Nếu không kiểm tra thì không ai biết cái sai
Các Website khác - 29/08/2005
Khu 38ha thuộc khu công nghiệp -
dân cư Bình Hòa (phường 13,
quận Bình Thạnh) có chức năng
là khu công nghiệp đang xin
chuyển thành khu dân cư.
Trong hai ngày nghỉ cuối tuần qua, đoàn kiểm tra thực hiện Luật Đất đai của Bộ Tài nguyên - môi trường (TN-MT) đã tiếp xúc với hàng nghìn người dân TP Hồ Chí Minh. Ngày 27-8, khi kiểm tra tại quận Bình Thạnh, đoàn đã phát hiện thêm nhiều việc làm trái luật ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người dân mà “nếu không kiểm tra thì không ai biết”.

“Tầm nhìn như thế làm sao quản lý”

“Năm 1991, phường 13 được UBND TP khen thưởng vì nghiên cứu lập được quy hoạch khu công nghiệp - dân cư Bình Hòa. Trong quá trình phát triển, quận Bình Thạnh trở thành nội ô nên phải dời khu công nghiệp ra ngoài. Mới đây, TP có văn bản gửi Thủ tướng xin “dẹp” từ công nghiệp, chỉ còn dân cư.

Quận, phường giải thích hoài mà dân không chịu nghe” - ông Lý Việt Hoàng, chủ tịch UBND phường 13, quận Bình Thạnh, phân trần như vậy chiều 27-8 khi đoàn kiểm tra cho biết rất nhiều cư dân ở khu vực này gọi điện thoại cho đoàn.

Cầm lá đơn của một người dân, ông Nguyễn Khải, trưởng đoàn kiểm tra, hỏi: “Người dân phản ảnh chính quyền địa phương cùng giám đốc các công ty kinh doanh nhà đất lấy đất công phân lô bán nền. Quy hoạch là khu công nghiệp lại đem làm khu nhà ở. Có hay không?”.

Ông Hoàng: “Các dự án đều có quyết định thu hồi đất, giao đất, sơ đồ phân ranh do Ban quản lý (BQL) khu dân cư - công nghiệp Bình Hòa tham mưu, người dân không nắm được nên phản ảnh như vậy. Trong 125ha quy hoạch chỉ có 38ha là khu công nghiệp thôi nhưng TP cũng xin điều chỉnh thành khu dân cư luôn rồi”.

Bạc Liêu: một số trường hợp cưỡng chế trái phép

Đoàn kiểm tra số 6 kiểm tra tại tỉnh Bạc Liêu. Ngày 28-8, trưởng đoàn Phạm Ngọc Chuyển cho hay một số trường hợp người dân khiếu nại, tố cáo nhưng đã bị trù dập khiến họ mất hết mọi quyền lợi, chính sách về giải quyết nhà ở, đất ở tái định cư.

Ghi nhận của đoàn cho thấy hầu như các khu quy hoạch, xây dựng các dự án không có tái định cư cho dân theo quy định, giải tỏa đền bù không thỏa đáng, có người được đền bù, có người mất trắng; thậm chí có người bị mất đất đến 11 năm nhưng không được chính quyền quan tâm xem xét việc bố trí tái định cư.

Một số trường hợp thực hiện cưỡng chế dỡ nhà dân trái phép nhưng không bồi thường, mặc dù tỉnh có chỉ đạo giải quyết nhưng cấp dưới phớt lờ không thực hiện việc phục hồi quyền lợi chính đáng cho họ. Các chính sách về nhà ở, đất ở... đối với các hộ gia đình thương binh, liệt sĩ, có công với cách mạng không được quan tâm đến nơi đến chốn.

Riêng tại Láng Tròn (Giá Rai), có trường hợp người dân khiếu nại đòi lại đất nhưng sau đó bị chính quyền tước luôn chủ quyền nhà đất hợp pháp của họ để cấp lại cho chính người... bị khiếu nại.


Ông Khải hỏi tiếp: “Thế trong 38ha này đã triển khai gì chưa?”. Ông Hoàng: “Có một dự án xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp, dự án xây dựng trường sát hạch lái xe, còn lại là đường giao thông, công viên cây xanh...”.

Vừa lúc đó, nhân viên văn phòng UBND quận chuyển cho ông Khải xem văn bản của UBND TP đề ngày 22-8-2005 đề nghị ba bộ (TN-MT, Xây dựng và Kế hoạch - đầu tư) “có ý kiến chấp thuận việc thay đổi kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất chuyển chức năng khu công nghiệp Bình Hòa sang chức năng khu dân cư Bình Hòa”. Ông Khải lắc đầu: “TP mới đề nghị, ba bộ chưa có ý kiến gì mà các anh đã làm là... “có vấn đề” đấy!”.

Ông Khải nhắc quận Bình Thạnh phải lập ngay kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2006-2010 với một tầm nhìn chiến lược và công bố ra dân. “Mới hơn 10 năm mà các anh nhìn khu công nghiệp Bình Hòa... không nổi, lẽ ra phải biết chỗ ấy không thể là khu công nghiệp. Tầm nhìn như thế làm sao quản lý, dân kêu là đúng rồi!” - ông Khải nói.

Gây bất lợi cho dân

Buổi sáng, đoàn kiểm tra (có Thứ trưởng Đặng Hùng Võ tham gia) tập trung kiểm tra việc triển khai các dự án phát triển đô thị trên địa bàn, nơi có đặc thù là “quận nội thành có đất nông nghiệp”. Trưởng Phòng quản lý đô thị Võ Nhật Quang cho biết toàn quận có 17 dự án xây dựng khu dân cư chậm triển khai, trong đó riêng Công ty Phát triển nhà Bình Thạnh “ôm” 8 dự án từ năm 1999-2004.

Ông Khải nói: “Một công ty không có năng lực mà các anh giao quá nhiều dự án. Không làm được thì phải giải trình, thu hồi, chứ cứ tiếp tục được giao nữa như vậy là không được”. Ông Khải thông tin nhiều người dân phản ảnh họ mua nền của các dự án này từ năm 2000 nhưng đến nay vẫn chưa được cấp giấy chủ quyền. “Chưa có đầy đủ hạ tầng mà đã đem bán rồi không làm giấy tờ được. Các anh làm thế là tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, gây bất lợi cho dân” - ông Khải nói.

Một trong những lý do dự án chậm triển khai, theo lãnh đạo quận, là do vướng đền bù giải tỏa, nên quận Bình Thạnh có cơ chế cho các chủ đầu tư ký hợp đồng với Ban bồi thường giải phóng mặt bằng (thuộc UBND quận) để lo chuyện... đền bù giải tỏa. Thứ trưởng Đặng Hùng Võ phản ứng ngay: “Không thể để doanh nghiệp “mượn tay” chính quyền trong việc giải phóng mặt bằng. Tôi đề nghị chấm dứt ngay cơ chế này”.

Chung quanh câu chuyện bức xúc nhất hiện nay: giải tỏa, tái định cư, lãnh đạo quận Bình Thạnh cho biết toàn quận có 93 hộ đủ tiêu chí có nhà tái định cư (nhiều nhà không được tái định cư vì thuộc diện lấn chiếm).

Ông Võ lưu ý: “Thế nào là đất lấn chiếm? Các anh nên tính kỹ hơn chứ cứ quy là đất lấn chiếm hết là không ổn. Luật đã ghi rõ nếu ở ổn định từ trước ngày 15-10-1993 đến nay thì đâu gọi là lấn chiếm nữa! Lẽ ra chính quyền phải xử lý ngay từ đầu. Pháp luật đã thừa nhận, sao các anh không áp dụng?”.

Theo Tuổi trẻ