Ảnh minh hoạ |
Trong những năm gần đây, bọn tội phạm về ma túy triệt để lợi dụng những thành tựu khoa học kỹ thuật - công nghệ vào hoạt động phạm tội, gây khó khăn cho công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm của các lực lượng chức năng. Các chất ma túy xuất hiện ngày càng đa dạng, nhiều kiểu mẫu khác nhau, để đáp ứng nhu cầu của các đối tượng sử dụng và nhằm che giấu sự kiểm tra, phát hiện của các cơ quan thực thi pháp luật.
Số lượng chất ma túy có nguồn gốc tự nhiên, bán tổng hợp (như thuốc phiện, heroin) có xu hướng giảm; tuy nhiên các chất ma túy tổng hợp, kích thích thần kinh mạnh (như thuốc lắc, hàng đá), những chất hướng thần mới (NPS) lại tăng mạnh. Thủ đoạn sản xuất ma túy tổng hợp từ các loại có chứa tiền chất Pseudoephedrine và Ephedrine được nhiều đối tượng sử dụng.
Pha trộn nhiều loại chất với nhau
Theo Viện Khoa học Hình sự, Bộ Công an, nhằm tăng tác dụng kích thích, hưng phấn, khả năng gây nghiện để thu được lợi nhuận cao, nhiều đối tượng đã pha trộn các loại ma túy với nhau, ma túy với chất khác như chế cần sa thành bánh, trộn tinh thể Methamphetamine với các loại thuốc tân dược, hóa chất, chất tạo màu để sản xuất viên nén ma túy tổng hợp; sử dụng chất Dimethyl Sulfone, phèn chua, viên thuốc tân dược làm giả ma túy để lừa bán cho con nghiện.
Một số loại ma túy tổng hợp được pha trộn để sử dụng với những tên gọi như: “Trà sữa”, “Kẹo”, “Nước vui”…. thường được các đối tượng sử dụng trong các cuộc “đi bay” tại các quán bar, karaoke, sàn nhảy. Loại ma túy này được hòa vào các loại nước có ga như: Nước tăng lực hoặc cocacola rồi uống trực tiếp. Sau khi ngấm vào cơ thể sẽ tạo cảm giác hưng phấn, vui vẻ kéo dài, nhất là khi sử dụng kết hợp với nghe nhạc mạnh. Qua giám định đã tìm thấy thành phần các chất ma túy gồm: Ketamine; Methamphtamine; MDMA; Nimetazepam.
Đặc biệt, những năm gần đây, qua công tác khám nghiệm và giám định, lực lượng Kỹ thuật hình sự đã phát hiện một số đối tượng đã lợi dụng kẽ hở của pháp luật để sản xuất các chất ma túy tổng hợp, chất hướng thần chưa có trong danh mục chất ma túy của Chính phủ Việt Nam, gây rất nhiều khó khăn cho các lực lượng phòng chống ma túy trên cả nước như loại chất ma túy tổng hợp mà các đối tượng gọi là “Cỏ Mỹ”, K2/spice, Fake week, Moon Rocks…
Các đối tượng buôn bán quảng cáo chúng không chứa chất gây nghiện, mua bán hợp pháp, không bị cấm, không bị phát hiện bởi các loại thử nhanh chất ma túy và có tác dụng mạnh hơn nhiều lần cần sa. Quá trình phân tích bằng các phương pháp thông thường đều cho kết quả âm tính, không đặc trưng, vượt quá khả năng giám định của các Phòng Kỹ thuật hình sự, Công an các địa phương. Tuy nhiên, kết quả giám định tại Viên Khoa học hình sự cho thấy: Trong “Cỏ Mỹ” có các hoạt chất: XLR-11, JWH-122, PB-22, AMB-FUBICANA, AB-FUBINACA, 5-Fluo-AKB48 và AB-PINACA-N-FLUOROPENTYL. Các hoạt chất này thuộc nhóm Cần sa tổng hợp, chúng có tác dụng tương tự như Delta9 THC (là hoạt chất chính gây ảo giác trong Cần sa) như: Ảo giác mãnh liệt, loạn thần, giãn đồng tử; tim đập nhanh, huyết áp tăng; kích động, căng thẳng, lo lắng; buồn nôn, ói mửa; hoang mang, ảo giác, tư tưởng cực đoan, hành động gây hại cho mình và cho người khác; co thắt cơ, run và co giật. Tuy nhiên, chúng lại có tác dụng mạnh hơn rất nhiều lần và hầu hết chúng chưa được đưa vào kiểm soát tại Việt Nam.
Qua công tác giám định và các tài liệu thu thập được cho thấy, các đối tượng đã mua các mẫu thực vật, các hoạt chất Cần sa tổng hợp, các dung môi hóa chất và các dụng cụ cần thiết về Việt Nam để tự pha chế, sản xuất. Các hoạt chất trên có thể được phun tẩm vào mẫu thực vật hoặc được trộn lẫn với một số chất khác để ép thành viên nén. Viện Viên Khoa học hình sự đã thông báo đến các lực lượng phòng chống ma túy trên cả nước, đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng đề nghị đưa năm loại hoạt chất nêu trên vào Danh mục chất ma túy tại Việt Nam. Một số loại chất hướng thần gây ảo giác mạnh như LSD, GHB... được tẩm lên các con tem, lá cây “KHAT” vận chuyển qua đường biển, đường hàng không với số lượng lớn, thẩm lậu vào nước ta.
Sản xuất ma tuý tổng hợp Methamphetamine tại Việt Nam
Trong 5 năm gần đây, các lực lượng phòng chống ma túy cũng đã phát hiện và triệt phá hàng chục vụ án liên quan tới việc sản xuất trái phép Methamphetamine tại các địa bàn khác nhau như: vụ Nguyễn Viết Thành, Trần Cao Cường sản xuất trái phép Methamphetamine tại TPHCM năm 2008; vụ Phan văn Chung cùng đồng bọn sản xuất Methamphetamine tại Bắc Giang và Hà Nội năm 2010; vụ Nguyễn Đức Chơm sản xuất Methamphetamine tại Thái Bình năm 2011; vụ Lê Sỹ Thiệu sản xuất Methamphetamine tại Thanh Hoá năm 2011; vụ Nguyễn Bá Thuỷ sản xuất Methamphetamine tại Nha Trang năm 2010…
Thực tế hiện nay tại Việt Nam, thông qua công tác giám định truy nguyên nguồn gốc phương pháp điều chế, thông tin điều tra và trinh sát của các lực lượng phòng chống ma tuý đã chỉ ra: Phần lớn tội phạm điều chế ma túy Methamphetamine tại Việt Nam thường có thời gian sinh sống, làm việc và học tập tại các nước Đông Âu như Cộng Hòa Séc, Ba Lan, Nga,… hoặc có liên quan đến các đối tượng phạm tội ở các nước này.
Kết quả giám định cũng chỉ ra rằng phương pháp điều chế Methamphetamine ở Việt Nam chủ yếu sử dụng phương pháp Czech. Đối tượng và phương pháp điều chế có sự liên quan chặt chẽ với nhau. Phương pháp điều chế này rất đơn giản, không cần thiết bị và dụng cụ thí nghiệm phức tạp, người không có chuyên môn về lĩnh vực hóa học theo chỉ dẫn ghi trong quy trình truyền tay cũng làm ra sản phẩm, mặt khác nguồn tiền chất rất dễ thu gom từ nguồn tự do trên thị trường.
Từ việc khám nghiện hiện trường và giám định các vụ án sản xuất Methamphetamine, các giám định viên thuộc lực lượng Kỹ thuật hình sự đã chỉ ra được thủ đoạn mua bán hóa chất và tiền chất sản xuất Methamphetamine. Phần lớn các hóa chất : axeton, toluen, ethanol, acid HCL, NaOH, iôt, phốt pho đỏ, axit H3PO4… có nguồn gốc Trung Quốc, rất phổ biến và dễ mua tại các cửa hàng hoá chất trên thị trường. Tiền chất được chiết xuất từ cây Ma Hoàng hoặc từ các loại thuốc Đông dược, thuốc tân dược. Tuy nhiên, các vụ sản xuất Methamphetamine được phát hiện gần đây đều lấy từ các dược phẩm có chứa thành phần Pseudoephedrine, Ephedrine được bán rộng rãi trên thị trường để chữa hen, cảm cúm, hạ sốt như TIFFY, DECOGEN, PATAMOL… Các đối tượng đặt mua được với số lượng lớn mà không bị kiểm soát, sau đó chiết tách lấy Pseudoephedrine, Ephedrine.
Hiện trường các vụ sản xuất methamphetamine tại Việt Nam rất đa dạng, phần lớn các đối tượng thường sử dụng các địa bàn xa khu dân cư, gần các cánh đồng, bờ sông, suối hoặc những nơi có trình độ dân cư thấp để tránh bị phát hiện (vì quá trình sản xuất thường tạo ra mùi, tiếng ồn bất thường) và khi bị phát hiện chúng cũng dễ tẩu tán các loại dung môi, hóa chất, thiết bị. Trên thực tế, một số vụ án sản xuất methamphetamine được phát hiện nhưng do cán bộ khám nghiệm hiện trường thiếu kinh nghiệm nên việc tổ chức thu, lấy mẫu giám định không được đầy đủ, dẫn đến việc chứng minh đối tượng sản xuất ma túy là rất khó khăn, ảnh hưởng trực tiếp đến công tác điều tra phá án.
Theo Thiếu tướng Ngô Sĩ Hiền, Viện trưởng Viện Khoa học hình sự, không giống việc giám định các vụ án thông thường, việc tổ chức giám định các vụ án sản xuất methamphetamine còn đòi hỏi chứng minh đối tượng tổ chức sản xuất. Xuất phát từ thực tế đó, ngoài việc chỉ ra các tiền chất, hóa chất là tang vật của vụ án, công tác giám định cần phải chủ động phân tích các sản phẩm trung gian, thành phần dung môi, hóa chất và tiền chất còn tồn dư trong sản phẩm cuối cùng, qua đó chứng minh một cách chính xác, khoa học việc sản xuất và chỉ ra phương thức tổ chức sản xuất. Trên cơ sở đó, cơ quan giám định thông báo rộng rãi đến các cơ quan chức năng để phục vụ công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm về ma túy.
Trước thực trạng bùng nổ về ma túy tổng hợp, đặc biệt là methamphetamine dạng tinh thể, Chính phủ và các cơ quan chức năng của Việt Nam đã và đang có rất nhiều biện pháp để phòng ngừa và đấu tranh đối với loại tội phạm đặc biệt nguy hiểm này.
Trên mặt trận đấu tranh, lực lượng chức năng đã phát động nhiều tháng, thậm chí là năm cao điểm trấn áp các loại tội phạm về ma túy, kết hợp chặt chẽ các ban, ngành, cơ quan có thẩm quyền vào công tác đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm ma túy, trong đó chủ lực là lực lượng Công an, Bộ đội biên phòng và Hải quan. Tổ chức, thành lập thêm một số lực lượng chuyên trách, phản ứng nhanh với loại tội phạm này.
Đối với công tác kiểm soát tiền chất và các dung môi hóa chất có liên quan, hiện nay Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản về kiểm soát tiền chất sử dụng cho mục đích y tế, công nghiệp, an ninh quốc phòng. Các tiền chất là các dung môi, hóa chất cần có chứng từ chứng minh mục đích sử dụng, được sự cho phép của các cơ quan chức năng. Hàng năm tại nhiều cơ quan đã tổ chức các hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về công tác kiểm soát tiền chất, công tác phòng ngừa, phát hiện việc sử dụng các hóa chất là các tiền chất vào việc sản xuất ma túy trái phép. Đối với các loại thuốc tân dược chứa thành phần ephedrine, pseudoephedrine là các tiền chất sản xuất ma túy methamphetamine, các cơ quan chức năng tại Việt Nam hiện đang dần thay thế tiến tới thay thế hoàn toàn các loại tiền chất ma túy này.
Hoàng Anh
▪ Ấn Độ thông qua án tử hình đối với tội phạm hiếp dâm trẻ em (24/04/2018)
▪ Làm giả thuốc chữa bệnh là tội ác (23/04/2018)
▪ Hành trình triệt phá đường dây mua bán 79 bánh heroin (20/04/2018)
▪ Sự cần thiết thành lập Tòa ma túy ở Việt Nam (19/04/2018)
▪ Giải mã những chuyên án khủng ở xứ Mường Trời (12/04/2018)
▪ Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015: Biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt (04/04/2018)
▪ Chiến sĩ 9X kể chuyện phá những chuyên án ma tuý (26/03/2018)
▪ Giám sát, giáo dục người dưới 18 tuổi phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự (24/03/2018)
▪ Những điều chưa biết về nữ quái tàng trữ 2,1 kg ma túy đá (17/03/2018)
▪ 'Đốt đời' vì dục vọng thấp hèn (12/03/2018)