chống mại dâm phải đảm bảo tôn trọng quyền con người, chú trọng các giải pháp mang tính xã hội nhằm giảm tác hại do hoạt động mại dâm gây ra đối với chính người mại dâm và xã hội, góp phần vào sự ổn định và phát triển đất nước.

Thứ hai, luật hóa các quy định hiện hành của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan về phòng, chống mại dâm đã được thực tiễn kiểm nghiệm là phù hợp, đồng thời bổ sung những nội dung mới cho phù hợp với thực tiễn. Đảm bảo tính kế thừa, tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật và đảm bảo tính khả thi.

Tiếp đến, tạo cơ chế pháp lý hữu hiệu để huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội tham gia đấu tranh phòng, chống mại dâm và hỗ trợ, giúp đỡ hòa nhập cộng đồng cho người bán dâm.

Đồng thời, việc xây dựng Luật được tiến hành trên cơ sở tổng kết, khảo sát thực trạng công tác đấu tranh phòng, chống mại dâm trong những năm qua và tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm lập pháp về lĩnh vực này của các nước trong khu vực và trên thế giới.

Cuối cùng là tạo cơ sở pháp lý thuận lợi để tăng cường hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống mại dâm.